Thực trạng nhu cầu đọc và cung cấp sách báo tới các điểm vùng sâu vùng xa ở nước ta
Nhận thức rõ việc đọc sách và tiếp cận các phương tiện thông tin đối với người dân là vô cùng quan trọng để giúp người dân có thể có thêm thông tin, kiến thức xã hội, khoa học kỹ thuật để áp dụng vào đời sống lao động và sản xuất hàng ngày. Tiến xa hơn nữa là xây dựng cho họ một thói quen đọc sách nhất là ở thời đại hôm nay, thời đại của nền kinh tế tri thức, của xã hội tin tức. Sự lạc hậu về tri thức và về thông tin sẽ làm chậm sự phát triển của con người và xã hội.
Trang bị phục vụ đọc sách cho nhân dân ở vùng sâu vùng xa được đầu tư kinh phí và con người khá bài bản, có định hướng, góp phần đắc lực trong việc xóa các điểm trắng văn hóa đọc, tạo được một mạng lưới phòng đọc sách báo cấp cơ sở phủ khắp 80% các xã trong cả nước, đặc biệt có nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Truyền bá kiến thức văn hóa, đưa kiến thức khoa học gần gũi với nông dân, đồng bào dân tộc, các tầng lớp thanh thiếu niên, những người lao động chính trong gia đình và người cao tuổi ở nhiều địa phương. Nối dài cánh tay quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin và truyền thông qua mạng lưới tuyên truyền sách báo ở cơ sở. Tạo sự gắn kết và tin tưởng của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những ưu điểm, hiệu quả tích cực của việc cung cấp sách báo thì vẫn tồn tại một thực tế là hoạt động này chưa đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân và số người đọc ngày càng có phần giảm đi. Đó có thể do nhiều nguyên nhân như sách nghèo nàn về nội dung, chậm bổ sung về số lượng, tính luân chuyển sách báo chưa cao. Nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc còn mù chữ hay không có thói quen đọc sách báo. Rất ít có sách báo in bằng tiếng dân tộc, phù hợp với trình độ của người dân tộc như nội dung giản dị, dễ hiểu, chữ in to, sách mỏng có tranh ảnh minh họa, chủ yếu mang tính phổ thông thường thức.
Với thực tế này, cần nghiên cứu để xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giúp việc đưa sách báo về cơ sở thông qua các mô hình như: thư viện công cộng; tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; tủ sách đồn biên phòng, điểm bưu điện - văn hóa xã… để truyền tải thông tin, tri thức dần đến người nông dân nghèo, những đối tượng cần thông tin, tri thức không chỉ đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tinh thần cho họ mà còn là kích thích sự ham muốn đọc sách, hoàn thiện nhân tố tích cực góp phần xây dựng nên một địa bàn dân cư mạnh về kinh tế, trật tự xã hội, ổn định về an ninh, quốc phòng. Có như vậy việc đọc sách mới hữu ích với sự sinh tồn và phát triển của mỗi con người cũng như sự sinh tồn và phát triển của mỗi dân tộc.
Trần Duy tổng hợp