Di tích ghi dấu cuộc đánh chiếm trại Bảo anh binh ngày 19/8/1945
Sáng 19/8/1945, tại quảng trường Nhà hát Lớn thành phố đã diễn ra cuộc mít tinh lớn của dông đảo quần chúng, sau đó biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy, chia làm hai khối lớn, một khối đi chiếm phủ Khâm sai Bắc Kỳ, Tòa Thị chính, kho bạc, bưu điện và Sở Cảnh sát Hàng Trống, một khối đi chiếm trại Bảo an binh (Di tích 40 Hàng Bài) và Ty Liêm phóng Bắc Kỳ do đồng chí Nguyễn Quyết chỉ huy.
Cuộc đánh chiếm trại Bảo an binh ngày 19/8/1945 diễn ra từ sáng đến chiều, quân Việt Minh giành thắng lợi mà không phải đổ máu, không tốn một viên đạn. Điều đó đã minh chứng cho đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về khởi nghĩa vũ trang và huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Nhà số 40 Hàng Bài, dưới thời Pháp thuộc là trại lính khố xanh. Những hạng mục công trình quan trọng là cổng trại và hai dãy nhà lính. Cổng trại hầu như được bảo tồn nguyên vẹn, còn hai dãy nhà lính đã được cải tạo, xây thêm và làm mới các cửa sổ, cửa ra vào so với trước đây. Đáng tiếc, tại 40 Hàng Bài không còn di vật nào liên quan đến trận đánh chiếm trại Bảo an binh ngày 19/8/1945. Hiện nay, có tấm biển đá ghi “Nơi đây (năm 1945 là trại Bảo an binh) ngày 19/8/1945, lực lượng cách mạng đã tước vũ khí của địch và chiếm lĩnh vị trí này”, được gắn ở trục bên phải cổng 40 Hàng Bài nhưng chữ đã bị mờ.
Với di tích lịch sử 40 Hàng Bài, theo ý kiến chung của nhân dân, trước hết cần bảo vệ nguyên vẹn cổng trại, cả về quy mô, kết cấu và các họa tiết, bảo tồn tối đa kết cấu kiến trúc hai tòa nhà, nơi ở của lính khố xanh, để có thể tổ chức là di tích tham quan cho nhiều thế hệ sau này.
Trần Duy tổng hợp