Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 28/10/2016 09:10
TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI

 Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm giáo dục, từ bố mẹ cho đến chị gái, họ hàng đều rất nhiều người cống hiến cho sự nghiệp trồng người nên có lẽ đó là cái duyên đưa đẩy Đàm Bạch Long đến với sự nghiệp gắn cùng phấn trắng bảng đen.

 Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội chuyên khoa Toán - Kỹ thuật năm 1988, thầy nhận công tác tại Trường THCS Thụy Phương - huyện Từ Liêm nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đến nay, đã gần 30 năm thầy gắn bó với trường, với nghề, với trẻ. Đối với thầy, cứ mỗi năm học trôi qua bên cạnh những niềm vui còn đọng lại trong thầy những băn khoăn, trắc trở khôn nguôi...

L.N. Tônxtôi đã từng nói: “Để đạt được thành tích trong công tác, người thầy giáo phải có một phẩm chất - đó là tình yêu. Người thầy giáo có tình yêu trong công việc là đủ cho họ trở thành người giáo viên tốt”. Thật vậy, ngay từ khi được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Thụy Phương, thầy giáo Đàm Bạch Long bằng sức trẻ và tấm lòng nhiệt huyết đam mê của mình đã làm “khởi sắc” nhiều hoạt động chuyên môn ở nơi đây.

Cuộc sống khốn khó của những năm đầu đứng trên bục giảng đã hun đúc trong thầy tính cần cù, tỷ mỷ chịu thương, chịu khó. Thầy luôn chấp hành mọi nội quy, quy chế chuyên môn, luôn quan tâm, hỏi thăm và giúp đỡ đồng nghiệp, sáng tạo trong cải tiến phương pháp giảng dạy. Thầy sống rất chân thành, mộc mạc, sẵn sàng sẻ chia với những khó khăn của người khác và luôn luôn khát khao được đứng trên bục giảng để góp phần đào tạo thế hệ trẻ trở thành những con người có ích... Vì lẽ đó mà trong suốt thời gian công tác tại trường, thầy luôn là người thầy gương mẫu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Thầy không bao giờ than phiền, ngại khó dù có những việc ngoài khả năng nhưng thầy vẫn luôn cố gắng để hoàn thành. Và thực sự là thầy đã trở thành giáo viên dạy giỏi, tổ trưởng tổ Tự nhiên, chủ tịch Công đoàn nhà trường.

Có trong tay tấm bằng Cao đẳng Sư phạm dường như chưa đủ mà thầy tâm niệm phải “Học, học nữa, học mãi”. Trước thời kỳ mở cửa của công nghệ thông tin, thầy quyết định học đại học vào những năm 1995 - 1998 dưới mái trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, năm 1998 - 1999 thầy vinh dự nhận danh hiệu Lao động giỏi cấp huyện, nhiều năm liền đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp trường, cấp huyện. Là dân toán, có lẽ đó cũng là cái cớ đưa thầy đến với niềm đam mê, sự nhạy bén với công nghệ. Sự tỷ mỷ, nghiên cứu vì đam mê và cũng là vì những người đồng nghiệp. Năm 1998 - 1999, thầy đã có sản phẩm đồ dùng dạy học “Ê-ke cải tiến”, compa gỗ, chiếc bảng phụ sơ khai được làm từ bìa lịch... và đến nay khi tuổi nghề đã chín, sau 28 năm công tác, thầy lại là đại diện cho quận Bắc Từ Liêm tham dự cuộc thi “Thiết kế đồ dùng dạy học cấp thành phố” với sản phẩm “Máy chiếu vật thể đa năng” - một sản phẩm hữu ích và rất tiện lợi, hỗ trợ tối đa hiệu quả việc giảng dạy.

Không chỉ say chuyên môn, sáng tạo trong đồ dùng dạy học, đem lại hiệu quả cao cho giờ học, thầy còn đem hết những kinh nghiệm về công nghệ thông tin của mình truyền đạt lại cho mọi người. Ngay tại trường, thầy Long đã tổ chức tập huấn những khóa ngắn hạn về công nghệ thông tin cho các thầy cô giáo. Từ việc tập huấn đánh máy cho đến việc sử dụng word, excel, powerpoint, cách tìm kiếm tư liệu, thông tin, cách chuyển đổi PDF sang word để dễ dàng sử dụng văn bản phục vụ cho bài dạy... Tại địa phương, thầy cũng tham gia tập huấn về công nghệ thông tin cho cán bộ Ủy ban nhân dân. Thầy còn dạy tin học cho những người thân quen, cho những em học sinh nghèo đam mê công nghệ. Trong số những học trò học “nghề” của thầy có anh Nguyễn Văn Đà là trường hợp điển hình nhất. Anh là một người khuyết tật, cuộc sống gia đình khó khăn, thầy đã dạy cho anh miễn phí. Và cho đến nay, anh đã trở thành một người thợ bảo trì, sửa chữa máy tính cho một số trường học ở quận Tây Hồ... Tất cả đó đều xuất phát từ niềm đam mê, tình yêu với mọi người chứ không màng danh lợi.

