HẾT LÒNG VỚI CÔNG VIỆC CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO TRẺ KHUYẾT TẬT
Trước những bỡ ngỡ trong công việc, tôi đã được gặp chị. Nhận được sự động viên, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của chị, tôi đã dần tự tin hơn trong công việc. Được gặp chị, cảm nhận đầu tiên của tôi đó là sự gần gũi, thân thiện và rất đỗi hiền từ. Chị là Phùng Thị Lan, sinh năm 1961, trong một gia đình có bốn anh chị em tại một miền quê chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp của huyện Ba Vì - Hà Nội. Chị đã từng trải qua thời gian rèn luyện trong quân ngũ trước khi về công tác tại Trung tâm. Chị là tổ trưởng nhà trẻ số 4, là 1 trong 8 nhà trẻ thuộc phòng Phục hồi chức năng, với nhiệm vụ chính là chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng trẻ khuyết tật. Nhà trẻ thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng từ 17 đến 20 cháu khuyết tật, chủ yếu là bại liệt, bại não, lại chỉ có 4 cán bộ thực hiện nhiệm vụ nên đòi hỏi người cán bộ phải có lòng yêu nghề và tình thương yêu trẻ vô bờ bến mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vào một buổi chiều oi ả của thời tiết chuyển mùa cuối tháng 3 âm lịch, tôi xuống thăm nhà trẻ số 4. Các con ngồi đó trên hai hàng ghế gỗ, đứa thì nằm quặt quẹo trên giường thỉnh thoảng lại lật sang bên này, bên kia, tất cả những ánh mắt đều ngơ ngác, vô hồn. Chị Lan cười khi thấy tôi xuất hiện, tay vẫn không ngừng đảo đi đảo lại cây lau nhà và nói: “Vừa cho các con ăn xong, sang kia ngồi chờ tôi lau cho sạch đã” rồi đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi trên trán.
Khi tôi hỏi: “Chị nghĩ gì khi chăm sóc các con?”
Chị Lan chầm chậm: “Có gì đâu cái nghề của mình thế mà. Nhưng nhìn chúng thương bao nhiêu, thì thấy buồn và giận cha mẹ chúng bấy nhiêu, bởi thương chúng nhất là khi trái gió trở trời, mấy đứa bại não đau lắm, kêu suốt đêm, nó đau mình cũng đau trong lòng”.
Thế mới biết được tấm lòng của chị, người đang nuôi dưỡng, chăm sóc chúng hàng ngày, hàng giờ, chứng kiến sự vật vã, đau đớn của chúng mà lòng người mẹ nuôi cũng xót xa theo. Chăm sóc cho những đứa trẻ bình thường đã vất vả lắm rồi nhưng ở đây lại là những đứa trẻ không bình thường thì việc chăm sóc lại càng vất vả gấp bội phần.
Tôi nhận thấy ở chị sự tận tâm, chu đáo khi chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh, nhìn chị lau mặt rồi bế các con về chỗ nằm, chỗ ngồi sau giờ ăn, tôi cảm thấy chạnh lòng. Cha mẹ ơi sao nỡ bỏ các con, nhưng dù giờ phút này có ở đâu thì cũng xin yên lòng, vì các con đều nhận được sự quan tâm chăm sóc hết sức tận tình bởi những cán bộ như chị Phùng Thị Lan.
Các cháu ở đây đều là trẻ bị bại liệt, bại não nên khi thời tiết chuyển mùa diễn biến sức khỏe rất thất thường, trẻ hay kêu khóc, thậm chí cả ngày cả đêm không ngủ. Có những hôm các mẹ phải thức trắng đêm ngồi xoa bóp cho các con để các con có được giấc ngủ yên.
Cũng chính bởi các cháu bị bại liệt, bại não, không kiểm soát được bản thân, nên ngoài việc chăm sóc, phục hồi chức năng gặp nhiều khó khăn thì khâu vệ sinh cũng là trở ngại lớn. Khi các cháu không thể tự chủ động được vấn đề vệ sinh cá nhân, đòi hỏi người chăm nuôi trực tiếp ngoài việc chăm chỉ dọn dẹp vệ sinh thì cần phải có những sáng kiến, sáng tạo trong công việc. Chị Lan cùng các đồng nghiệp của mình chủ động trồng các loại cây thuốc nam như: xả thơm, hương nhu tía, ngải cứu, tía tô... Các loại cây này có hai công dụng chính khi sử dụng cho trẻ đó là loại lá tắm, tạo hương thơm tự nhiên và rất tốt cho sức khỏe.
Chị Lan thường cùng các đồng nghiệp vun xới, làm cỏ vườn thuốc nam để trồng mới, mở rộng diện tích các loại cây này. Ngoài ra, vào mùa khô các loại cây nói trên không thể phát triển mạnh, không đủ cung cấp lá tắm cho các cháu, nên để có lá tắm thường xuyên cho trẻ, chị đã đưa ra sáng kiến là phơi sấy khô lá để có đủ lá tắm quanh năm cho các cháu, đồng thời cũng là một chất tạo hương khử mùi trong nhà trẻ.
Một đặc điểm mà tôi luôn nhận thấy khi đến thăm nhà trẻ số 4 là tất cả mọi thứ đều rất gọn gàng và ngăn nắp. Điều này không phải bất cứ lúc nào, vị trí nào cũng thường xuyên làm được. Trong phòng ở của các cháu, từ chăn màn được gập rất vuông vắn, tủ quần áo ngăn nắp theo mùa, khay để dụng cụ ăn uống được rửa và úp ở nơi cao, khô ráo cho đến phòng trực của các cô, hay sân chơi cho các cháu cũng vậy, tất cả đồ dùng được để ở đúng nơi theo quy định và đảm bảo an toàn cho trẻ. Khi được hỏi thì tất cả các đồng nghiệp trực tiếp làm việc với chị Lan đều nói rằng chính nhờ chị đã rèn luyện cho mọi người tính ngăn nắp, gọn gàng và nghiêm túc đó.
Ngoài tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, chị Lan còn như người chị cả trong gia đình, có lúc chị lại như cán cân để giải quyết những khúc mắc trong anh em, phân giải cái đúng, cái sai của từng người để đôi bên cùng hiểu chuyện, hiểu nhau và đoàn kết hơn. Khi trong tổ có chị em trong thời kỳ thai sản hay ốm đau thì chị luôn chủ động giúp đỡ, giành phần việc nhiều hơn về mình, gánh trực cho các chị em khác mà không hề kêu ca hay phàn nàn gì.
Chị là như thế, có lẽ thời gian sáu năm sống trong quân ngũ là sáu năm khổ luyện và rèn giũa bản thân. Nhưng chị luôn khiêm tốn, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp và cấp trên với thái độ cầu thị, cầu tiến để không ngừng hoàn thiện bản thân. Với những nỗ lực của mình, trong những năm qua chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, liên tục đạt danh hiệu lao động tiên tiến và nhiều lần đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Bằng tất cả sự tôn trọng của người đồng chí, đồng nghiệp, tôi viết về chị như một tấm gương sáng của sự tận tâm, tình thương và trách nhiệm trong công việc. Chính tình thương yêu đó của chị đã làm vơi đi phần nào những thiệt thòi mất mát mà những đứa trẻ, những mảnh đời bất hạnh phải gánh chịu. Chị xứng đáng là một bông hoa “người tốt, việc tốt” của đơn vị nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
Nguyễn Thị Huyền Trang