Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 20/12/2016 10:44
Một số địa điểm chống Pháp tại Thủ đô những ngày đầu toàn quốc kháng chiến

 Ngược dòng lịch sử, cách đây 70 năm, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi thực dân Pháp quyết tâm quay trở lại cướp nước ta một lần nữa. Nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, ngày 18, 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp, quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Nhân dân Thủ đô Hà Nội đã anh dũng đứng lên nổ súng mở màn cuộc kháng chiến toàn quốc vĩ đại của dân tộc, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. 

 Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, truyền thống anh hùng, bất khuất, kiên cường của nhân dân ta; thôi thúc cả nước sục sôi đứng lên chiến đấu, vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Đáp “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nêu cao ý chí quyết tâm sắt đá chống giặc, giữ nước với niềm tin tất thắng.     

          Khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946 quân dân Hà Nội đã cùng toàn dân đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu quốc. Nhân dân Thủ đô Hà Nội đã chiến đấu oanh liệt tại nhiều địa điểm trung tâm của Thành phố.

          Những giờ phút đầu tiên của cuộc kháng chiến toàn quốc, quân dân thủ đô Hà Nội đã làm kẻ thù phải kinh hoàng. Đêm ngày 19/12/1946 tại Liên khu I, hoà trong tiếng đại bác rền vang là tiếng súng của quân dân ta bảo vệ Bắc Bộ phủ, Toà thị chính, Bưu điện thành phố, Nhà đèn Bờ Hồ… Các trận chiến đấu ở mặt trận Cửa Nam, Hàng Trống, Hàng Mành đầu phố Pônbe (nay là phố Tràng Tiền)… đã làm quân Pháp kinh sợ.

          * Tại trụ sở Công an quận 1 (Hàng Trống) số 2 Tràng Thi, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm đã ghi dấu trận địa chống Pháp của Công an Hà Nội. Trận đánh đêm 19/12/1946 tại số 2 Tràng Thi đã cho thấy lực lượng công an Hà Nội đã biến lòng yêu nước, chí căm thù giặc thành sức mạnh chiến đấu, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, cùng quân dân Thủ đô viết nên bản anh hùng ca trong suốt 60 ngày đêm khói lửa, làm giàu thêm truyền thống của công an Thủ đô.

          Trường Trưng Vương, trụ sở Bộ Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến tháng 12/1946, nơi diễn ra trận chiến đấu chống thực dân Pháp ngày 21/12/1946, ở số 26 Hàng Bài, phường Hàng Bài, Hà Nội. Tại đây, ngày 21 tháng 12 năm 1946, các chiến sĩ trung đội 1, đại đội 1, tiểu đoàn 77 cùng hai tiểu đội tự vệ khu đại học đã kiên cường chiến đấu chống lại các cuộc tiến công rất ác liệt của quân đội Pháp, góp phần vào chiến công chung của quân dân Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Mặc dù hiện vật về những sự kiện lịch sử diễn ra tại đây không còn nhưng những trang sử và chính mảnh đất với ngôi trường anh hùng này là cơ sở tốt để thày trò trường Trưng Vương luôn ôn lại truyền thống, giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh.

          * Bưu điện Hà Nội ở 75 Đinh Tiên Hoàng, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ở phía đồng hồ Hoàn Kiếm nên dân gian thường gọi là Bưu điện Bờ Hồ. Năm 1946, nơi đây là một trận địa chống Pháp quyết liệt của các chiến sĩ Thủ đô và công nhân Nhà Bưu điện. Sở Bưu điện Hà Nội là cứ điểm trọng yếu của Thủ đô. Đây là đầu mối thông tin liên lạc giữa Thủ đô với các địa phương trong cả nước, phục vụ Chính phủ và các cơ quan quân sự, an ninh trong cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đêm 19/12/1946, tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Pháp tập trung ở khu vực Bưu điện Hà Nội và tổ chức nhiều đợt tấn công, tự vệ và bộ đội ta đã chiến đấu vô cùng gan dạ, dũng cảm.

