NGƯỜI CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ CHO SINH VIÊN ĐIỀU DƯỠNG
Có thể sẽ có người thắc mắc vì sao Trường Đại học Y Hà Nội, con chim đầu đàn của Việt Nam trong việc đào tạo bác sĩ lại không đưa chương trình tiên tiến vào việc đào tạo bác sĩ mà lại chọn ngành cử nhân điều dưỡng? Tôi cũng đã từng đặt câu hỏi đó và được thầy Hinh trả lời: “Thời gian đào tạo bác sĩ dài gấp rưỡi đào tạo điều dưỡng, chương trình đào tạo có nhiều đặc thù riêng và rất khó khả thi để áp dụng thử nghiệm theo một mô hình mới như chương trình tiên tiến. Hơn nữa, việc đổi mới chương trình đào tạo để một bác sĩ đa khoa đào tạo tại Việt Nam được công nhận và thực hành khám chữa bệnh ở nước ngoài chưa phải là mục tiêu ưu tiên trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong khi đó, cử nhân điều dưỡng vẫn là một ngành tương đối mới, có thể dễ dàng thích nghi hơn với việc thử nghiệm này. Ngoài ra, ngành điều dưỡng cũng là một ngành có nhu cầu lao động rất lớn trong xu hướng phát triển xã hội hiện nay. Đội ngũ điều dưỡng trình độ đại học không chỉ thiếu ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là những nước phát triển như CHLB Đức, Nhật Bản, Australia, hay Hoa Kỳ. Nếu Trường Đại học Y Hà Nội có thể “cho ra lò” các thế hệ sinh viên tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng học bằng tiếng Anh theo một chương trình hiện đại, cập nhật kiến thức mới nhất của thế giới, thì giấc mơ về những điều dưỡng viên được đào tạo bài bản ở Việt Nam làm việc tại bệnh viện ở các nước phát triển sẽ trở thành hiện thực”. Như vậy, có thể thấy tầm nhìn của thầy Hiệu trưởng khi lựa chọn ngành điều dưỡng làm chương trình đào tạo tiên tiến là hoàn toàn phù hợp với chiến lược hội nhập quốc tế về lao động của Chính phủ Việt Nam.
Để có tên trong danh sách 12 trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ triển khai đào tạo Chương trình tiên tiến Pha 3, đoàn cán bộ của Trường Đại học Y Hà Nội gồm Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh, Phó Trưởng khoa Điều dưỡng Hoàng Công Chánh và giảng viên Nguyễn Vũ Bình đã lên đường đi thi. Gọi là “thi” vì không phải tất cả các dự án đều được phê duyệt. Trong khối ngành khoa học sức khỏe, ngoài Trường Đại học Y Hà Nội còn có những trường khác tham gia “thi”. Cuối cùng chỉ có đề án của Đại học Y Hà Nội được phê duyệt, nói cách khác Trường Đại học Y Hà Nội đã “đỗ”. Thắng lợi là của tập thể nhưng không thể không kể đến thành tích của người đưa ra ý tưởng cũng như người bảo vệ đề án - Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh.
Nhưng thi đỗ mới chỉ là bước đầu. Khó khăn đầu tiên khi bắt tay vào thực hiện đề án là chọn trường đối tác. Kinh phí không nhiều, thời gian cũng hạn hẹp, nếu không áp dụng chương trình khung của một trường có danh tiếng trên thế giới thì không đuọc gọi là “tiên tiến”. Đã có lúc tưởng như Chương trình thất bại vì không tìm được đối tác. Sau lần đàm phán không thành công với Trường Đại học Sydney, qua nhiều kênh kết nối, trường đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp California - Long Beach (Hoa Kỳ) vào cuối năm 2010. Nhưng một lần nữa, từ ký thỏa thuận thành công đến thực tế triển khai là cả một chặng đường dài mà nếu không có sự nhạy bén và quyết đoán của người đi đầu, cả đoàn sẽ bị lạc lối và rơi vào bế tắc. Tại thời điểm khó khăn nhất của Chương trình là đầu năm 2012, PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh đã trực tiếp điều hành và đưa ra những quyết định quan trọng về cải tổ nhân sự, thay đổi cơ chế quản lý Chương trình. Thầy Hiệu trưởng đã làm một việc mà có lẽ nhiều người cho là lạ, đó là thành lập Văn phòng Chương trình tiên tiến độc lập, không trực thuộc đơn vị/phòng ban nào trong trường, có nhiệm vụ trực tiếp điều phối Chương trình tiên tiến ngành điều dưỡng. Thay vì chọn một cán bộ quản lý có chuyên môn về lĩnh vực điều dưỡng, thầy đã mời một cán bộ có bề dày về hợp tác quốc tế, nguyên là trưởng phòng Hợp tác quốc tế của nhà trường làm trưởng Văn phòng. Có thể nói, tại thời điểm này, việc giao trách nhiệm quản lý Chương trình cho một người đã quá tuổi quản lý, không còn bận rộn với nhiều trách nhiệm khác chính là chìa khóa đưa Chương trình sang trang mới với những thành công sau này. Quyết định của thầy Hiệu trưởng đã cho thấy một phong cách quản lý vừa mạnh dạn vừa truyền thống trên tinh thần tìm đúng người, giao đúng việc sẽ làm nên thành công.
