Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 19/10/2016 09:09
NGƯỜI “GIỮ” VÀ “TRUYỀN LỬA” CHO NGHỀ DỆT LỤA TRUYỀN THỐNG

 Được sinh ra trong một gia đình thợ thủ công giàu truyền thống cách mạng, từ nhỏ Nguyễn Anh Sơn - chủ cơ sở dệt lụa Lan Sơn Silk phường Vạn Phúc, quận Hà Đông đã được bố mẹ định hướng cho theo nghề dệt lụa. “Tiếng thoi dệt” như “lời mẹ ru”,  những “họa tiết hoa văn” đã ăn sâu vào trong anh từ thuở nhỏ cùng với niềm đam mê đưa lụa của quê hương mình vươn xa, anh đã chọn và quyết tâm theo nghề cửi canh.

 Anh luôn tâm niệm rằng: phải học để có trình độ chuyên môn vững vàng, xã hội ngày một phát triển, máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không học thì lạc hậu và tự mình đào thải mình. Chính vì thế mà anh luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm được truyền dạy trong gia đình, từ các thế hệ cha ông, các nghệ nhân trong hiệp hội làng nghề để nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân.

   Những năm chín mươi của thế kỷ XX, sử dụng máy móc trong sản xuất phát triển rất nhanh, những khung cửi truyền thống dần được cơ giới hóa; các khâu từ quay tơ, dệt lụa, nhuộm, hấp… đều có sự tham gia của máy móc, đòi hỏi người thợ thủ công cũng phải hiểu biết thêm về lĩnh vực cơ khí.

Năm 1996, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh đã đi học trung cấp nghề ngành điện, vừa học vừa làm thợ thủ công tại nhà. Nghề điện đã giúp anh vận hành, sử dụng máy móc thuận lợi hơn cho quá trình sản xuất lụa. Tuy nhiên, để cho ra đời một sản phẩm đẹp, chất lượng cao và “giữ được nghề” thì còn rất nhiều khó khăn. Năm 2005 với lòng nhiệt huyết yêu nghề dệt lụa, anh bắt tay vào nghiên cứu mở xưởng sản xuất và tạo ra những sản phẩm lụa mang thương hiệu riêng, bước đầu có hướng đi khẳng định tên tuổi của mình.

Năm 2006 anh xây dựng gia đình cùng với chị Trần Ngọc Lan - người con gái Nam Định có cùng chí hướng. Nhiều năm liền, anh chị cùng nhau vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm. Cả quãng đường vượt mọi khó khăn, làm việc với nghị lực, trí tuệ và cái “tâm” với nghề, anh chị đã thành công trong nhiều sản phẩm.

Cùng với sản xuất kinh doanh, anh Sơn luôn đề cao phương châm “Gắn sản xuất kinh doanh với trách nhiệm xã hội”, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương: ủng hộ phong trào văn hóa văn nghệ, quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam”, các hoạt động lễ hội, hoạt động hiệp hội làng nghề… Thông qua các hoạt động của địa phương, anh đã chủ động giúp đỡ các hộ sản xuất trong phường Vạn Phúc về kỹ thuật chọn nguyên liệu và các kỹ thuật khác ở khâu chuội, nhuộm làm sao cho sản phẩm lụa có được độ mềm và bóng, đặc biệt là sản phẩm lụa không phai màu khi sử dụng. Với mong muốn nghề dệt lụa truyền thống không bị mai một, anh đã tạo điều kiện học nghề cho rất nhiều thanh niên trong phường, giúp cho họ vừa có việc làm vừa có thu nhập thêm cho gia đình. Có lẽ từ những việc làm hết sức bình dị của anh, mà không biết từ bao giờ hình ảnh người thanh niên hòa đồng, nhã nhặn và thân thiện đã trở nên thân quen với mỗi người dân Vạn Phúc.

Đối với Nguyễn Anh Sơn, việc sản xuất kinh doanh là niềm đam mê và trách nhiệm của một người công dân cần phải làm để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Còn trong gia đình, anh luôn làm tròn trách nhiệm của người cha, người chồng. Anh tâm niệm phải có lối sống văn hóa, sống đẹp, có lòng nhân hậu, quan tâm không chỉ lợi ích cá nhân gia đình mà phải cho cả lợi ích xã hội, như vậy để con cái học tập noi theo. Các con anh đều ngoan ngoãn học giỏi. Anh luôn lấy gia đình là niềm động viên tạo thêm sức mạnh để vươn lên trong cuộc sống và nghề nghiệp.

Hơn 20 năm lăn lộn với nghề dệt lụa, sản xuất kinh doanh, anh chị đã gặt hái được nhiều thành tích đáng trân trọng:

+ Năm 2012:

- Đạt giải Sản phẩm tiêu biểu của Hội thi Sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ IX do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

- Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng cho sản phẩm khăn lụa mặt trống đồng.

+ Năm 2013:

- Giải Khuyến khích cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội lần thứ 2 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội - Sở Công thương trao tặng.

- Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

+ Năm 2014:

- Giải Khuyến khích cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội lần thứ 3 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội - Sở Công thương trao tặng.

- Sản phẩm khăn và lụa của cửa hàng Lan Sơn Silk được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô 10/10/2014.

+ Năm 2015, Nguyễn Anh Sơn tiếp tục đạt giải Khuyến khích cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội lần thứ 4 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội  - Sở Công thương trao tặng.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ nhiệm Hợp tác xã thủ công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc, Ông cho biết: đồng chí Nguyễn Anh Sơn là một trong những tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó làm giàu, một người “dám nghĩ, dám làm”, có nhiều đóng góp cho công tác “giữ” và “truyền lửa” cho nghề dệt lụa truyền thống của địa phương.

Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, anh Sơn cho biết anh đang xây thêm nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc trang thiết bị để phát triển sản xuất, đồng thời nghiên cứu các mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị trường trong và ngoài nước, làm sao cho sản phẩm phải vừa giữ được tính truyền thống nhưng vẫn mang nét hiện đại.

Với những thành tích đã đạt được và những dự định cho tương lai, chúng ta càng thấy rõ hơn ước mơ hoài bão lớn của anh Nguyễn Anh Sơn - người “giữ” và “truyền lửa” cho nghề dệt lụa truyền thống đáng để mọi người suy nghĩ và học tập.

Những việc làm có ý nghĩa thiết thực của anh Sơn sẽ góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Đỗ Thị Thu Hà

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)