Đây là lời nhắn nhủ của bà Joyce Carol Oates, là nhà văn người Mỹ và giáo sư hưu trí ngành nhân văn học tại Đại học Princeton. Bài tiểu luận “To A Young Writer,” (Gửi người viết trẻ) của bà được in năm 2004 là một trong những bài viết truyền tải nhiều kinh nghiệm quý cho những cây bút trẻ. Trân trọng giới thiệu, trích dẫn bài viết của bà.
Đừng bao giờ xấu hổ về chủ đề của mình, và đam mê dành cho chủ đề của mình. Những đam mê “bị cấm đoán” của bạn rất có thể sẽ là nhiên liệu để viết. Đấu tranh với bản ngã hay những bản ngã bị chôn vùi của bản thân sẽ sản sinh nghệ thuật; những cảm xúc ấy là nhiên liệu thúc đẩy công việc viết và hiện thực hóa những giờ, những ngày, những tuần, những tháng và những năm của những gì mà với người khác, ở một khoảng cách, là “tác phẩm.”
Đừng nản chí! Đừng liếc xéo và so sánh mình với những đồng nghiệp khác! Viết không phải một cuộc đua. Không ai thực sự “thắng.” Sự thỏa mãn nằm ở nỗ lực, và hiếm khi nằm ở những phần thưởng sau này, nếu có bất kỳ phần thưởng nào. Một lần nữa, hãy dốc lòng mà viết.
Đọc rộng, và đừng hối tiếc. Đọc những gì bạn muốn đọc, không phải những gì người khác bảo bạn nên đọc. Đắm chìm trong một nhà văn mà bạn yêu, và đọc mọi thứ người ấy từng viết, kể cả chính tác phẩm sớm nhất. Nhất là chính tác phẩm sớm nhất. Trước khi một nhà văn lớn trở nên lớn, hay thậm chí tốt, người ấy cũng phải mò mẫm một con đường, dò dẫm để có một giọng nói, có lẽ cũng giống như bạn.
Viết cho thời đại của mình, nếu không nói là cho thế hệ của riêng mình. Bạn không thể viết cho “hậu thế” bởi nó không tồn tại. Bạn không thể viết cho một thế giới đã qua. Có thể bạn đang hướng đến, một cách vô thức, một độc giả không tồn tại; có thể bạn đang cố gắng làm hài lòng một ai đó sẽ không hài lòng, và không đáng được làm hài lòng.
Nhưng nếu cảm thấy không thể “dốc lòng mà viết”- gượng gạo, xấu hổ, sợ hãi hoặc làm tổn thương hay xúc phạm tình cảm của người khác - có thể bạn sẽ muốn thử một giải pháp thực tế và viết dưới một bút danh. Có thứ gì đó được giải phóng một cách tuyệt vời, thậm chí như trẻ con, trong một “bút danh”: một cái tên hư cấu được đặt cho công cụ bạn dùng để viết, và không gắn liền với bạn. Nếu hoàn cảnh thay đổi, bạn luôn có thể công bố cái tôi viết lách của mình. Bạn luôn có thể từ bỏ cái tôi viết lách ấy, và nuôi dưỡng một cái tôi khác.
Cuộc sống được sống một cách trực diện, như một chuyến tàu lượn: “nghệ thuật” được chọn lọc một cách lạnh lùng, và chỉ có thể được tạo ra khi nhìn về quá khứ. Nhưng đừng sống một cuộc sống chỉ để viết về nó bởi “cuộc sống” được sống như thế sẽ là giả tạo và vô nghĩa. Tốt hơn là sáng tạo ra toàn bộ một cuộc sống khác.
Đa phần chúng ta đều ngả lòng yêu thích các tác phẩm nghệ thuật, nhiều lần trong suốt cuộc đời. Hãy hiến dâng mình trong sự ngưỡng mộ, thậm chí tôn thờ nghệ thuật của người khác. Nếu tìm thấy một giọng nói hoặc tầm nhìn hấp dẫn, mê hoặc, hoặc bối rối, hãy đắm chìm trong nó. Bạn sẽ học hỏi được từ nó.
Đừng đánh giá trước một cách quá vội vàng các tác phẩm kinh điển. Hoặc đương đại. Thỉnh thoảng, chọn một cuốn để đọc, trái với bản chất thị hiếu của mình, hoặc cái mà bạn tin là thị hiếu của mình. Đó là thế giới của một người đàn ông; một người phụ nữ có sự nhạy cảm được vun đắp bởi chủ nghĩa nữ quyền sẽ thấy nhiều phiền hà và xúc phạm, nhưng có lẽ còn có nhiều thứ để học, và để lấy cảm hứng từ đó, nếu biết là một người ngoài và nhìn từ ngoài vào thì như thế nào.
Ngôn ngữ là một phương tiện lạnh như băng, trên trang giấy. Không như giới nghệ sĩ và vận động viên, chúng ta có thể tưởng tượng lại, sửa chữa và viết lại toàn bộ nếu muốn. Trước khi tác phẩm của mình được in, như trên đá, chúng ta vẫn còn toàn bộ quyền lực đối với nó. Bản thảo đầu tiên có thể vấp váp và chán chường, nhưng bản thảo hoặc những bản thảo tiếp theo sẽ vút cao và hứng khởi. Chỉ cần có đức tin: Câu đầu tiên sẽ không thể được viết cho đến khi câu cuối cùng đã được viết. Chỉ khi ấy bạn mới biết bạn đang đi đâu, và bạn đang ở đâu.
Một lần cuối cùng: Hãy dốc lòng mà viết.
Ngô Duy tổng hợp