Sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài và sử dụng nhân tài
Thời cơ và vận hội, thuận lợi và khó khăn, thời nào chả có. Vấn đề là ở nội lực của từng dân tộc, “ở nguyên khí quốc gia” có được nuôi dưỡng, giữ gìn, trân trọng hay không? Chính vì thế mà khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo thiên tài của đất nước đã tin tưởng sâu sắc rằng trong đồng bào của mình không thiếu người có tài, có đức, chỉ e vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, nên những bậc tài đức không thể xuất thân.
Chỉ 72 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, nhân danh Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã có bài viết đăng trên báo Cứu quốc (số 91, ngày 14/11/1945) khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều nhưng chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Người chỉ rõ việc cần kíp lúc đó là nhân tài trên các mặt: kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục. Tiếp đó, Người tỏ rõ thiện chí và chân thành mong mỏi: “Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay” (Trích trong tác phẩm Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, tr. 99). Ngày 20/11/1946, nghĩa là chỉ sau 8 tháng Chính phủ hợp pháp do Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Khóa đầu tiên) bầu ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhân danh Chủ tịch Chính phủ công bố trước quốc dân đồng bào và lệnh cho chính quyền các địa phương trong toàn quốc phải làm ngay việc “Tìm người tài đức”. Trong bức thông điệp ấy, Người đã:
- Khẳng định: “… Nước nhà cần phải kiến thiết”… nhưng… kiến thiết cần phải có nhân tài…”.
- Chỉ rõ nguồn lực đặc biệt - người tài đức - ở đâu? – Hãy tin và hãy tìm người tài đức ở ngay trong đồng bào mình không phân biệt nguồn gốc xuất thân của họ, miễn sao họ có thực tài và có lòng yêu nước, có nhiệt tình đóng góp cho đất nước.
- Chỉ rõ lực cản dẫn “đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân…” là bởi tại Chính phủ, ở những người lãnh đạo cao nhất quốc gia. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công khai tuyên bố “… khuyết điểm đó tôi xin nhận…”.
- Chỉ thị chính quyền các địa phương: “… sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng…”, cần phải “lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân phải báo cáo ngay cho chính phủ biết…”.
Hồ Chí Minh có cả hệ thống triết luận dùng người. Người luôn luôn tâm niệm đời sống thực tiễn như đất đai, khí hậu, thời tiết, ánh sáng… để con người có thời cơ phát lộ và cống hiến tựa như gieo hạt, nảy mầm, chăm bón cho cây bắt rễ, đâm chồi, ra hoa và kết trái… Chính trong thực tiễn, con người phải chứng minh tính hiện thực và sức mạnh. Thực tiễn là thước đo, là nơi kiểm nghiệm, chọn lọc, đào thải và sử dụng nhân tài, để từ đó đối đãi với từng hạng cán bộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Tư tưởng của Người về nhân tài và sử dụng nhân tài vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay.
Trần Duy tổng hợp