Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 17/10/2016 02:11
NỮ KIỂM SÁT VIÊN TÂM TRONG ĐỨC SÁNG

 

 “Nếu chữ tâm không thực sự trong sáng thì không thể trở thành kiểm sát viên giỏi và trung thực” - chị Phạm Thanh Thúy (kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân quận Đống Đa) chia sẻ.

Nghề của chữ tâm

23 năm gắn bó với nghề kiểm sát, tiếp cận và trực tiếp tham gia hàng ngàn vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, chị Phạm Thanh Thúy mang nhiều trải nghiệm buồn vui trong nghề. Mỗi vụ án kết thúc là một cung bậc xúc cảm riêng của người trong cuộc. “Khi vụ án này khép lại có nghĩa là lại tiếp tục hành trình của một vụ án mới nhưng đôi khi, dư âm về những số phận, những con người đã qua cứ ám ảnh tôi. Có nhiều vụ án ly hôn tranh chấp con cái hay người một nhà kiện tụng tranh giành nhà cửa, quyền thừa kế vô cùng căng thẳng, cạn tình với nhau. Nhiều đôi, các đương sự trong vụ án hôm qua là vợ chồng nhưng hôm nay lại trở thành “kẻ thù” đối đầu nhau không khoan nhượng. Với những đối tượng này, mình phải nắm bắt tâm lý họ thật sâu sát thì mới có thể tiếp cận, ứng phó, hòa giải kịp thời nhằm chuyển đối tượng từ thế phản kháng tiêu cực trở nên mềm dẻo, thay đổi tích cực, hợp tác cao. Mỗi khi hòa giải các vụ thành công, biến sự đối đầu thành hợp tác là niềm vui lớn nhất của người trong nghề chúng tôi”, chị Thúy tâm sự.

Với đặc thù nghề nghiệp, hơn hai chục năm trong nghề, chị đã kiểm sát chặt chẽ từ khâu thông báo thụ lý đến quyết định, ra bản án của tòa án và tham gia đầy đủ các phiên tòa xét xử. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, hết sức nhanh nhạy, chặt chẽ và cẩn thận. Với suy nghĩ, kiểm sát để phát hiện nhằm khắc phục kịp thời, giúp quá trình ra quyết định của bản án chính xác, đúng người, đúng tội, đúng các quy định của pháp luật và thấu tình đạt lý nên chị không bao giờ lơ là, dễ dãi bỏ qua bất kỳ khâu nào trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ việc. Bản thân chị nhiều lần trực tiếp phát hiện thiếu sót của tòa án và có nhiều văn bản kháng nghị, kiến nghị được các phòng nghiệp vụ của Viện Kiểm sát Hà Nội chấp nhận, tòa án tiếp thu, khắc phục sai sót và sửa chữa kịp thời.

Trong câu chuyện về nghề, chị trăn trở nhiều về cái tâm của người kiểm sát viên. Sự công tâm của những người hành pháp sẽ mang lại niềm tin cho đương sự trong mỗi vụ án. Và từ những niềm tin cá nhân trong từng vụ án sẽ tạo nên niềm tin cộng đồng, niềm tin xã hội. Theo quan điểm cá nhân của chị Thúy: “Nếu trong mỗi vị trí công tác, mọi người đều làm tốt, trách nhiệm, công bằng phần việc của mình thì từng việc nhỏ sẽ góp thành việc lớn, tạo nên những giá trị xã hội tốt đẹp. Đối với các vụ án dân sự, luật là một lẽ nhưng bên cạnh cái lý còn phải có cái tình. Nếu mình áp dụng luật một cách cứng nhắc, khuôn mẫu mà bỏ qua cái tình thì vụ án ấy không đạt được tính nhân văn”. 

