Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 12/10/2016 10:05
ĐƯỜNG ĐẾN VINH QUANG

 Ngày 7/8/2016 đi vào lịch sử nền thể thao Việt Nam khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được Huy chương Vàng nội dung súng ngắn hơi nam 10 mét tại Thế vận hội Mùa hè 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil). Đây là tấm huy chương vàng đầu tiên tại một kỳ Thế vận hội kể từ khi chúng ta tham dự vào năm 1980. Bốn ngày sau, 11/8, anh lại giành thêm một Huy chương Bạc nội dung bắn chậm 50 mét. “Hai tấm huy chương thể hiện đẳng cấp khiến chúng ta tự hào trên đấu trường thể thao thế giới” - huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bắn súng quốc gia, cựu xạ thủ Nguyễn Thị Nhung xúc động chia sẻ.

 Đánh giá thắng lợi này của Hoàng Xuân Vinh, có người đã nói: “Lâu lắm rồi, kể từ khi Giáo sư Ngô Bảo Châu giành giải Field danh giá mới lại thấy một hiệu ứng xã hội lớn đến như vậy”. Kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh đã làm bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng và là nguồn cảm hứng tạo nên xúc cảm mãnh liệt cho mọi người. Anh xứng đáng là “người hùng của thể thao Việt Nam” - như cách nói của huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung. Để đạt tới đỉnh cao vinh quang đó là cả chặng đường dài phấn đấu nỗ lực hết mình của Hoàng Xuân Vinh suốt 16 năm qua - kể từ khi anh chính thức bước vào sự nghiệp vận động viên thể thao chuyên nghiệp (năm 2000).

Dưới sự dìu dắt của huấn luyện viên trưởng Nguyễn Thị Nhung, tên tuổi Hoàng Xuân Vinh nổi lên gắn liền với thành tích của đội tuyển bắn súng Việt Nam kể từ sau SEA Games 24 diễn ra ở Thái Lan năm 2007 với 2 Huy chương Vàng cá nhân (nội dung súng ngắn 10 mét hơi nam và súng ngắn 25 mét ổ quay) và 1 Huy chương Vàng đồng đội. Đó là những bước chạy đà đầy thuận lợi cho chuỗi thành tích liên tục cho đến hôm nay.

Để có được thành công này, Vinh cũng đã nhiều lần trải qua thất bại. Có thất bại chỉ đến như một sự tiếc nuối như ở Thế vận hội Mùa hè London 2012, khi anh chỉ cách Huy chương Đồng 0,1 điểm. Nhưng cũng có thất bại làm anh cay đắng như ở ASIAD 2010, “tôi bắn phát cuối cùng chậm hơn thời gian quy định. Phát súng vào bia nhưng quá thời gian nên không được tính điểm. Tôi từ chối tiếp xúc với báo chí sau thất bại này và nói muốn ở lại trường bắn một mình để trấn tĩnh. Tôi như khóc thầm, nuốt nước mắt vào trong chứ không thể hiện ra bên ngoài” - Vinh kể lại kỷ niệm buồn cách nay 6 năm. “Khi đó Vinh như mất niềm tin, có lúc hỏi tôi là “Em có thể bắn tốt nữa được không”” - Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung nhớ lại.

Rất may mắn trong cuộc đời Hoàng Xuân Vinh, những lúc đó - và rất nhiều khoảnh khắc quan trọng trong sự nghiệp - bên cạnh anh luôn có người thầy, người chị, người bạn động viên an ủi đó là huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung. Được hỏi về những thời điểm khó khăn của vận động viên, chị Nhung nói đơn giản: “Tôi chỉ biết mình phải ở bên cạnh vận động viên của mình”.

Và thời khắc đấu trí trước khi giành Huy chương Bạc vừa qua Vinh nhớ như in: “Sau hai phát súng cuối của vòng loại 50 mét súng ngắn bắn chậm đạt tôi đã 10 điểm để vào chung kết, chị Nhung đã gọi tôi ra nói chuyện, điều chỉnh lại. Hai viên cuối cùng tôi không biết mình được bao nhiêu điểm mà chỉ bắn theo chiến thuật chị Nhung đề ra. Chị Nhung nói với tôi: “Em hãy quên hết tất cả những gì trước đó đi và quyết đoán lên!”.”

Hoàng Xuân Vinh nói về người thầy của mình với tình cảm quý mến và thán phục: “Chị Nhung là người rất sáng tạo, chịu khó ham học hỏi, tìm tòi phương pháp mới - đó là phương pháp coi trọng tâm lý. Chị có những bài giảng về tâm lý và mục tiêu đề ra nuôi ý chí cho vận động viên. Sau mỗi giải đấu, dù thành công hay thất bại, bao giờ chị Nhung cũng động viên tôi và hai thầy trò - hai chị em - cùng ngồi phân tích, mổ xẻ, tranh luận gay gắt từng chi tiết để tìm ra các nguyên nhân dẫn đến sai sót và cách khắc phục. Chị Nhung luôn đòi hỏi cao, luôn không hài lòng với vận động viên ngay cả khi đã đạt giải. Chính vì vậy mà bản thân tôi và cả đội tuyển phải luôn nỗ lực rèn luyện”.

