TÔI MAY MẮN CÓ MỘT NGƯỜI THẦY NHƯ THẾ!
- Cậu kia đi đâu đấy?
- Dạ, cháu xuống xưởng để thực tập ạ!
- Đến thực tập thì phải gặp chú Long quản đốc phân xưởng kia kìa, cứ đi thẳng, chú ấy đang ngồi ở đó đấy.
Giọng nói như quát của người đàn ông càng làm tăng vẻ lo lắng của cậu thanh niên khiến cậu vội vàng chạy đi.
Chưa dừng lại ở đó, người đàn ông hiểu được cậu thanh niên đang lo lắng nên trêu chọc thêm: “Sinh viên thực tập gì mà nhát thế, đi thực tập thế này thì học hỏi được gì, bằng tuổi chúng mày chú đã có mấy cô người yêu rồi đấy”. Rồi chú cười to kèm theo cái lắc đầu âu yếm.
Tôi vừa xuống xưởng chứng kiến được toàn bộ câu chuyện liền mỉm cười vẫy tay chào chú - người mà tôi rất quý trọng.
Người mà tôi đang nói đến chính là đồng nghiệp làm cùng Trung tâm, người chú người anh cả của tôi - chú Quang. Những người gặp chú lần đầu đều không khỏi hoảng hốt trước cái giọng ồm ồm như quát của chú. Nhìn cậu thanh niên đó tôi bắt gặp bóng dáng mình của ba năm về trước, khi ấy tôi cũng chỉ là một chàng sinh viên mới ra trường, nhút nhát, lạ lẫm đến thử việc tại Trung tâm Phát triển sản phẩm mới này.
Nhanh thật, vậy là tôi đã gắn bó với nơi đây được hai cái tết rồi, mà sao mọi thứ với tôi vẫn vẹn tròn như hôm nào, đặc biệt là ấn tượng về chú. Ngày đó, tôi biết đến Trung tâm qua sự giới thiệu của thầy giáo hướng dẫn tốt nghiệp. Những ngày tháng tìm kiếm tài liệu phục vụ cho đồ án tốt nghiệp, nhóm chúng tôi ăn cùng thầy, ngủ cùng thầy hướng dẫn tại các xưởng để mong hoàn thành tốt đồ án của mình.
Có lẽ cuộc đời mỗi người để gặp được nhau đều phải có cái duyên, tôi và chú bén duyên với nhau cũng nhờ cuộc nói chuyện tranh thủ lúc tôi ngồi chờ phỏng vấn. Người tôi gặp đầu tiên tại nơi đây cũng chính là chú, người đàn ông có dáng hình cân đối, tóc hơi hoa râm, giọng nói ồn ào.
Vốn là một sinh viên mới ra trường, tôi rất rụt rè trong mọi câu hỏi của chú. Dường như thấu hiểu được điều đó, chú luôn vui vẻ khi nói chuyện với tôi, chú không hỏi nhiều về chuyên môn mà gần như chỉ là sự chia sẻ của người đi trước với thế hệ trẻ nhiều hơn. Cuộc trò chuyện chớp nhoáng, tôi được gọi vào phỏng vấn. Tôi chào chú và hít một hơi thật sâu trước khi bước vào cánh cửa để đưa cuộc đời tới một trải nghiệm mới. Chú đứng dậy, bắt tay tôi kèm theo cái vỗ vai với lời chúc: “Cố lên chàng trai trẻ, hãy nắm bắt cơ hội và coi đây chỉ là một buổi thuyết trình như bao buổi khác trên giảng đường”, tôi như thấy mình được tiếp thêm động lực.
Rồi may mắn được nhận vào Trung tâm, nhờ đó tôi có cơ hội được làm việc với chú nhiều hơn. Chú hình như là người đa tính cách, tôi dùng từ “đa tính cách” là vì lý do gì nhỉ? Bạn thử hình dung thế này nhé: Trong giờ làm việc, vì chú đảm nhiệm công tác an toàn và vệ sinh trong Trung tâm nên hết sức nghiêm túc và có trách nhiệm. Chú gần như không cho phép đồng nghiệp của mình lơ là trong công việc, chú quan niệm: “Mỗi phút, mỗi giây làm việc cần làm đúng, đủ trách nhiệm của mình, không biết thì hỏi và luôn phải thực hiện theo tinh thần 5S của Trung tâm”. Như vậy mới không lãng phí tài nguyên lao động, đừng nghĩ rằng cứ 8 tiếng hết giờ là về, như thế là chưa làm hết cái tâm của người lao động. Là người của Trung tâm, không ai không biết đến quan điểm làm việc đó của chú. Và chỉ ngày đầu tiên đi làm tôi đã thuộc được quan điểm đó, bởi lẽ, các cô chú và các anh có thể nhắc đến bất cứ chỗ nào, thời điểm nào như một khẩu hiệu của Trung tâm. Còn hết giờ làm việc thì chú luôn vui vẻ, hòa nhã với mọi người. Ấn tượng của tôi về chú đã rất tuyệt ngay từ ngày đầu, nhưng thực sự khi được lao động và làm việc ở đây tôi mới hiểu được rằng không chỉ mình tôi ngưỡng mộ chú mà ai ai cũng dành tình cảm đó cho chú và ví chú như cánh chim đầu đàn gương mẫu của cơ quan.
