Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật
Hồ Chí Minh là người nắm vững tinh hoa văn hóa dân tộc. Tư tưởng của các thời Lý, Trần về phép trị nước, thân nhân, khoan thư sức dân. Tư tưởng thượng tôn pháp luật thời Lê, nhất là Lê Thánh Tông, tư tưởng về pháp luật trong việc điều hành nền hành chính nhà nước thời kỳ hưng thịnh của nhà Nguyễn…; đặc biệt là chủ thuyết canh tân của Nguyễn Trường Tộ… đều được Hồ Chí Minh xem xét kế thừa.
Tư tưởng đức trị, nhân chính, pháp trị của Khổng Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi Tử, đặc biệt là nhà nước dân chủ, pháp quyền của Pháp, Mỹ, tư tưởng vô sản chuyên chính của chủ nghĩa Mác - Lênin… tất cả đều được Hồ Chí Minh chắt lọc, kế thừa, phát triển và vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh của nước ta ở giữa thế kỷ XX.
Hồ Chí Minh không để lại một trước tác riêng về luật pháp như là một luật gia. Nhưng Người là một nhà cách mạng, một nhà hoạt động thực tiễn, một người nhuần nhuyễn phép biện chứng duy vật, một người yêu nước, yêu dân tộc vô bờ bến. Người chỉ có một động cơ duy nhất là giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Và với nhiệt tình cách mạng sôi nổi, với sự uyên bác của một nhà văn hóa lỗi lạc, lại ở cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh đã có những tư tưởng, đặc biệt là việc làm thể hiện ở tầm một nhà lập pháp sáng tạo, một người mở đường và đặt nền móng vững chắc cho hoạt động lập pháp và quản lý xã hội bằng pháp luật ở nước ta.
Trong suốt quá trình hoạt động, tổ chức, lãnh đạo Đảng và trực tiếp đứng đầu nhà nước suốt 24 năm, Hồ Chí Minh đã bộc lộ rõ một tư tưởng nhất quán: tính tất yếu của hiến pháp và pháp luật. Với Người thì hiến pháp gắn với dân chủ. Đối với nước ta khi còn mất chủ quyền quốc gia thì trước hết luật pháp phải gắn với đấu tranh giành quyền độc lập, tự do. Hiến pháp là linh hồn, ý chí của độc lập, tự do, bảo vệ cho độc lập, tự do, khuôn khổ cho đời sống dân chủ, cho cuộc sống độc lập, tự do, ấm nó, hạnh phúc của người dân; là cơ sở pháp lý trong tất cả các quan hệ quốc tế.
Hiến pháp mở lối cho phương thức quản lý bằng pháp luật, cho việc hình thành các tổ chức của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội; cho việc hình thành đội ngũ quan chức, viên chức và quy định họ phải làm và chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép; cho một xã hội mà công dân được và không được làm gì đều được pháp luật quy định.
Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là văn bản pháp luật đầu tiên khẳng định những quyền tự nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam; nó cũng là văn bản pháp lý đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong quan hệ quốc tế.
Trong suốt 24 năm là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì soạn thảo 2 bản Hiến pháp (1946, 1959). Bản Hiến pháp 1946 xác nhận “đã đảm bảo độc lập dân tộc và một nền dân chủ rộng rãi của nhân dân” và là công cụ pháp lý để nhân dân ta làm cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Hiến pháp năm 1959 là công cụ pháp lý để nhân dân ta xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Bằng toàn bộ cuộc đời hoạt động của mình, Người đã khẳng định một nguyên lý: Sự tồn tại của pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật là một tất yếu khách quan trong một nhà nước dân chủ, một xã hội văn minh.
Trần Duy tổng hợp