“Từ thăm thẳm lãng quên” liệu cái tên có gợi nên điều gì? Lại chuyện ký ức. Một ký ức bảng lảng, như mơ như thực, Thế nhưng sao để lại dư âm dai dẳng thế? Cứ như thể cái gì đó vẫn còn tiếp tục gặm nhấm người đọc.
Cốt truyện cực kỳ đơn giản. Có người có thể nói là cốt truyện có gì đâu. Chỉ là nhớ về một mối tình. Thậm chí có thể được gọi là một mối tình không nhỉ? Một love affair. Có người bạn tôi đọc đi đọc lại ba bốn lần vẫn không hiểu nổi ý tưởng của tác giả, muốn truyền tải điều gì và tại sao tác phẩm lại được trao giải Nobel?...
Một thói quen không tốt của sự Đọc trong thời đại ngày này là đọc lướt. Ngoài sự thiếu thời gian khiến danh sách "những cuốn sách đã mua chưa đọc" của mình cứ mãi dài ra, thì có vẻ như mình đọc thiếu kiên nhẫn hơn ngày xưa, ít nhớ từng câu chữ hơn ngày xưa. Dĩ nhiên, người đọc bây giờ ngoài thiếu thời gian cũng phải đứng trước "thách thức" dồn dập đầu sách mới, so với sách thời bao cấp ngày xưa...
Thêm nữa, tuổi tác đã làm mình trở thành một người đọc khó tính hơn. Một kinh nghiệm là nếu đọc không thấy "vào", không thấy thích thì nên bỏ luôn, hoặc để đó, không cố đọc chỉ vì thấy cuốn sách được nhiều review khen ngợi. Cố quá sẽ dễ thành quá cố...
"Từ thăm thẳm lãng quên" của Patrick Modiano không phải là một cuốn sách với cốt truyện và câu chữ cuốn hút ngay từ những trang sách đầu tiên. Nhưng đây cũng là một trong những cuốn sách khi đã "vượt qua" khoảng 1/2 chặng đường, bỗng dưng mình thấy cần phải lắng lại đọc kỹ hơn, và khi vừa đọc xong đến trang cuối cùng cũng là lúc muốn "đi lại từ đầu". Đó là thành công của tác giả theo cảm nhận của riêng mình.
Một cách tài tình, Patrick Modiano đã dẫn dắt người đọc xuôi ngược trên dòng thời gian cùng với nhân vật của ông, đến nỗi nhiều lúc cảm tưởng như không gian ấy, ký ức ấy ta cũng đã từng trải qua, trong một giấc mơ nào đó... với những niềm vui nỗi buồn, hy vọng và thất vọng. Thì ra hoài tưởng cũng có thể mang một vẻ đẹp thăm thẳm u buồn, đôi khi đến nhói tim. Có câu "Hạnh phúc không tính bằng đích đến, mà bằng những hành trình". Trong sự Đọc, mỗi khi cảm nhận được cái đẹp của một tác phẩm, thấm được những gì làm nên một nhà văn lớn mà giới văn chương và độc giả công nhận - có lẽ cũng nên tính là một hành trình, tuy gọi là "hạnh phúc" thì e rằng to tát quá!
Thu Linh