Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 21/10/2016 09:00
“BÁC DIỆU HÒA GIẢI”

Ở thôn Vân La, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín bà con trong thôn thường ngày vẫn gọi bác Vũ Văn Diệu với cái tên trìu mến “Bác Diệu hòa giải”.

 Bác Diệu năm nay vừa tròn 70 tuổi, nhưng bác vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và hoạt bát. Là sĩ quan trong quân đội về nghỉ hưu tại địa phương, bác luôn tích cực tham gia công tác đoàn thể và các phong trào của thôn, xã. Năm 2008 bác là trưởng ban Công tác Mặt trận của thôn Vân La và được nhân dân tín nhiệm bầu là tổ trưởng tổ hòa giải. Tổ hòa giải của bác có 5 người gồm 3 nam 2 nữ, đều là những người có uy tín và năng nổ nhiệt tình trong công tác hòa giải. Thường ngày trong thôn xóm việc nảy sinh những xích mích, va chạm giữa nhà này với nhà khác, giữa những người thân trong gia đình, giữa vợ với chồng, giữa cha với con, chuyện mẹ chồng nàng dâu là thường xuyên, đặc biệt là những mâu thuẫn trong gia đình ngày càng phát sinh theo guồng quay của cơ chế thị trường. Bác Diệu hiểu nếu các mâu thuẫn đó không được hòa giải kịp thời sẽ bùng phát thành mâu thuẫn lớn rồi gây nên những vụ việc mất trật tự tại địa phương và hậu quả thật khó lường. Cùng với đó điều cơ bản là mất đi tình nghĩa gia đình, tình cảm xóm giềng tắt lửa tối đèn có nhau ở làng quê. Ý thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải, ý nghĩa của công việc mình đang làm, bác Diệu cùng tổ hòa giải không ngại khó khăn, bỏ ngoài tai những lời bóng gió cho là “Ăn cơm nhà vác tù và hàng xóm”, lấy sự bình yên của xóm làng, hạnh phúc của mọi nhà là niềm vui, hạnh phúc của mình. Trong công tác hòa giải, bác Diệu thường sử dụng cách tìm hiểu, nắm nguyên nhân sâu xa của sự việc, đặc biệt là tâm lý từng “nhân vật” rồi kết hợp giữa “lý và tình”, nghĩa là giữa phong tục của địa phương với các quy định của pháp luật để giải thích cho hai bên hiểu ra, nhận ra cái hại nếu những mâu thuẫn không được tháo gỡ. Tuy nhiên công tác hòa giải không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bác Diệu cho biết: “Khi làm công tác hòa giải chúng tôi gặp không ít những khó khăn như có trường hợp xảy ra xô xát mâu thuẫn, tổ hòa giải đến, gia đình họ không tiếp chúng tôi và còn nói những câu rất khó nghe như là việc gì đến các ông bà, việc nhà chúng tôi để chúng tôi tự giải quyết v.v... Nhưng chúng tôi vẫn kiên nhẫn tìm cách gặp cho bằng được, rồi tôi phân tích cho họ hiểu ra và từ đó gia đình họ chủ động rút đơn lại không kiện cáo nhau nữa. Kinh nghiệm hàng đầu trong công tác hòa giải là phải kịp thời ngăn chặn từ khi bắt đầu phát sinh mới tránh được mâu thuẫn kéo dài”.

Năm 2014, thôn Vân La có 7 vụ việc mâu thuẫn xảy ra, trong đó có 3 vụ mâu thuẫn gia đình giữa vợ với chồng, mẹ và con, còn lại 4 vụ là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai. Tất cả 7 vụ việc mâu thuẫn thì tổ hòa giải của bác Diệu hòa giải thành công cả 7 vụ việc, đạt 100%. Trong 5 tháng đầu năm 2015 toàn thôn xảy ra 3 vụ việc mâu thuẫn thì đã hòa giải thành công cả 3 vụ. Điều đáng ghi nhận đó là trong hơn 7 năm gần đây từ khi bác Diệu làm tổ trưởng tổ hòa giải tất cả các vụ việc mâu thuẫn xảy ra trong thôn Vân La đều được bác Diệu và tổ hòa giải thành công 100% ngay tại cơ sở, không có vụ việc nào phải đưa lên tới xã, tới huyện. Nhờ làm tốt công tác hòa giải mà có những gia đình đứng trước nguy cơ “tan đàn xẻ nghé”, vợ chồng bỏ nhau nay trở lại sum họp. Và cũng nhờ làm tốt công tác hòa giải nên đã góp phần giữ vững an ninh thôn xóm, tình làng nghĩa xóm được phát huy ngày càng gắn bó bền chặt hơn. Vì thế trong mấy năm gần đây, thôn Vân La liên tục được công nhận là khu dân cư tiên tiến xuất sắc của xã Hồng Vân, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng Bằng khen, năm 2012 thôn được Ủy ban  nhân dân Huyện cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu Làng văn hóa, thôn xóm bình yên, gia đình êm ấm yên vui. Đó chính là tiền đề, cơ sở vững chắc để địa phương phát triển kinh tế, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

“Hiện nay những hòa giải viên như bác Diệu không có tiền thù lao hay phụ cấp gì cả nhưng bác vẫn nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc, với phong trào”. Đó không chỉ là lời nhận xét của đồng chí Nguyễn Hải Đăng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Vân, đồng chí Đỗ Bá Bang trưởng thôn Vân La, mà còn là nhận xét chung của đông đảo bà con nhân dân trong thôn. Thiết nghĩ ở nông thôn tình trạng thiếu hiểu biết về pháp luật của nhân dân còn nhiều thì có được những hòa giải viên như bác Diệu thật đáng quý biết bao.

 

Vũ Thị Hậu

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)