Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 25/10/2016 09:22
NGƯỜI CÓ DUYÊN VỚI KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG VỤ ÁN

 Anh Dũng sinh ra và lớn lên trong gia đình có đông anh chị em, bố mẹ làm công nhân viên chức, nhà anh ở ven đô thuộc thôn Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ngay từ nhỏ cậu bé Lê Việt Dũng đã rất mê những tiểu thuyết trinh thám bí ẩn, thích đọc những kỳ án, những câu chuyện viết về tấm gương anh dũng của người chiến sĩ công an nhân dân. Học hết phổ thông, chàng thanh niên Lê Việt Dũng đã đăng ký dự thi tới ba trường đại học, trong đó có Học viện An ninh. Nhưng năm đầu tiên, duyên với nghề chưa đến bởi chàng thanh niên này đỗ tới hai trường đại học với số điểm cao nhưng lại không có trường mình yêu thích. Năm ấy, Lê Việt Dũng “đành” nộp hồ sơ theo học Trường Đại học Tổng hợp để làm “đẹp lòng” bạn bè và người thân nhưng vẫn nung nấu ý định trở thành chiến sĩ công an nhân dân. Vì thế ngoài giờ học trên lớp, cậu sinh viên năm thứ nhất đã tranh thủ đi dạy thêm kiếm tiền ôn thi. Ngày thi vào Học viện An ninh lần 2, nam sinh viên Lê Việt Dũng “giấu nhẹm”. Chỉ đến khi giấy báo điểm được gửi về với số điểm đỗ cao thì cả gia đình anh mới biết và vỡ òa trong niềm vui. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp, Lê Việt Dũng được phân về đội khám nghiệm hiện trường, Phòng PC 21 (nay là Phòng PC 54 Công an thành phố Hà Nội) công tác. “Tại đây được sự giúp đỡ và dìu dắt của các chú, các anh đi trước và với quyết tâm sớm trở thành một cán bộ giải mã dấu vết hiện trường, vì thế những buổi không trực, tôi đã xin lãnh đạo được ở lại cơ quan để tiếp xúc hồ sơ và được tiếp cận hiện trường các vụ án...”, trung tá Lê Việt Dũng nhớ lại.

 Điện thoại cho trung tá Dũng nhiều lần nhưng hầu như lúc nào anh cũng đang ở hiện trường. Lúc anh đang khám nghiệm vụ án có dấu hiệu giết người, cướp tài sản; lúc đang ở chỗ nạn nhân mới chết vì tự sát, lúc lại ở bờ sông - nơi phát hiện người bị đuối nước... Có những ngày, anh cùng đồng đội khám nghiệm tới 4 - 5 vụ việc, đa phần là chết người, đến cơm cũng không kịp ăn. Trong tôi luôn ấn tượng về một “người lính” cần mẫn, với bộ quần áo dân sự nhỏ, gọn gàng, nhưng khá đơn sơ, đôi găng tay trắng, cắp theo những dụng cụ thiết yếu để bới, tìm, soi... những dấu vết dù nhỏ nhất của hiện trường.

15 năm công tác trong ngành anh Dũng có một bề dầy thành tích đáng nể phục, với những vụ trọng án dường như bế tắc, thế mà anh cùng đồng nghiệp vẫn tìm ra thủ phạm chỉ trong một thời gian ngắn. Đáng kể đến là vụ trọng án “Lật mặt hung thủ từ quyển sổ đã cháy thành than”. Đó là vụ án Kim Ki-jong, 39 tuổi, người Hàn Quốc thủ phạm xuống tay với chị Đào Thị Huệ, là gia sư dạy tiếng Việt, đồng thời là bạn gái của mình. Rồi vụ án em dâu đốt nhà làm 3 người trong một gia đình chết thảm ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm cũng là một “bài toán” hóc búa đối với lực lượng điều tra hình sự nói chung và kỹ thuật hình sự nói riêng khi tiến hành khám nghiệm hiện trường. Không dấu vết, không nhân chứng, nếu không đánh giá kỹ, sẽ chỉ là một vụ tai nạn cháy bình thường bởi các nạn nhân không bị thủ phạm tấn công như những vụ án giết người, đốt xác phi tang từng xảy ra trước đó.

