Sự ra đời và phát triển của hoạt động biên tập xuất bản
Khi con người phát minh ra chữ viết, thông tin, tri thức của xã hội được ghi lại trong các văn bản. Thông tin tăng lên, lượng văn bản ngày càng lớn, đòi hỏi phải có người thu thập, chỉnh lý, lựa chọn các văn bản. Việc thu thập và chỉnh lý đó đầu tiên là để cất giữ các thông tin, bảo tồn các thông tin về của cải, đất đai, những quy ước của gia đình, dòng họ để truyền lại cho các thế hệ con cháu. Văn bản để cất giữ chỉ cần xếp theo thứ tự và phân loại, không cần gia công sửa chữ về nội dung, chủ yếu dành cho tộc trưởng và các tầng lớp thống trị sử dụng. Lúc này chưa có hoạt động biên tập thật sự.
Khi nhu cầu truyền thông phát triển, tác giả tạo ra văn bản, bản gốc các cuốn sách, trao chúng cho những người chép sách để chép thành nhiều bản, phổ biến cho quần chúng rộng rãi ngoài tầng lớp thống trị. Lúc đó, hoạt động biên tập đã thực sự xuất hiện. Lúc đó, biên tập gộp chung vào hoạt động nhân bản và sai sót chưa nhiều, số bản chép tay được sản xuất chậm, số lượng bản sao nhỏ. Hoạt động biên tập trong thời kỳ làm sách chép tay chưa cần tách ra thành một khâu nghiệp vụ độc lập, biên tập chưa trở thành một hoạt động chuyên nghiệp, một nghề nghiệp riêng.
Cùng với in khắc gỗ, hoạt động biên tập bắt đầu tách ra khỏi hoạt động sáng tác, nhân bản, trở thành một bộ phận của công tác xuất bản. Tuy nhiên, ở giai đoạn này sự phân công giữa biên tập, in và phát hành vẫn chưa rõ rệt, đội ngũ biên tập viên chuyên nghiệp vẫn chưa hình thành.
Sự phát minh ra kỹ thuật in công nghiệp của Gutenberg đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt trong hoạt động xuất bản. In công nghiệp cùng với trào lưu văn hóa Phục Hưng ở châu Âu và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản đã là những tiền đề quan trọng cho ngành xuất bản hiện đại ra đời với đầy đủ cả 3 khâu hoạt động có tính chuyên nghiệp là biên tập, in và phát hành. Sách được nhân bản với số lượng lớn, thời gian sản xuất nhanh và cũng nhanh chóng được phát hành rộng rãi trong xã hội. Hoạt động biên tập trong xã hội hiện đại gồm việc tổ chức khai thác, lựa chọn các tác phẩm để in, nhân bản, để phát trong các chương trình truyền thông; đồng thời góp phần tu chỉnh, sửa chữa, nâng cao chất lượng tác phẩm; kiểm tra những sai sót khi nhân bản; góp phần vào việc phổ biến tác phẩm. Hoạt động biên tập là khâu quan trọng của mọi hoạt động truyền thông, của công tác thông tin tuyên truyền.
Ngô Duy tổng hợp