Hưởng ứng cuộc thi viết “Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố Hà Nội” tôi đã tìm hiểu thực tế và qua một số sách báo mạng tôi xin được viết về thầy Trần Duyên Hải với những câu chuyện thấm đẫm tình người, tình cha, tình thầy... mà tôi và nhiều người đều khâm phục. “Có lẽ đó là cái duyên đặc biệt giúp tôi vượt qua tất cả mọi khó khăn, trở ngại để có được niềm hạnh phúc”, thầy Hải chia sẻ.
Với thầy Hải, niềm hạnh phúc là khi chứng kiến những học trò vượt lên được số phận, có nghề nghiệp để tự nuôi sống bản thân và không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ở tuổi ngoài 80, cái tuổi mà người ta thường chỉ nghĩ đến niềm vui tuổi già, nghỉ ngơi quây quần bên gia đình, con cháu thì ngày lại ngày, thầy giáo Trần Duyên Hải vẫn lặng thầm, tiếp tục cần mẫn với công việc chăm lo cho những đứa trẻ, những mảnh đời bất hạnh nơi đây.
Con đường thành lập trung tâm nhân đạo không dễ dàng
Trung tâm Dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam đã trở thành điểm tựa cho biết bao em thơ bất hạnh. Nằm khiêm nhường trong một ngõ nhỏ trên phố Khâm Thiên, Hà Nội, căn nhà hơn 200m2 dẫu còn chật hẹp so với số lượng gần 150 em đang sinh hoạt và lao động ở đây song đó là công sức mà mấy chục năm thầy Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm phải vất vả, bền bỉ mới gây dựng được.
Nghĩ là làm nhưng thầy không thể lường trước được hết khó khăn. Ngày ấy, người ta chưa biết nhiều đến các trung tâm từ thiện, nhân đạo như bây giờ. Nhiều người không hiểu nghĩ thầy lợi dụng những đứa trẻ, rồi năm lần bảy lượt chính thầy bị cơ quan chức năng kiểm tra. Khó khăn càng chồng chất vì đồng lương ít ỏi của thầy chẳng thể lo nổi khi các em đến với Trung tâm ngày càng đông.
Nhiều người khi thấy thầy cưu mang và tạo công ăn việc làm cho trẻ em lang thang bụi đời, ăn xin, ăn cắp, những thành phần bất hảo đã khuyên thầy nên tránh xa nếu không muốn gặp rắc rối. Vì muốn các em có một việc làm để tự nuôi sống bản thân mình thay bằng việc đi ăn xin, cướp giật nên thầy Hải không còn cách nào khác.
Số trẻ em khuyết tật, lang thang, bụi đời về thành phố ngày càng tăng, hơn ai hết, thầy hiểu bản chất của chúng không xấu mà do hoàn cảnh xô đẩy, đói thì phải làm liều. Thầy có thể ngồi hàng giờ để hỏi han và mua bánh cho một cậu bé lang thang, bụi đời không quen biết để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của các em.
Có rất rất nhiều mảnh đời bất hạnh ở Trung tâm Linh Quang mà tôi không thể kể hết trong phạm vi bài viết này. Tất cả đến từ khắp các tỉnh miền Bắc mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều chung số phận bất hạnh. Về đây, các em được sống trong sự chăm sóc, đùm bọc, tình thương yêu, được quan tâm, chỉ dạy, được làm việc. Ở đây các em có chung một suy nghĩ: “Em rất biết ơn thầy Hải vì thầy đã tạo cho chúng em một công việc và cuộc sống như bây giờ. Từ lâu em đã coi đây như gia đình thứ 2 của mình”; hoặc “Thầy như người cha thứ hai của chúng em. Những lúc chúng em đau ốm, thầy tận tình chăm sóc, hỏi chúng em ăn uống như thế nào”...
Hàng nghìn trẻ mồ côi, khuyết tật đã được nuôi dưỡng, dạy nghề và tạo việc làm, chủ yếu là nghề may và tin học. Các em khi thạo nghề được giới thiệu việc làm ở nơi khác, hoặc làm tại Trung tâm với thu nhập trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Nhiều sản phẩm mà các em làm ra được thị trường đón nhận và được xuất khẩu ra nước ngoài. Không những thế, Trung tâm còn là nơi thầy Hải cưu mang và giúp đỡ những hoàn cảnh khác như phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục...
Như trước đây khi chưa vào Trung tâm, bữa ăn của các em là những ổ bánh mì, hay là suất cơm từ thiện ở những cửa hàng cơm khi đã vắng khách, gầm cầu, bãi đỗ xe là nơi trú chân tìm chỗ ngủ... Nay về chung mái nhà Trung tâm tình thương thầy đã lo toan được nơi ăn chốn ở, công việc rồi còn đào tạo nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm... Ngoài ra thầy còn lo cho các em được học văn hóa đầy đủ, nhờ sự giúp đỡ của các bạn sinh viên, họ tình nguyện đến dạy học cho các em vì cảm kích tấm lòng nhân ái bao la của thầy Hải.
Như lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...”. Đúng là cần có một tấm lòng bao la như thầy mới tâm huyết đến như vậy. 40 năm là cả cuộc đời thăng trầm trăn trở để hôm nay lần lượt các em không nơi nương tựa, lang thang cơ nhỡ, tật nguyền... trở thành những công nhân có tay nghề vững vàng từ Trung tâm tình thương của thầy Hải.
Tôi thật lấy làm cảm kích trước những hành động thiết thực có đức độ của thầy. Đây thực sự là một địa chỉ đáng tin cậy để các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ. Hy vọng nhiều hoàn cảnh như vậy trong cuộc sống sớm được đến với Trung tâm để có những chia sẻ tích cực vươn lên trong cuộc sống và thủ đô Hà Nội bớt đi những mảnh đời lang thang không có nơi nương tựa. Lời kết cho bài viết tôi xin chúc thầy có thật nhiều sức khỏe để được thấy các em ngày một trưởng thành là người công dân có ích cho Thủ đô.
Nguyễn Thị Thuần