Thách thức bị đồng hóa văn hóa trước làn sóng hội nhập
Nhiều người đặt câu hỏi: Đó có phải chúng ta đang bị đồng hóa văn hóa khi hội nhập?
Văn hóa có tính phổ quát ở mức độ nào đó, nhất là trong khu vực và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phương thức sản xuất gần nhau. Sự giao thoa và tiếp biến văn hóa là đương nhiên trong quá trình phát triển của lịch sử với mặt tích cực là nó đã tiếp biến những yếu tố văn hóa ưu việt để làm cho văn hóa dân tộc phong phú hơn. Nhưng văn hóa cũng có những nét khác biệt - tính bản sắc mà ở đó tồn tại sự cắm rễ với các mạch ngầm riêng. Nền văn hóa Việt Nam có sức mạnh riêng bởi có từ tâm thức truyền từ đời này qua đời khác, không khuất phục sức mạnh kinh tế hay sức mạnh quân sự của bất kể quốc gia nào khác. Cả nghìn năm các triều đại phong kiến phương Bắc tiến hành các cuộc xâm lược Việt Nam và cùng với đó là quá trình các làn sóng đồng hóa văn hóa Việt theo lối nô dịch thô bạo. Song sức mạnh tự thân của văn hóa Vieetjvuwaf chống lại mạnh mẽ, vừa ảnh hưởng, tiếp nhận tiếp biến có ý thức, đã làm cho cuộc đồng hóa văn hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc thất bại. Nói cách khác, trong lịch sử Việt nam có sự giao thoa phức tạp giữa các giá trị văn hóa khác nhau bởi hoàn cảnh lịch sử. Quá trình đó diễn ra những lần tiếp thu, tiếp biến vừa có tính chống lại vừa có sự tiếp nhận những tinh hoa để hoàn thiện dần giá trị văn hóa Việt mới, đầy bản sắc nhưng đa dạng mà gốc rễ không hề mất đi.
Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, âm mưu đồng hóa văn hóa Việt Nam đi kèm theo gót giày của đội quân xâm lược của thực dân Pháp với cả sự hào nhoáng lẫn những vết nhơ của mặt trái văn minh phương Tây. Giữa sự biến thiên của gia đoạn lịch sử đó, Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng giao thoa, tiếp biến văn hóa nhân loại một cách toàn bích nhất. Ở Người, những tinh hóa văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây được kết hợp một cách hoàn thiện nhất. Người đã dẫn dắt dân tộc ta tạo nên một Thời đại Hồ Chí Minh chưa từng có trong lịch sử.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều người nêu ra “hoàn cảnh” để lý giải việc vay mượn văn hóa người khác làm cái của mình một cách thô thiển mà quên bản sắc văn hóa dân tộc. Dù là thời kỳ lịch sử nào thì những người không coi trọng văn hóa tự thân đều bị đồng hóa, bị nô dịch. Điều này quả thật nguy hiểm. Bị đồng hóa, bị nô dịch thể hiện rõ nhất ở lối sống, lối ứng xử, trong cách tiếp nhận và thay đổi quan niệm về giá trị vật chất, tinh thần của từng cá nhân, từng gia đình và từng tầng lớp xã hội. Nhiều người đã đón nhận yếu tố văn hóa ngoại lai không chọn lọc, không đào thải. Nhiều thanh niên Việt Nam ngày nay sống không có lý tưởng. Sự tiếp nhận văn hóa từ lớp trẻ đang phổ biến là xu hướng hưởng thụ. Họ cuồng nhiệt tiếp nhận những yếu tố văn hóa ngoại lai không có giá trị nhân văn, thẩm mỹ để sống gấp, sống hưởng thụ. Tình trạng này dẫn đến nhiều giá trị xã hội bị đảo lộn, thậm chí bị vùi lấp, giẫm đạp. Bản thân nền văn hóa Việt có khả năng chống lại sự nô dịch của văn hóa ngoại lai đồng thời tiếp nhận tinh hoa văn hóa để phát triển, nhưng những cá nhân lại không phải lúc nào cũng có khả năng đó. Điều đó làm cho chúng ta không thể yên tâm rằng văn hóa dân tộc không bị ảnh hưởng yếu tố tiêu cực của văn hóa ngoại lai.
Trần Duy tổng hợp