Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 01/11/2016 03:32
Văn hóa làng xã Việt

 Đặc điểm nổi bật của văn hóa làng xã Việt Nam là tính cộng đồng, cộng cảm và tính tự trị tự quản. Tính cộng đồng cộng cảm là đặc tính của cư dân nông nghiệp và là nền tảng cho làng xã ổn định, phát triển hàng nghìn năm.

 Người dân Việt từ khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành và đến khi trở về bên kia thế giới đều được ký thác vào cộng đồng làng xã. Các thành viên làng xã cùng nhau khai khẩn, chung sống trên một vùng đất thân quen, vùng có cây đa, bến nước, sân đình là niềm tự hào và nỗi nhớ thương mỗi khi nghĩ tới. Người dân có tin thần tương thân tương ái, đoàn kết gắn bó, lá lành đùm lá rách để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Mỗi thành viên đều có trách nhiệm với các thành viên khác trong cộng đồng làng xã, họ có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mỗi khi vụ mùa đến, hoặc khi làm nhà, sinh con, ốm đau, hoặc khi có người đỗ đạt, lên lão, làm quan… đều thấy sự hiện diện của bà con trong họ, ngoài làng. Tục lệ khao vọng dân làng mỗi khi một thành viên nào đó thành đạt trên bước đường đời là một nét sinh hoạt văn hóa đẹp để khuyến khích, biểu dương nhân tài, đồng thời cũng nhắc nhở, động viên con cháu trong làng cố gắng phấn đấu vươn lên. Tuy nhiên, trong cuộc sống làng xã, tính cộng đồng, cộng cảm cũng bộc lộ một số hạn chế như cái “tôi”, cái cá nhân không được tôn trọng dẫn đến tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm, bình quân chủ nghĩa, hạn chế sự năng động sáng tạo của mỗi cá nhân. Mặt khác, trong làng bao giờ cũng có các dòng họ khác nhau, nên nhìn bề ngoài không thể thấy hết được sự cạnh tranh, bon chen, phân chia ngấm ngầm giữa các dòng họ và các thế lực với nhau để giành quyền chi phối mọi hoạt động của làng xã.

Tự trị, tự quản cũng là một đặc điểm nổi bật của văn hóa làng xã. Các thành viên làng xã cùng nhau sống chung trong lũy tre làng. Lũy tre làng đan xen nhau dày đặc để bảo vệ cho dân làng, nhưng nó cũng là hàng rào ngăn cản sự giao lưu văn hóa của dân làng với các vùng quê xung quanh. Tính tự trị, tự quản của làng xã còn được thể hiện thông qua Hương ước của làng. Trong đó quy định chặt chẽ về ranh giới làng, về an ninh trật tự, về tài sản ruộng đất, về sản xuất, buôn bán, về phong hóa, đạo lý, về học hành thi cử, về tế lễ thần linh, về vệ sinh môi trường… Hương ước chính là bộ luật của làng xã và là nội dung cơ bản tạo nên lệ làng góp phần nâng cao nhận thức, tình cảm và điều chỉnh hành vi, lối sống của tất cả mọi người, thể hiện sự hiểu biết, quan niệm và những nét văn hóa riêng. Trong một chừng mực nhất định, tính tự trị, tự quản của làng xã góp phần duy trì trật tự, nề nếp ở trong làng xã, nhưng mặt khác nó cũng tạo ra những suy nghĩ, tình cảm, hoạt động mang tính chất cục bộ, địa phương, làm cho mỗi làng quê trở thành một “pháo đài” độc lập, rất khó du nhập, tiếp thu tiến bộ văn minh.

Để xây dựng thành công nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tìm hiểu, tiếp thu những nhân tố tích cực trong văn hóa làng xã và loại bỏ những nhân tố lạc hậu. Có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được nông thôn mới mà trong đó là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa Việt Nam với khoa học công nghệ hiện đại tiến tới đạt được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Trần Duy tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)