Hội chứng “cuồng sách” xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ 19
Dù đây không phải một chứng bệnh tâm lý thực sự, nhưng đã từng có thời, khi những cuốn sách là nguồn tiếp cận duy nhất với tri thức đỉnh cao của nhân loại, những người ham mê đọc sách, say mê sưu tầm sách, đã phải sống trong nỗi sợ hãi rằng: Liệu mình có đang mê mải quá đà và mắc chứng “cuồng sách” hay không?
Thực tế, ở những thế kỷ về trước, đây là một chứng bệnh có thực, được y học nhìn nhận đến và khá thường thấy trong giới hàn lâm, nhưng kể từ khi các phương tiện thông tin trở nên đa dạng, con người có nhiều cách để tiếp cận kiến thức, và sách không còn là chiếc cầu nối duy nhất nữa, người ta đã quên mất rằng từng có một thời, căn bệnh “cuồng sách” tồn tại.
Trong lịch sử căn bệnh “cuồng sách”, nổi tiếng nhất phải kể tới học sĩ người Đức có tên Alois Pichler - người sống trong thế giới sách vở theo đúng nghĩa đen, cuộc sống của ông luôn gắn liền bên những cuốn sách. Người ta tổng kết được rằng có hơn 4.500 cuốn sách đã bị đánh cắp khỏi thư viện nơi ông làm việc. Ông được biết đến trong lịch sử là người đánh cắp số lượng sách lớn nhất từ thư viện và là một trường hợp điển hình và được biết tới nhiều nhất khi người ta nói tới chứng “cuồng sách”.
Đây là một hiện tượng tâm lý từng xuất hiện trong giới hàn lâm học thuật ở Châu Âu hồi thế kỷ 19. Triệu chứng của nó là một người trở nên mê cuồng trong việc săn tìm và sưu tầm những ấn bản sách cổ hay những cuốn sách hiếm…
Ở thế kỷ 19, những học giả, những con người thượng lưu, học thức trong xã hội, sẵn sàng làm tất cả để có thể sở hữu những cuốn sách hiếm, bất kể giá cả như thế nào. Thời này, thú sưu tầm sách quý được đánh giá rất cao, là thú vui tao nhã của giới nhà giàu, có học vấn uyên thâm. Có những người sưu tầm sách cuồng nhiệt đến mức “khuynh gia bại sản” chỉ để thỏa niềm đam mê thực hiện được cho mình một thư viện cá nhân đồ sộ.
Mặc dù trong lịch sử tâm lý học, căn bệnh “cuồng sách” không thực sự được nghiên cứu sâu kỹ, vì nó chỉ tồn tại trong một thời đoạn nhất định, với những điều kiện cụ thể của đời sống - kinh tế - xã hội, nhưng căn bệnh này đã từng thực sự tồn tại vào thế kỷ 19.
Ngày nay, hội chứng “cuồng sách” không còn nữa, thay vào đó, có lẽ là hội chứng “nghiện kết nối”. Căn bệnh “cuồng sách” chỉ còn được nhắc tới trong giới tâm lý học như một hiện tượng thú vị gắn liền với một thời đoạn lịch sử cụ thể, khi hình ảnh của một cá nhân, thậm chí là mục đích sống của một con người, đã từng có thời gắn liền với những cuốn sách. Hội chứng “cuồng sách” dần biến mất khi ngành xuất bản ngày một phát triển; phương tiện in ấn trở nên hiện đại; sách không còn quá đắt đỏ, hiếm có như trước; và sách lúc này không còn chỉ dành cho giới nhà giàu nữa. Lúc này, thị trường sách bắt đầu hình thành và nhanh chóng mở rộng, giá sách sụt giảm nhanh chóng vì số lượng đầu sách xuất hiện trên thị trường tăng nhanh chóng mặt.
Cùng với sự đổi thay của ngành xuất bản, niềm đam mê sưu tầm sách trở nên dễ dàng đạt được với mức kinh phí bỏ ra ít hơn, sự kỳ công trong thú chơi cũng bớt phần phức tạp, sự kịch tính trong việc theo đuổi một ấn bản sách cũng giảm bớt. Vậy là, hội chứng “cuồng sách” dần biến mất ngay trong thế kỷ 19…
Ngô Duy tổng hợp