Còn theo quan điểm của huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung: “Với bất cứ bộ môn nào trong thể thao, để đạt được thành tích cao, đều đòi hỏi là phải có bước đột phá. Và bản thân huấn luyện viên cũng như vận động viên đều phải nỗ lực hết mình, bởi nếu thỏa mãn với thành tích đạt được sẽ đồng nghĩa với dừng lại”. Xuất phát từ quan điểm này nên chị luôn suy nghĩ, trăn trở, tìm cách áp dụng bước đột phá quan trọng là đề cao tư duy. Theo chị, tư duy chiến thắng kỹ thuật. Tư duy là gốc, là vấn đề căn bản, cốt lõi nên phải chuẩn bị giáo án, giáo trình và cách tiếp cận sao cho phù hợp với vận động viên để khơi dậy, phát huy hết tiềm năng trong mỗi con người. Đánh giá về học trò yêu của mình, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung nói: “Hoàng Xuân Vinh có đầy đủ tố chất của một vận động viên đỉnh cao. Vinh có kỹ năng cơ bản, kỹ thuật tốt và tự tin vào kỹ thuật của mình. Cậu ấy cũng là người rất cầu toàn, luôn kiên trì rèn luyện theo tư tưởng chiến thuật và kỹ thuật do ban huấn luyện đề ra”.

Tiếp bước người cha là một sĩ quan công binh, Vinh đã thi đỗ vào Trường  Sĩ quan Công binh 2 với điểm số cao thứ nhì toàn khóa khi mới qua tuổi 17 (sau 2 tháng huấn luyện tân binh, anh lại quay về Trường Cấp III Nguyễn Trãi - Hà Nội thi tốt nghiệp phổ thông). Môi trường quân đội đã tôi luyện nên một Hoàng Xuân Vinh với ý thức kỷ luật cao, thực hiện tốt giờ nào việc ấy và luôn chấp hành nghiêm giáo án do ban huấn luyện đưa ra. Vinh tự nhận mình là người có khả năng lập trình tốt và tự giác thực hiện nghiêm tất cả các kế hoạch đặt ra.

Là người có thể lực tốt, trạng thái tâm lý ổn định, lại say mê với bộ môn bắn súng, dù không khỏi đã có lúc muốn dừng vì các sức ép và áp lực từ công việc cũng như cuộc sống - nhưng Hoàng Xuân Vinh “cứ cầm đến súng là mê mẩn, là vui sướng, là thấy mình gắn bó với nó, thân thiết với nó như một người bạn. Vừa có cảm giác làm chủ hoàn toàn, vừa có cảm giác như múa được”.

Ở tuổi 42, với gia đình êm ấm là người vợ đảm đang thay anh lo toan việc nhà - Phan Hương Giang - cũng là một quân nhân công tác tại Cục Quân huấn và hai con một gái, một trai Hoàng Tuệ Minh (lớp 9), Hoàng Nam Trung (lớp 2) luôn chăm ngoan, học giỏi, là điểm tựa để Vinh yên tâm theo đuổi đam mê của mình, tiếp tục cống hiến cho thể thao thành tích cao của Việt Nam.

Khi được hỏi về các danh hiệu thi đua đã đạt được, Vinh xua tay như khỏa lấp, cào bằng: “Em đủ cả Bằng khen của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Huân chương Lao động (4 chiếc) v.v… nhưng không cần kể ra đâu. Điều quan trọng là em còn sức và còn say mê với bộ môn bắn súng, còn đặt ra mục tiêu để tiếp tục chiến đấu, trước mắt là vượt qua ASIAD 2018 sắp tới”.

Thành công của Hoàng Xuân Vinh ngoài niềm đam mê của bản thân, sự động viên, sẻ chia từ gia đình và việc tạo điều kiện hết mức từ phòng Thể dục thể thao quân đội - nơi anh vừa là xạ thủ vừa là huấn luyện viên trưởng đội tuyển bắn súng quân đội - còn có đóng góp to lớn của huấn luyện viên trưởng Đội tuyển quốc gia, trưởng Bộ môn Bắn súng Nguyễn Thị Nhung, một phụ nữ quả quyết, năng động, dám nghĩ, dám làm, luôn biết cách tìm ra được đột phá giúp vận động viên của mình thành công. Hy vọng trên nền tảng vững chắc đó, Hoàng Xuân Vinh sẽ tiếp tục tiến xa hơn nữa trên con đường sự nghiệp, mang lại nhiều vinh quang cho Tổ quốc.

 

Hoàng Châu Minh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)