Xây dựng nhà nước pháp quyền
Trong tư tưởng nhà nước và pháp luật của Hồ Chí Minh, pháp luật và đạo đức là thống nhất với nhau, là sức mạnh để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đạo đức đảm bảo cho nhà nước thực sự là nhà nước dân chủ và nhân văn, là nhà nước của con người, vì con người, là nhà nước đạo đức và văn minh. Pháp luật làm cho nhà nước có kỷ cương, đảm bảo cho đạo đức xã hội được tôn trọng và duy trì, là ngăn ngừa và trừng trị những hành vi xấu xa, là cải tạo những hủ tục, duy trì, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người. Pháp luật giúp vào việc “giáo dục lại dân ta” xây dựng đạo đức của con người mới. Đạo đức làm cho pháp luật từ khi được ban hành cho đến khi thực hiện có tính nhân văn và phát huy tính tích cực xã hội của con người. Đạo đức là linh hồn của pháp luật; pháp luật là phương tiện, là sức mạnh củng cố phát triển đạo đức. Đạo đức và pháp luật thống nhất với nhau, tác động qua lại với nhau, tương hỗ nhau trong việc xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Có thể nói, Hồ Chí Minh là một trong những vĩ nhân và những nhà chính trị lỗi lạc nhất của dân tộc và nhân loại, đã phát huy tinh hoa tư tưởng đức trị, pháp trị và tư tưởng hiến chính của loài người lên một tầm cao mới và làm cho tư tưởng về nhà nước pháp quyền có một nội hàm mới. Đó là một nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân của Việt Nam. Nhà nước đó phải:
Sáng suốt.
Cần, kiệm, nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, chính, chí công vô tư.
Cao thượng.
Thượng công thủ pháp.
Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, Hiến pháp 1946, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo đã thể hiện rõ Tư tưởng Hiến chính của Người. Bản Hiến pháp này hiện vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo cho chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân trong tình hình hiện nay.
Trần Duy tổng hợp