NGƯỜI PHỤ NỮ GIÀU NGHỊ LỰC VÀ LÒNG NHÂN ÁI
Quay trở lại 5 năm trước đây “bông hoa ngát hương” Ngô Thị Kim Loan - người con của xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội căng tràn sức sống và đầy ắp ước mơ với mong muốn có thể đóng góp một phần công sức của mình cho sự nghiệp giáo dục của xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Chị đã mở 3 nhóm lớp mầm non tư thục (mỗi cơ sở trông coi trên 60 trẻ). Nhưng đến năm 2012 chị Loan cùng gia đình nghe như sét đánh bên tai khi phát hiện chị mắc bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 3. Bầu trời như sụp xuống trước mắt cô giáo trẻ.
Vậy là cánh cửa của mọi ước mơ và hoài bão dường như khép lại trước mắt chị. Những ngày đầu mới phát hiện ra bệnh chị sống thu mình chìm trong nỗi đau quặn thắt. Nhưng căn bệnh quái ác ấy còn ác hơn nữa khi nó còn rủ thêm bạn đồng hành để tấn công lên cơ thể nhỏ bé, hao gầy của chị như bệnh lopus ban đỏ, thấp khớp...
Chị đã vượt qua nỗi đau của mình bởi mỗi ngày được tiếp xúc với những “đôi mắt tròn xoe, thơ ngây” nhưng lúc nào cũng ươn ướt vì thương cho “người mẹ thứ hai” của mình bị nỗi đau hành hạ. Chính những lúc ngắm “các con” chị như được tiếp thêm sức mạnh. Chị lấy việc chăm sóc các con là nguồn vui, là động lực để sống. Chị tâm sự với tôi: “Cuộc sống của chị rồi sẽ khép lại sớm hơn mọi người cùng trang lứa nhưng sự sống sẽ vẫn mở ra khi chị làm những điều có ích cho xã hội, chị sẽ gửi gắm những ước mơ còn dang dở cho “các con” của chị - những chủ nhân tương lai của đất nước”.
Lòng tốt để duy trì sự sống, cho con người thực sự người hơn
Tình yêu, sự khát khao cống hiến và niềm tin vào cuộc sống của chị không chỉ dừng lại ở đó. Trong những lần đi khám và điều trị bệnh ở Bệnh viện K (cơ sở 2 Tam Hiệp) chứng kiến những người cùng mắc căn bệnh giống mình bị nỗi đau hành hạ, mất hết hy vọng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, chị đã quyết định làm một việc nhân văn là nấu những suất cơm từ thiện cho những bệnh nhân ở đây để giúp đỡ cho người cùng cảnh ngộ.
Khởi đầu nào cũng thật gian nan, bởi việc làm của chị không có sự đỡ đầu của bất kỳ tổ chức nào. Vào mỗi sáng chủ nhật (từ tháng 2 năm 2014) chị đã tự bỏ tiền mua lương thực, thực phẩm và huy động 10 cô giáo trong cơ sở của mình nấu 80 - 100 suất cơm (với chi phí từ 1.800.000đ đến 2.000.000đ) và đi phát vé cơm (giá 5.000đ), rồi mang cơm tới tận giường bệnh. Dù gần như bỏ toàn bộ chi phí để nấu bữa ăn nhưng những ngày đầu việc làm của chị cùng các chị em khác chưa được các bác sĩ và y tá trong viện hiểu rõ về mục đích nên không cho vào, nhiều bệnh nhân còn tỏ ra e ngại không dùng cơm của chị vì tâm lý ai cũng cho rằng: Trên đời có ai cho không ai cái gì - “Của cho là của nợ”. Biết mọi người và xã hội ai cũng sẽ nghĩ như vậy nên chị hơi nản. Song với suy nghĩ nhiều bệnh nhân nhà xa, tận Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Yên Bái... mắc bệnh hiểm nghèo như vậy là khổ lắm, mình tuy cũng mắc bệnh hiểm nghèo giống họ nhưng mình ở đây còn có gia đình, anh em, bạn bè. Nghĩ thế nên chị thêm vững lòng, quyết thực hiện việc đã định. Với mục đích trong sáng cùng tấm lòng nhân ái và sự kiên trì, sau một tháng những việc làm của chị đã được mọi người hiểu và trân trọng. Các bác sĩ, y tá trong bệnh viện đã tạo điều kiện cho nhóm từ thiện của chị. Các bệnh nhân cùng người nhà rất mong chờ, cứ đến chủ nhật là họ lại ra cổng mong ngóng bởi như bệnh nhân Nguyễn Văn Thìn (quê ở Nghệ An) chia sẻ: “Khi dùng suất cơm của chị Loan tôi thấy hương vị như bữa cơm do người vợ hiền ở nhà nấu. Nhờ đó tôi như được tiếp thêm nghị lực để chống chọi với những cơn đau đớn, bệnh tật của mình”.
Việc làm của “bông hoa ngát hương” Ngô Thị Kim Loan đã có sức lan tỏa rất lớn. Sau khi biết được việc làm của chị đã có rất nhiều bạn sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì tham gia cùng nấu cơm, đi phát phiếu cơm với chị. Em Nguyễn Thị Quỳnh Mai Thủy - bí thư chi đoàn thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp chia sẻ: “Cùng các đoàn viên khác tham gia những hoạt động với nhóm thiện nguyện của chị Loan, em cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa và sắc mầu hơn”.
Tạo hóa khéo trêu người, nỗi đau nối tiếp sự mất mát
Những tưởng rằng nỗi đau và bất hạnh của chị sẽ dừng lại ở đó nhưng không, dịp tết Trung thu năm 2015 vừa qua trong khi mọi người, mọi nhà vui cảnh đoàn viên thì bố chị sau cơn đột quỵ đã mãi mãi ra đi để lại trong trái tim chị một nỗi đau, một khoảng trống lớn. Ai sẽ là điểm tựa cho chị vượt qua được bệnh tật? Ai cũng nghĩ rằng có lẽ chị không đủ sức để đứng dậy tiếp tục làm từ thiện nhưng sau khi lo hậu sự chu toàn cho bố, chị vẫn tiếp tục làm công việc đầy ý nghĩa đó. Tôi hỏi chị: suy nghĩ nào giúp chị vượt qua được sự mất mát lớn lao đó và tiếp tục làm công việc từ thiện? Chị trả lời: “Chỉ khi làm những việc đầy ý nghĩa đó chị mới quên đi nỗi đau do bệnh tật mang lại và cảm giác rằng mình đang sống chứ không phải đang tồn tại”. Vậy đó, câu trả lời thật giản đơn nhưng đầy ý nghĩa.
Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh...
Tất cả những gì chị đã và đang làm minh chứng cho một điều: Sự sống sẽ không bao giờ khép lại, nó sẽ nảy nở và sinh sôi mãi mãi trên trái đất này nếu mỗi chúng ta biết sẻ chia, đồng cảm với những đau thương, mất mát của người khác, làm những việc có ích cho gia đình, xã hội và biết chọn cho mình một việc có ý nghĩa để làm.
Tôi tin sự kỳ diệu sẽ đến với người phụ nữ giàu nghị lực và tràn đầy lòng nhân ái như thế.
Nghiêm Thị Phương Chi