Lịch sử gia đình Việt Nam
Từ thế kỷ XV trở đi, cùng với việc xác lập xã hội phong kiến sùng thượng Nho giáo, gia đình Việt Nam đã ổn định, có nề nếp, có truyền thống dựa trên những nguyên lý tu thân, tề gia đưa gia đình vào khuôn phép được coi như chân lý ngàn đời. Ở xã hội phong kiến, nước ta có ba loại gia đình: gia đình bình dân, gia đình kẻ sĩ và gia đình quý tộc.
Gia đình bình dân là loại gia đình chiếm đại đa số của dân nông nghiệp, thủ công và các ngành nghề, các tầng lớp khác nhau. Những gia đình này đều được xem là tuân theo phép tắc của đạo Nho. Gia đình bình dân là gia đình hòa thuận (thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn), là gia đình lao động, có sự phân công nhịp nhàng (chồng cầy, vợ cấy con trâu đi bừa), là gia đình không tán thành chế độ đa thê (đói no một vợ một chồng, một niêu cơm tấm dẫu lòng ăn chơi). Gia đình bình dân cũng là gia đình biết nhường nhịn nhau (chồng giận thì vợ bớt lời), gia đình không phân trai gái nặng nhẹ (trai mà chi, gái mà chi, sinh ra có nghĩa, có nghì là hơn).
Gia đình kẻ sĩ là loại gia đình gắn chặt với văn hóa Nho giáo một cách nghiêm túc hơn và có truyền thống dân tộc rất cao. Đặc biệt kẻ sĩ chân chính có ảnh hưởng rất sâu sắc đến vợ con và cả anh em họ hàng. Kẻ sĩ biết lựa chọn trong văn hóa của Nho của phật những gì thích hợp với gia đình và rất có ý thức về cái nòi, cái nếp tức là rất chú trọng tới gia phong, gia lễ. Họ quan tâm đến lịch sử gia đình, lịch sử gia tộc và có khi là những gia tộc lớn (có những cuôn sgia phả đại tông được soạn rất công phu). Đặc điểm nổi bật của các gia đình kẻ sĩ là công phu đọc sách và ý thức với vận mệnh dân tộc. Nhưng vì chú ý đọc sách nên họ không quan tâm đến lao động sản xuất, trong gia đình hoàn toàn trông cậy vào sự tần tảo của người vợ: Một quan là sáu trăm đồng, chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi và Quanh năm buôn bán ở non sông, nuôi đủ năm con với một chồng. Người phụ nữ trong các gia đình kẻ sĩ cũng chấp nhận vai trò này, không phàn nàn, không tị nạnh mà còn lấy làm vinh hạnh.
Gia đình quý tộc là gia đình hoàng tộc (các vua chúa) các nhà quan to, tước lộc lớn. Những gia đình loại này tất nhiên có nề nếp, có phong cách của tầng lớp quý tộc trong xã hội phong kiến. Các gia đình quý tộc thường không bền vững, có nhiều gia đình suy thoái, tha hóa, thậm chí còn để lại điều tiếng trong lịch sử. Các ông vua, ông hoàng, bà hoàng thời Lê, thời Nguyễn sau này thường không giữ được tư cách.
Nhìn chung, chế độ phong kiến Việt Nam đã củng cố cho chế độ gia đình đi vào nền nếp một cách đắc lực. Vua chúa và triều đình còn biết sử dụng luật pháp để bảo vệ gia đình. Vua Lê Thánh Tông ban đến 24 điều giáo huấn. Các luật ở triều Lê, luật Hồng Đức, luật Gia Long… có nhiều điều khoản đảm bảo quyền lợi, vị trí của cha mẹ, đề ra những quy phạm cho con cháu phải tuân theo.
Từ cuối thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, gia đình Việt nam có rất nhiều biến đổi. Trước hết là sự thăng trầm của ba hình thái gia đình trên. Bên cạnh đó, tình hình xã hội Việt Nam lúc này lại xuất hiện những kiểu gia đình mới: gia đình công chức có chồng con ra làm việc cho chính quyền thực dân, những gia đình tiểu tư sản, gia đình tư sản ở các thành thị. Những gia đình này rải rác có ít nhiều chịu ảnh hưởng của giáo dục Nho giáo, của nề nếp phong kiến hoặc của văn hóa truyền thống bản địa nhưng đã có thay đổi nhiều, tiếp nhận những yếu tố ngoại lai.
Từ Cách mạng tháng Tám trở đi, đất nước tiến hành hai cuộc kháng chiến. Với tình hình xã hội, tình hình kinh tế biến chuyển, diện mạo gia đình tự nó cũng có nhiều biến đổi quan trọng. Các kiểu gia đình kẻ sĩ, gia đình nông dân, gia đình quý tộc được thay thế bằng hình thái gia đình khác. Vấn đề nam nữ bình quyền được hiến pháp chấp nhận, các đoàn thê rphuj nữ hoạt động mạnh, đã đến lúc người phụ nữ không còn bị bó buộc trong phạm vi gia đình như trước. Thời kỳ này, trong xã hội có hai loại gia đình: gia đình xã viên và gia đình công nhân, viên chức.
Gia đình xã viên tập trung nhiều ở vùng nôn thôn với đặc điểm: làm ăn tất bật, đời sống không khá hơn đời sống của trung nông ngày xưa. Gia đình công nhân, viên chức tập trung chủ yếu ở thành phố, thị xã, thị trấn có đời sống sinh hoạt thiếu thốn, khó khăn.
Ngô Duy tổng hợp