Chùa Hà - Nơi tổ chức hội nghị bàn kế hoạch giành chính quyền cách mạng ở Hà Nội (19/8/1945)
Do vị trí đặc biệt của chùa Hà, Thành ủy Hà Nội đã chọn vị trí này là nơi diễn ra hội nghị bàn những công việc cấp bách chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tại tam quan gác chuông của chùa Hà vào ngày 15-16/8/1945. Hội nghị đã quyết định phương thức hoạt động: lực lượng chính là quần chúng ở nội thành, có lực lượng tự vệ chiến đấu làm nòng cốt và định thời gian khởi nghĩa vào sáng 19/8/1945.
Cũng tối ngày 16/8/1945, Đội Tuyên truyền xung phong công nhân của thành phố đã chỉ đạo tổ Việt Minh Dịch Vọng họp mít tinh toàn dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời tại sân đình và chùa Hà. Sáng ngày 19/8/1945 lực lượng cách mạng các thôn tập hợp tại sân chùa, sau đó theo đường 11A và Thụy Khê tiến vào dự mít tinh ở Nhà hát Lớn và tham gia chiếm phủ Khâm sai Bắc Kỳ của địch.
Nói thêm một chút về đia thế và kiến trúc của chùa Hà: Chùa Hà nằm ở rìa làng có nhiều cây xanh bóng mát. Gác chuông xây hai tầng có cầu thang lên. Tầng trên có mái chồng diêm, giữa mái đắp hình mặt trời lửa trên mặt hổ phù, hai dốc mái đắp hình rồng đuôi xoắn miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới ba gian dựng trên 12 cột trụ xây nổi trong tường tạo 3 vòm cửa, cửa giữa rộng hơn hai bên. Phía trong sân là khu vườn cây, hồ nước hình bán nguyệt và khu kiến trúc chính của chùa. Trải qua thời gian, đến nay chùa Hà còn bảo tồn nguyên trạng tam quan, một vật chứng lịch sử nơi diễn ra nhiều sự kiện cách mạng.
Năm 1986, Sở Văn hóa và Thông tin đã tổ chức gắn biển Lưu niệm sự kiện cách mạng tại chùa Hà.. Chùa Hà vừa là một di tích thờ Phật vừa là di tích cách mạng vì thế luôn được chính quyền và nhân dân đia phương trân trọng giữ gìn và bảo quản chu đáo. Các công trình kiến trúc của chùa đã được tu bổ tôn tạo ngày một khang trang. Năm 2004, Sở Văn hóa và Thông tin đã phối hợp với quận Cầu Giấy và Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng tiến hành chỉnh sửa lại biển Lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học để có cơ sở xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Chùa Hà đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1995.
Với những giá trị lịch sử văn hóa như trên, chùa Hà không chỉ là một đia chỉ văn hóa tín ngưỡng nổi danh của Hà Nội, mà còn là một di tích cách mạng, một điểm đến hấp dẫn trong tuyến tham quan du lịch phía tây nam Thủ đô.
Ngô Duy tổng hợp