Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 26/10/2016 10:34
NGƯỜI VIẾT ĐỊA CHÍ LÀNG

 Cụ Lưu Trang, sinh năm 1931 tại làng Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Lớn lên, tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì. Sau khi xuất ngũ, cụ là một giáo viên dạy học ở trường làng. Trong suốt quá trình công tác, với những cống hiến trên nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng cho ngành giáo dục, cụ vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương và 02 Bằng khen của Bộ Văn hóa, 56 thư khen, giấy khen của ủy ban nhân dân Tỉnh, ủy ban nhân dân Huyện. Với vốn kiến thức phong phú, cụ đã cùng những người bạn tâm giao của mình hoàn thành và xuất bản nhiều cuốn sách như: tập “Bài ca dâng Bác”, in chung cùng nữ tác giả Yên Giang, cuốn “Tục ngữ, ca dao Phú Xuyên xưa và nay” viết cùng ông Cao Xuân Quế và ông Lương Đức Nghi. Cụ là thành viên tích cực của Hội Văn nghệ dân gian Hà Tây (cũ) và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

 Từ năm 1991, cụ được Đảng, Nhà nước cho nghỉ, hưởng chế độ hưu trí nhưng chưa bao giờ cụ nghỉ ngơi đúng nghĩa. Bởi lẽ cụ luôn trăn trở với tâm nguyện viết lịch sử cho làng mình, mong muốn đóng góp công sức của mình cho quê hương.

Xã Phú Yên nằm ở phía tây nam huyện Phú Xuyên, diện tích 417,08ha, gồm 4 thôn là Giẽ Hạ, Giẽ Thượng, Thượng Yên và Thủy Phú. Đối với làng Giẽ Hạ thật có nhiều điều đáng để tự hào. Năm 1994, đình Giẽ Hạ được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2000, Đảng bộ và nhân dân xã Phú Yên được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2002, làng Giẽ Hạ được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh (tỉnh Hà Tây cũ), tiếp đó năm 2011, Giẽ Hạ được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.

Với nỗi trăn trở “Có rất nhiều điều cần viết và kể lại cho dân làng mình, kể cả việc hơn 200 năm được tiếng là làng 18 quận công...” nên dù đã ở tuổi 83, lại lâm bệnh trọng không thể ngồi được nhưng cụ chẳng từ nan, quyết tâm hoàn thành tâm nguyện, biên soạn và xuất bản cuốn “Giẽ Hạ - Làng địa chí” nhằm giúp cho dân làng, nhất là các thế hệ con cháu biết được lịch sử, truyền thống tổ tiên, cội nguồn để có một Giẽ Hạ, Phú Yên như ngày hôm nay.

Viết địa chí vốn đòi hỏi nhiều công sức sưu tầm, tra cứu, đối chiếu sử liệu. Người ta ví von việc viết địa chí, người viết địa chí như người thợ đi tìm quặng mỏ, mỗi ngày một ít, lâu dần mới thành kho. Thêm nữa, công việc đòi hỏi sự khoa học và tính trung thực gần như tuyệt đối của sử liệu, biên soạn đến hội thảo, in ấn, phát hành. Đối với một xã kinh tế đang trên đà phát triển, kinh phí cần cho xây dựng, kiến thiết là rất quý. Nhưng ý thức được việc giáo dục truyền thống còn quý giá hơn nhiều, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phú Yên đã quyết định họp dân, ra nghị quyết dành kinh phí cho việc tổ chức in ấn, phát hành cuốn sách. Bởi lẽ hơn lúc nào hết, đây là lúc cần thiết, một việc cần làm để cho thế hệ trẻ hình dung được quá trình lao động gian khổ của cha ông những ngày đầu mở đất, truyền thống yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm cũng như trí tuệ của nhân dân Phú Yên. Đồng thời phát huy truyền thống quê hương, đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới, quyết tâm xây dựng xã Phú Yên giàu mạnh, văn minh.

Học tập cách biên soạn địa chí, cuốn sách cũng được sắp xếp thành các chương mục rất dễ hiểu, tiện theo dõi. Ngôn ngữ, văn phong trong sáng, khoa học. Cuốn sách gồm 4 phần chính, dẫn người đọc đi từ đặc điểm địa lý tự nhiên (cảnh quan), đến nguồn gốc và việc tổ chức lễ hội. Đặc biệt cuốn sách còn có phần bốn gồm những truyện tương truyền, giai thoại về làng. Đây chính là phần hấp dẫn nhất của cuốn sách.

Sau những nỗ lực, cố gắng, cuốn sách “Giẽ Hạ - Làng địa chí” với dung lượng 260 trang đã được hoàn thiện, lấy ý kiến nhân dân và tổ chức in ấn, xuất bản, phát hành với số lượng 1.000 cuốn. Cuốn sách được tặng cho mỗi gia đình và được nhân dân trong làng trân trọng, lưu giữ. Khi lần giở từng trang, chúng ta như bắt gặp những con người bằng xương, bằng thịt, những câu chuyện bình dị như hơi thở cuộc sống.

Ý thức được cái tuổi xế bóng và bệnh tật của mình, cụ Lưu Trang còn đang gấp rút hoàn thành cuốn “Tục ngữ Thăng Long - Hà Nội”, hiện đã xong bản thảo. Với việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cụ Lưu Trang thực sự trở thành một tấm gương “Người tốt - việc tốt” thật đáng khen ngợi, một cựu giáo chức suốt đời “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, một tấm gương có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư.

 

Nguyễn Thị Ánh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)