          9 giờ sáng ngày 20/12, một gian đầu phía nam Nhà Bưu điện bị bắn sập. Địch chiếm được Bắc Bộ phủ. Lực lượng ta rút sang nhà Bưu điện, từ tầng 3, dùng súng bắn sang gây nhiều thương vong cho địch.

          12 giờ trưa, địch dùng 3 xe tăng mở đợt tấn công mới vào Bưu điện. Một sĩ quan Pháp bị tự vệ tiêu diệt, một xe tăng bốc cháy, địch phải rút lui. Lần thứ ba, địch tấn công vào mặt tiền nhà Bưu diện, nhưng một lần nữa, với súng trường, lựu đạn và chai xăng, tự vệ và bộ đội ở nhà Bưu điện đã buộc địch phải rút lui, tháo chạy.

          Khi địch chiếm được Nhà Bưu điện Hà Nội thì nhiều máy móc đã được di chuyển ra vùng kháng chiến, những thiết bị không mang đi được, đặc biệt là đài phát, đã được phá hỏng hoàn toàn.

          Đến sáng ngày 21, 22, 23, 24 tháng 12 năm 1946, Pháp đã huy động lực lượng với nhiều vũ khí tối tân và cơ giới, chiếm được Cửa Nam, Công an Hàng Trống, Trụ sở Quốc hội, Toà Thị Chính, Bưu điện, Cầu Long Biên, Nhà hát Lớn và khu vực Nhà hát Lớn. Rồi đến cuối tháng 12, địch phá vỡ các vòng vây của ta ở các cửa ô và đại bộ phận nội thành, trừ Liên khu I.

          * Tại Liên khu I, cuộc chiến đấu diễn ra ngày càng gay go ác liệt. Từ 26/12/1946 đến 4/2/1947, giặc Pháp đã nã pháo suốt ngày đêm vào các phố Hàng Vải, Hàng Bún, Hàng Bông, Hàng Gai… Đến sáng ngày 14/02/1947, giặc Pháp mở đợt tấn công lớn vào tiểu khu Đồng Xuân thuộc Liên khu I. Theo trung tướng Vương Thừa Vũ, chỉ huy mặt trận Hà Nội, thì giặc Pháp tập trung hơn 400 quân và hàng chục xe cơ giới các loại bao vây tiến hành đánh chợ Đồng Xuân với ý định sau đó sẽ thọc thẳng vào trung tâm chỉ huy Liên khu I. Ngày 11, 12, 13 tháng 2 năm 1947, giặc Pháp cho máy bay ném bom bắn phá liên tiếp vào khu chợ Đồng Xuân và các phố Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Đường, Hàng Bạc, Mã Mây, Hàng Mắm…

          Trận chiến đấu ở chợ Đồng Xuân là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của chúng ta trong 2 tháng đầu kháng chiến ở Thủ đô và cũng là trận cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô trong nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Liên khu I Hà Nội.

          * Khu Việt Nam học xá nằm giữa một vùng đồng ruộng, ao chuôm, được bao bọc bởi 4 con đường lớn giao nhau: phía Đông là phố Bạch Mai, phía Tây là quốc lộ 1, phía Nam là đường Đại La, phía Bắc là đường Đại Cồ Việt. Tại đây, ngày 12/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự cuộc mít tinh lớn của sinh viên và nhân dân quanh vùng chào mừng sự ra mắt của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khoá I. Tại Việt Nam học xá liên tiếp trong 4 ngày từ 16 đến 19 tháng 1 năm 1947, các chiến sĩ đại đội 55 (tiểu đoàn 64) và 2 trung đội (tiểu đoàn 77) cùng các chiến sĩ tự vệ Bạch Mai đã anh hùng chiến đấu, đập tan hàng chục đợt tấn công của quân Pháp có máy bay, xe tăng, thiết giáp yểm trợ, gây nhiều tổn thất cho địch. Lực lượng của ta và tính mạng của hơn 1.000 đồng bào được bảo toàn.

          Trận chiến đấu tại Việt Nam học xá đã góp phần không nhỏ vào chiến công của quân và dân Hà Nội giam chân giặc Pháp trong 60 ngày đêm, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Bảo Minh tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)