Một trong những vụ án được đánh giá là rất khó nhưng được Công an thành phố Hà Nội nhanh chóng khám phá thành công là vụ giết người, đốt xác ở 96 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân.

Rồi vụ án gây chấn động dư luận ở Hà Nội được khám phá thành công nhờ công đóng góp đắc lực của lực lượng kỹ thuật hình sự là vụ giết người do trả thù cá nhân tại trụ sở Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Thanh Trì (ở thị trấn Văn Điển). Và còn biết bao nhiêu vụ án khác nữa.

Tính đến nay anh cùng đồng nghiệp đã phá được hàng nghìn vụ án, trong đó có rất nhiều vụ trọng án tưởng chừng như bế tắc mà anh cùng đồng đội vẫn tìm ra thủ phạm gây án, để rồi sau mỗi vụ án “tôi cảm thấy rất vui và nhẹ nhõm, đồng thời cũng hãnh diện khi được góp sức mình mang đến sự bình yên cho người dân Thủ đô...” - Anh chia sẻ.

Hậu trường của công tác khám nghiệm cũng vất vả không kém làm việc ở hiện trường. Chính vì vậy, việc khám nghiệm cần phải tỷ mỷ, chi tiết, phát hiện được đúng những dấu vết của tội phạm. Điều này không chỉ đòi hỏi sự tận tâm, mà còn phải có phương pháp tư duy khoa học, trình độ để có thể ghi nhận, thu lượm, đánh giá đúng các dấu vết hình sự tội phạm.

Với anh, gia đình luôn là một hậu phương vững chắc, anh có 2 cô con gái rất đáng yêu cùng người vợ thảo hiền luôn bên cạnh động viên những lúc anh căng thẳng trong công việc. Tôi đến gặp gia đình anh vào buổi chiều, chị vừa tan sở và đón hai cô con gái đi học về đồng thời tranh thủ đi chợ luôn. Chị rất tự hào kể về người chồng của mình: “Anh Dũng rất say mê với công việc, có đêm đang ngủ bỗng bật dậy vì anh tìm ra được manh mối của vụ án rồi ghi chép cả đêm, cũng có nhiều lần anh về đến nhà đã là nửa đêm vừa ăn tạm gói mỳ thì có điện thoại phải đi gấp đến hiện trường... Vất vả đấy nhưng anh vẫn thấy vui, chị và các con thấy tự hào về anh”. Hiện chị Thủy đang làm kế toán trưởng cho một công ty lớn, chị cũng có nhiều thành tích ở cơ quan. Cô con gái lớn của anh học lớp 8 Trường THCS Ngũ Hiệp, 8 năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện, ước mơ của cháu sau này cũng muốn trở thành một chiến sĩ giống như bố. Gia đình anh chị nhiều năm liền nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Tranh thủ mọi thời gian rảnh anh đi đón con gái ở trường học, đưa con đi chơi để bù đắp những lúc bận bịu trong công việc. Với gia đình anh luôn là niệm tự hào và là tấm gương sáng để các con học tập noi theo.

Với những cống hiến của trung tá Lê Việt Dũng cùng đồng đội, đội khám nghiệm hiện trường PC 54 Công an thành phố Hà Nội vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba”, 5 năm liền là Đơn vị quyết thắng và nhận được nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội... vì có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Cá nhân anh cũng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, Bằng khen của Bộ Công an và nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Trung tá Lê Việt Dũng, phó trưởng phòng Kỹ thuật hình sự PC 54 Công an Hà Nội đúng là gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Trong xã hội hiện nay cần lắm những con người như anh, tấm gương đó cần nhân rộng ở khắp các ngành nghề trong xã hội để đất nước Việt Nam ta thêm phồn vinh và phát triển.

 

Nguyễn Thị Thanh Hòa

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)