Môi trường cơ quan tốt là động lực làm việc

Chị Thúy quan niệm, cơ quan không phải là gia đình nhưng sự gắn kết và môi trường làm việc nhân ái, đoàn kết sẽ tạo động lực cho các cá nhân làm việc. Trên tinh thần ấy, với vai trò một đảng viên, người phụ trách công tác văn phòng và ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, chị luôn quan tâm, gần gũi, là hạt nhân đoàn kết giữa các thành viên trong cơ quan; là cầu nối của chi bộ, công đoàn trong công tác nắm bắt tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của đảng viên, cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Chị không ngại khó khăn, vất vả, luôn là người tiên phong trong các hoạt động đoàn thể cũng như việc chung của cơ quan. Nhiều người trêu chị “vác tù và hàng tổng”, đi lo “chuyện bao đồng”…, chị chỉ cười vì đơn giản, khi làm một việc hữu ích, chị thấy vui và cuộc sống ý nghĩa hơn. “Anh chị em trong cơ quan ai cũng bận việc chuyên môn, lại còn bao chuyện gia đình phải lo toan nên cũng áp lực lắm. Thế nên, có được môi trường làm việc tốt sẽ là động lực thúc đẩy mỗi người hăng say làm việc hơn, yêu mến và gắn bó với cơ quan hơn. Mình chỉ mong muốn góp một phần rất nhỏ để cùng các đồng nghiệp tạo nên môi trường làm việc văn hóa - đoàn kết”, chị Thúy tâm sự.

Nói về chị Phạm Thanh Thúy, ông Đỗ Kiến Trúc, Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân quận Đống Đa chân tình: “Ngoài cương vị công tác, chị ấy luôn như một người chị, em gái đối với anh chị em trong cơ quan. Có những việc tưởng chừng rất nhỏ nhặt như tắc ống nước, cháy bóng đèn điện… chị ấy cũng đều xăng xái xắn tay vào làm, không nề hà, phân biệt việc của đàn ông - đàn bà. Chị Thúy thẳng tính nhưng sự góp ý chân tình, mang tính xây dựng của chị luôn được anh chị em đồng nghiệp trân trọng. Không chỉ quan tâm đến tất cả anh chị em, hễ giúp được ai việc gì là chị ấy đều giúp đỡ nhiệt tình. Hoàn cảnh gia đình chị Thúy có phần vất vả hơn so với nhiều anh chị em khác trong cơ quan nhưng chưa bao giờ chị Thúy để ảnh hưởng giữa việc tư với việc công. Chị ấy luôn là người đến cơ quan sớm và về muộn hơn mọi người vì chăm lo các công tác hậu cần, nội vụ cơ quan. Chuyên môn vững, sống trách nhiệm, vì tập thể, nhân ái, đoàn kết là những đặc điểm nổi bật ở chị Thúy”.

Vĩ thanh

Ai gặp chị Phạm Thanh Thúy cũng rất ấn tượng bởi tính dễ gần, sôi nổi, đôi mắt biết nói và nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi. Nhưng đằng sau những thành công và nụ cười ấy hằn biết bao gian truân mà không phải ai cũng hiểu hết về chị. Hơn 10 năm trước, tuổi ngoài 30, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo không qua khỏi. Suốt mấy năm chồng bạo bệnh, chị hết lòng, dốc sức chăm anh. Anh ra đi để lại cho chị đứa con trai mới lên 7 tuổi. Kinh tế gia đình eo hẹp, con thì nhỏ, chị nén nỗi đau lấy công việc làm vui. Cũng nhờ có gia đình hỗ trợ, bạn bè động viên, những chông chênh dần qua, nỗi đau được nguôi ngoai đôi phần…

Trái tim phụ nữ của chị đâu phải là sắt đá! Cuộc sống không có anh bên cạnh, bao lúc khó khăn chị cũng nản lòng. Nhưng chị bảo, khi con người ta có định hướng rõ ràng, sống có niềm tin và tư duy tích cực thì bão rồi sẽ qua, ngày mới lại tràn đầy năng lượng sống và làm việc. Anh không còn bên chị mỗi ngày nhưng con trai chị là hình ảnh hiện hữu của anh. Bao năm, tình yêu dành cho anh chẳng phai, nhìn con trai trưởng thành mỗi ngày, chị thấy lòng ấm áp.

Với sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng, chị Phạm Thanh Thúy được Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong các đợt thi đua “Thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tặng Giấy khen. Năm 2015 chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Trong các năm 2013, 2015, chị được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do Ủy ban nhân dân quận Đống Đa và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng. Với thành tích trong công tác công đoàn, chị được Liên đoàn Lao động quận Đống Đa, thành phố Hà Nội tặng Giấy khen vì đạt thành tích xuất sắc trong công tác nữ công năm 2015; Giấy khen có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn năm 2013... cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Đặng Khánh Hưng

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)