Ngồi ăn trưa cùng mọi người, tôi lân la hỏi chuyện về chú, tôi biết chú tên đầy đủ là Mai Thanh Quang, một thợ tiện của Trung tâm. Chú sinh năm 1968, ở cái tuổi ngoài tứ tuần, nhưng chú lại luôn hài hước như một chàng trai trẻ. Hiện chú đang ở cùng gia đình tại Hoàng Mai - Hà Nội và vào cơ quan được hơn 30 năm rồi. Chú gần như là thế hệ đầu tiên của cơ quan và nổi tiếng khắp Trung tâm bởi cái tài với nghề và cái tâm với đời. Vào Trung tâm và gắn bó cùng những thăng trầm của nơi đây, chú được mọi người xem như cuốn từ điển sống về lịch sử cơ quan. Thêm vào đó, chú có khả năng vững vàng về chuyên môn nhưng không hề làm cao với mọi người. Ngược lại chú luôn ôn tồn chỉ bảo, tận tâm hướng dẫn những người trẻ của cơ quan. Trong công việc chú là một người thầy, trong cuộc sống chú như người bạn, người anh, người cha luôn lắng nghe, chia sẻ tâm sự, động viên chúng tôi.
Vậy đó, bao năm quen chú, tôi thấy chú luôn là một con người cần mẫn với công việc, thấu hiểu đời, thấu hiểu người. Và tôi luôn yêu quý, tôn trọng chú như một người thân trong gia đình.
Nhờ sự lao động nghiêm túc, cống hiến không biết mệt mỏi của mình, năm 2015 vừa qua chú được Ban Chấp hành đoàn ngành xây dựng Hà Nội tặng:
- Giấy khen lao động giỏi ngành xây dựng Hà Nội.
- Bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Tháng 5 năm 2016, chú được vinh danh tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo toàn quốc ngành xây dựng năm 2016 do Bộ Xây dựng tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, chú còn được tặng thưởng nhiều danh hiệu trong các năm 2013 và 2014...
Dù tài giỏi là thế, nhưng chú vẫn luôn khiêm tốn, chú tâm sự: “Giải thưởng chỉ như cái áo mặc bên ngoài, nó phù du lắm, mình làm không vì thành tích hay bằng khen mà là tình yêu với nghề, mỗi ngày được lao động là như thấy bản thân còn có ích cho xã hội. Các cậu còn trẻ phải cố gắng nhiều, phải giỏi hơn chú nhiều chứ”, nói xong chú cười to. Vẫn thế, chú luôn là người như thế, bảo sao chúng tôi không khỏi yêu mến và cảm phục!
Tôi thấy mình may mắn khi được vào Trung tâm, và may mắn hơn khi tôi được làm việc cùng chú, một con người đủ cả tài đức. Dẫu cuộc sống còn khó khăn, với đồng lương của người công nhân cũng không dư giả là bao, nhưng chưa một lần chú kêu ca hay trách móc than phiền. Với chú đó là những cơ hội để thử thách bản thân và đây cũng chính là điều tôi học được ở chú Quang. Cuộc sống là thế, phải luôn biết quý trọng những gì mình có, không ngừng học hỏi và cố gắng.
Còn đang đắm chìm trong khoảnh khắc của những ngày chập chững đến làm việc, bỗng giọng nói đâu đó từ phía xa như kéo tôi trở về thực tại, bước ra khỏi sự hoài niệm. Không quá khó để tôi có thể nhận ra tiếng gọi vừa rồi là của chú:
- Ông bố trẻ, tôi làm như thế này đã đúng với thiết kế của ông chưa?
- Vâng, chú làm cho cháu thì cháu yên tâm rồi! Cháu đang cố tìm ra lỗi sai đây!
Nói xong cả hai chú cháu tôi cười to như vừa trúng giải độc đắc vậy. Chú nói tiếp: “Vợ thì ở quê rồi, nay công việc chưa nhiều lắm, hết giờ làm chú cháu lại tạt qua quán bia hơi chứ nhỉ, trời Hà Nội nắng nóng 38 - 39 độ thế này chỉ vài cốc bia là đời lại khác ngay. Tan làm, chú đợi dưới cổng chính, vẫn quán cũ nhé người anh em”.
Nói xong không cần tôi đồng ý, chú quay đi luôn. Bao năm rồi, người chú ấy vẫn vậy, vẫn thói quen thỉnh thoảng rủ anh em đồng nghiệp tụ tập, bởi với chú cái tình anh em nó là vô giá “giàu vì bạn sang vì vợ”, trong cuộc đời không phải ai cũng có thể hợp nhau, ngồi với nhau “đàm đạo” về công việc, về gia đình, về sự đời như cách mà chú với tôi hay làm.
Thế đó, con người ta trong cuộc đời, thành công không phải là sự đo đếm tiền tài hay vật chất, mà là những người bạn ta có được. Trong biết bao người ngoài kia để ta tìm ra người có thể tin tưởng trải lòng không nhiều và có lẽ tôi khá may mắn khi quen được một người như chú, danh nghĩa là đồng nghiệp, cùng chung một cơ quan nhưng chưa bao giờ tôi coi mối quan hệ giữa tôi và chú là đồng nghiệp, bởi lẽ cái chú dành cho tôi, cho mọi người, sự chỉ bảo bằng cái “tâm” của chú đã vượt ra ngoài hai từ “đồng nghiệp”. Với tôi bây giờ và sau này vẫn thế, chú sẽ mãi là tiền bối trong công việc, ở phương diện tình cảm chú sẽ mãi là một người bạn lớn, một người anh gần gũi, tri kỷ của tôi. Tôi chưa bao giờ nói điều này với chú, nhưng thực sự chú luôn là niềm yêu mến, ngưỡng mộ của mấy anh em chúng tôi. Chỉ mong sao chú luôn mạnh khỏe, tiếp tục cống hiến cho Trung tâm để mãi là tấm gương sống về đạo đức, về tài năng cho thế hệ chúng tôi noi theo.
Bùi Văn Khai