Trong những năm chín mươi thế kỷ XX, cuộc sống khó khăn. Trải qua những thăng trầm trong nghề giáo, những nỗi lo cơm áo gạo tiền khi bố mẹ đã tuổi cao sức yếu, có lúc thầy nghĩ tới việc chuyển nghề! Thầy đã từng làm nhân viên bảo hành đồ điện tử của một công ty có tiếng trong thời gian nghỉ hè nhưng chỉ sau vài ba tuần, lòng yêu nghề mến trẻ khiến thầy nhớ “lũ trẻ” đến điên dại.

Gạt mọi khó khăn sang một bên, thầy thầm nghĩ tới sứ mệnh cao cả của sự nghiệp trồng người. Nghề giáo là nghề cao quý nhất nhưng cũng là nghề đầy những gian truân khó nhọc. Từ những suy ngẫm ấy cùng cái nhìn về gia đình với bề dày truyền thống giáo dục, nhìn về niềm tin, sự hy vọng của cha mẹ, đồng nghiệp và tình thương với các học trò nhỏ, thầy lại tiếp tục phấn đấu, bước tiếp trên con đường đầy thử thách và chông gai.

Trở lại với nghề, ngoài những giờ dạy trên lớp, thầy mở những lớp học miễn phí tại nhà. Cùng những cô, cậu học trò thầy tự tay đóng bàn ghế để các em có thể ngồi học một cách thoải mái nhất. Những lớp học như thế vẫn còn tồn tại đến ngày nay, cùng với tình yêu nghề mãnh liệt của thầy. Dường như, thầy sinh ra là để làm thầy giáo!

Trong suốt gần 30 năm qua, số học sinh nghèo mà thầy đỡ đầu nhiều không kể hết. Những cô cậu học trò năm xưa nay đều đã trưởng thành, là công dân tốt với cuộc sống hạnh phúc của riêng mình. Nhưng học trò làm thầy nhớ nhất có lẽ là cô Trần Thanh Hà. Thầy hay gọi cô là trò cưng, bởi lẽ cô Hà vốn là một cô bé nghèo khó, cá tính, đã từng trải qua nhiều nỗi tuyệt vọng trong cuộc sống. Ấy vậy mà với sự quan tâm của thầy - người cha thứ hai, đã khiến Hà vượt qua nỗi tuyệt vọng, tiếp thêm sức sống, niềm tin để cô vững bước vào tương lai với một cuộc sống hạnh phúc.

Không chỉ quan tâm, động viên chia sẻ với những học trò thân yêu, thầy coi “lũ trẻ” ấy như con đẻ của mình. Có những em vì gia đình khó khăn thầy còn mua sách vở, đồ dùng học tập, thậm chí là xe đạp để bạn có thể đến trường. Và đến bây giờ, em Bùi Tân Cương - học sinh lớp thầy chủ nhiệm, gia đình khó khăn không có điều kiện, thầy cũng chi trả mọi khoản học phí cho em và tạo điều kiện để em có cơ hội học tập tốt nhất... Để có thể giúp đỡ được nhiều học sinh như vậy, thầy đã phải làm thêm rất nhiều nghề như thợ mộc, sửa khóa, thợ sửa chữa điện tử, làm đá, vật liệu xây dựng, dạy nghề tại trung tâm tin học... Với thầy, mỗi một công việc đều đem lại cho thầy một điều tuyệt vời. Bởi trong những ngày tháng đó, trong trái tim thầy luôn có “lũ trẻ” - chúng là động lực cho mọi sự cố gắng, nhiệt huyết và đam mê trồng người của thầy.

Với giáo viên nhà trường nói riêng và những người đang ngày đêm chèo lái con thuyền tri thức nói chung rất yêu mến và trân trọng những tấm gương sáng như thầy giáo Đàm Bạch Long - người tiếp lửa, truyền đạt kiến thức đến với biết bao thế hệ học trò. Sự nghiệp giáo dục nói chung, Trường THCS Thụy Phương nói riêng cần lắm những người thầy tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ như thầy Đàm Bạch Long để cùng chung tay đưa sự nghiệp giáo dục lên một tầm cao mới.

 

Hoàng Ngọc Lan

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)