NGƯỜI PHỤ NỮ KHIẾM THỊ TÀI NĂNG VƯỢT LÊN SỐ PHẬN
Việt Anh sinh ra tại một vùng quê nghèo thuộc xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cô bé cũng được cha mẹ ban cho đôi mắt đen tròn, long lanh đẹp đẽ như bao đứa trẻ khác. Bất hạnh ập đến, lúc 3 tuổi căn bệnh thoái hóa võng mạc đã dần cướp đi nguồn ánh sáng của cô bé thơ ngây. Biết con gái ham học, 5 tuổi mẹ Việt Anh đã xin cô giáo cho Việt Anh đến trường để được ngồi nghe giảng. Đáp lại những nỗ lực vượt bậc của cô gái mù, 12 năm miệt mài đèn sách, 12 năm vật lộn với từng con chữ cũng là 12 năm Việt Anh luôn dẫn đầu lớp.
Học hết cấp 3, tưởng như con đường học tập của Việt Anh dừng lại tại đây. Vì không có trường đại học nào nhận hồ sơ dự thi của người khiếm thị.
Năm 1997 khi Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng Hội Người mù Việt Nam vừa mới thành lập thì Việt Anh một mình lặn lội từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, tới trung tâm xin nhập học. Tốt nghiệp khóa học Việt Anh được giữ lại làm giảng viên. Tiếp cận với chữ nổi (chữ Brai dành riêng cho người mù) chính là cơ hội, là bước ngoặt để Việt Anh cống hiến và phấn đấu.
Năm 1999 Việt Anh thi vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngành quản lý xã hội. 2 năm sau Việt Anh lại thi tiếp vào khoa Tiếng Anh, Viện Đại học Mở Hà Nội. Bằng mọi cách cô gái ấy đã miệt mài suốt 6 năm vừa làm, vừa học. Việt Anh đã tốt nghiệp xuất sắc hai trường đại học. Trong thời gian này, Việt Anh còn học thêm tiếng Pháp, tiếng Nhật và cũng có chứng chỉ sư phạm xuất sắc.
Năm 2005, Việt Anh là người khiếm thị duy nhất của Việt Nam được Hiệp hội Người mù khu vực châu Á - Thái Bình Dương cử tham gia khóa học Công nghệ thông tin tại Nhật Bản và một khóa học khác về công nghệ làm sách nói cho người mù tại Thái Lan.
Đinh Việt Anh có một gia đình khá đặc biệt, bởi cả hai vợ chồng đều không nhìn thấy. Song họ là một tổ ấm vô cùng viên mãn, hạnh phúc. Chồng chị là anh Phạm Xuân Trường sinh năm 1975 cũng là một cử nhân giỏi cùng giảng dạy trong Trung tâm. Yêu nhau suốt 8 năm họ mới tổ chức kết hôn. Cưới xong, hai vợ chồng lại tiếp tục động viên nhau đi học cao học. Chỉ vì là người mù mà anh chị phải nộp hồ sơ tới lần thứ 3 mới được dự thi vào ngành quản lý công Học viện Hành chính quốc gia.
Tháng 5 năm 2014 anh Phạm Xuân Trường và chị Đinh Việt Anh bảo vệ luận văn thạc sĩ tại Học viện Hành chính quốc gia với kết quả xuất sắc. Chị Việt Anh đạt điểm cao nhất khóa học.
34 tuổi Việt Anh đã là Phó Giám đốc phụ trách đối ngoại của Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng, chị có thể giao tiếp tốt bằng ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật. Với lợi thế này, chị đã không ít lần vinh dự đại diện cho Việt Nam tham dự các khóa học chuyên đề, hội thảo quốc tế ở gần 10 quốc gia. Việt Anh cũng đã từng một mình sang Nhật, sang Thụy Điển, sang Malaixia tham gia các khóa học về kỹ năng cho người mù.
Năm 2013, Đinh Việt Anh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Chị là Ủy viên Thường vụ kiêm Tổng Biên tập tạp chí Đời mới, vừa phụ trách đối ngoại vừa kiêm Trưởng ban Công tác phụ nữ và trẻ em.
Dù công việc bề bộn, nhiều năm qua Việt Anh vẫn tích cực viết và triển khai thực hiện nhiều dự án. Tìm đối tác, vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đẩy mạnh việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, trẻ em mù trong cả nước.
Với sự kiên trì, bền bỉ, phấn đấu không biết mệt mỏi Việt Anh đã được nhiều cấp, nhiều ngành vinh danh, biểu dương khen thưởng:
- Năm 2000 được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen.
- Năm 2004 được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen.
- Năm 2007 được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen, vinh danh là Phụ nữ tài năng toàn quốc.
- Năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
- Năm 2013 được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen.
- Năm 2014 được thành phố Hà Nội vinh danh danh hiệu: Gia đình công nhân viên chức tiêu biểu của Thủ đô.
- Nhiều năm là Chiến sĩ thi đua được Trung ương Hội Người mù tặng nhiều Bằng khen.
Dẫu là một phụ nữ tài năng, là nhà quản lý giỏi với nhiều bằng khen, nhưng Việt Anh vẫn là người vợ đảm đang, người mẹ dịu hiền giống như bao người phụ nữ bình dị khác.
Ước mơ và khát vọng giản dị của Việt Anh là sẽ cố gắng hết mình cùng với Hội và các cơ quan liên quan góp phần từng bước giúp người khiếm thị Việt Nam tiến bộ hòa nhập với sự phát triển chung của xã hội.
Có thể nói, cuộc đời của cô gái khiếm thị Đinh Việt Anh là sự nối dài của những khát vọng không ngừng nghỉ. Khát vọng chiếm lĩnh tri thức, khát vọng được cống hiến và được làm những công việc có ích cho xã hội.
Đinh Việt Anh là một tấm gương sáng về người phụ nữ khiếm thị kiên cường đầy tự tin, đầy trách nhiệm; của một nghị lực phi thường vượt lên số phận; của một ý chí sắt đá; dẫu tàn nhưng không phế.
Đinh Việt Anh đúng là một bông hoa người tốt thắm sắc.
Đào Thị Huệ