Sau hai năm tạo đà quan trọng là 2012 và 2013, Chương trình đã đi vào một quỹ đạo hoạt động nhất định. Đến lúc này, vai trò quản lý Chương trình một lần nữa được chuyển giao. Bằng sự tư vấn của người tiền nhiệm, Văn phòng Chương trình tiên tiến đã được bàn giao lại cho Phòng Quản lý Đào tạo đại học, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Việc tổ chức và quản lý Chương trình từ đó cũng ngày càng thuận lợi và hiệu quả hơn nữa.
Tổng kết năm năm thực hiện Chương trình tiên tiến, một chặng đường chưa dài nhưng cũng không ngắn, dưới sự “chèo lái” của thuyền trưởng Nguyễn Đức Hinh, Chương trình đã đạt được nhiều thành công đáng kể:
- Tổ chức đào tạo cho 6 khóa Chương trình tiên tiến, trong đó 2 khóa đã tốt nghiệp với tỷ lệ đạt loại khá giỏi trên 95%;
- Nâng cấp cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ giảng dạy cho Chương trình tiên tiến và các đối tượng khác trong trường;
- Trên 200 lượt giáo viên và cán bộ quản lý được bồi dưỡng tại chỗ và 80 lượt tại nước ngoài nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, trình độ quản lý, xây dựng chương trình chi tiết...
- Trên 50% đợt giảng viên quốc tế sang giảng dạy, tập huấn cho sinh viên và giáo viên Chương trình tiên tiến;
- Trên 70 lượt sinh viên Chương trình tiên tiến đi học tập ngắn hạn tại nước ngoài;
- Gần 200 lượt sinh viên quốc tế sang học tập ngắn hạn từ 2 tuần đến 3 tháng;
- Tổ chức các hội nghị nghiên cứu khoa học cho sinh viên và giảng viên Chương trình tiên tiến; tổ chức đánh giá trong và đang tiến tới đánh giá ngoài theo chuẩn quốc tế cho Chương trình tiên tiến;
Nhưng có lẽ thành công lớn nhất của chương trình chính là việc 16/29 sinh viên tốt nghiệp Chương trình tiên tiến khóa 1 hiện nay đang làm việc tại Bệnh viện Sana Offenbach (CHLB Đức); 18/34 sinh viên tốt nghiệp khóa 2 đã được phỏng vấn thành công và đang chuẩn bị sang Đức làm việc, các sinh viên khác đều sớm có việc làm tại các bệnh viện lớn trong nước hoặc tiếp tục học nâng cao ngay sau khi tốt nghiệp.
Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các điều dưỡng viên được đào tạo ở Việt Nam được công nhận trình độ tương đương sau 6 tháng thực tập (không cần đào tạo lại) và được ký hợp đồng lao động tại bệnh viện ở một nước phát triển như CHLB Đức. Điều này thể hiện bước tiến mới trong việc đào tạo đội ngũ điều dưỡng ở Việt Nam - tiến gần hơn với việc đáp ứng nhu cầu lao động trên thị trường quốc tế.
Không dừng ở việc đào tạo điều dưỡng bằng tiếng Anh, hiện nay Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội đã chỉ đạo các mã đào tạo khác của trường phát triển theo hướng lồng ghép một phần hoặc sử dụng toàn bộ tiếng Anh trong công tác dạy, học và nghiên cứu: Chương trình cử nhân Dinh dưỡng đã áp dụng một phần việc giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình đào tạo tiến sĩ yêu cầu các nghiên cứu sinh có bài báo quốc tế, chương trình thạc sĩ y tế công cộng đã có hình thức đào tạo toàn bộ bằng tiếng Anh, sinh viên hệ bác sĩ đa khoa cùng tham gia học các buổi giảng của giảng viên quốc tế với sinh viên điều dưỡng Chương trình tiên tiến, khuyến khích sinh viên đại học và học viên sau đại học bảo vệ khóa luận, luận văn bằng tiếng Anh. Đối với ngành điều dưỡng, thầy Hinh cũng đã đề ra định hướng trong thời gian tới sẽ chỉ đào tạo bằng tiếng Anh.
Có thể nói người đứng đầu nhà trường đã cho chúng tôi thấy những bước đi rất rõ ràng, cụ thể trong chiến lược phát triển - từng bước đưa Trường Đại học Y Hà Nội hội nhập và quốc tế hóa các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, dần rút ngắn khoảng cách với các trường đại học hàng đầu trên thế giới.
Thầy Nguyễn Đức Hinh - người bạn luôn gần gũi, khích lệ của sinh viên
Những câu chuyện về sự gần gũi, thân thiện của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh đối với sinh viên chắc chắn không phải là hiếm. Hiểu được các khó khăn của sinh viên, đặc biệt là sinh viên những khóa đầu tiên, mặc dù vô cùng bận rộn nhưng thầy luôn bố trí lịch gặp thường kỳ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và giải quyết những vướng mắc của sinh viên từ những vấn đề giảng đường, ký túc xá, đến chương trình học...
Trong mỗi dịp gặp mặt, thầy còn chia sẻ nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống nhằm khích lệ, động viên tinh thần nỗ lực, phấn đấu của các em trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Với những gì đã và đang chứng kiến sự phát triển của Chương trình, tôi tin rằng ngọn lửa “tiên tiến” mà thầy Nguyễn Đức Hinh thắp lên sẽ không bao giờ tắt dưới mái trường Đại học Y Hà Nội mà ngược lại sẽ được các thế hệ sau tiếp thêm sức mạnh và tiếp tục cháy sáng.
Vũ Thị Thu