Đặc điểm của làng cổ Hà Nội
Một trong số những nghiên cứu, tìm hiểu, và dựng bức tranh tương đối toàn diện về các làng cổ Hà Nội TS. Lưu Minh Trị đã đưa ra những đặc điểm của các làng này:
- Trong họ ngoài làng, mỗi làng thường chủ yếu có 4 - 5 họ lớn, chiếm giữ một xóm hay một giáp; con, cháu các họ lấy nhau nên càng phát triển, có nhà thờ họ riêng vẫn được bảo tồn. Đối với người ngụ cư, mới nhập cư không đối xử khác biệt như các làng quê khác.
- Việc mừng thọ, lên lão trước đây nhà khá giả ăn uống, ca hát hàng tuần, nay mừng thọ năm chẵn cho tất cả các cụ từ 60 tuổi trở lên (có nơi từ 65 tuổi), 5 năm một lần tại đình làng, hoặc nhà văn hóa; sau đó, tùy gia đình tổ chức họp mặt ăn uống nội bộ.
- Do ảnh hưởng đô thị hóa, hiện đại hóa nên đường làng ngõ xóm được bê tông hóa. Cũng có những làng cổ chỉ bê tông hóa đường chính của làng, còn các đường nhỏ vẫn để lát gạch xưa mang tính cổ kính. Một số huyện chuyển thành quận (Hoàng Mai, Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân), thì các xã và làng chuyển thành phường, cụm dân cư… Vậy là làng ở đây nằm trong phố. Nhân dân vẫn quen gọi tên làng cũ (làng Nghi Tàm, làng Bồ Đề, làng Hạ Yên Quyết…).
- Làng nào cũng có những điểm tâm linh. Đó là đình, đền thờ Thành hoàng làng, những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa hoặc những người có công với dân làng, là tổ nghề… Cũng có nơi thờ thần đất, thần núi, thần sông. Mỗi làng thường có chùa thờ Phật; một số làng có đền - điện thờ thánh mẫu Tam phủ - Tứ phủ, có quán thờ Đạo giáo; làng hiếu học, khoa bảng có văn chỉ; làng nghề có nhà thờ tổ nghề. Ngoài ra còn có am, miếu lưu truyền dấu tích truyền thuyết xưa. Các di tích ấy là những kiến trúc cổ của người xưa, có cái lâu đời 5 - 7 trăm năm, đã qua nhiều lần trùng tu, có nhiều mảng chạm khắc công phu, hai ba tầng mái, đầu đao cao vút, bờ nóc có rồng chầu mặt nguyệt, trang trí tứ linh… Đó là di sản quý giá của cha ông, của dân tộc mà làng xã ngày nay có nhiệm vụ phải bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn.
Đình, đền, chùa, điện, quán, văn chỉ hoặc lăng mộ đều có nhiều loại bia đá: bia ghi sự tích các vị thờ, bia nói về các lần trùng tu, bia ghi các người có công lớn, bia ghi họ tên các Tiến sĩ, Võ sĩ (bia văn - bia võ), bia ghi sự lệ cúng tế vào đám của làng. Lại còn các đồ tế tự cổ lâu năm bằng đồng, gốm sứ, gỗ sơn, các loại bát bửu, hạc thờ, chuông, khánh, chiêng, trống… Quý nhất là các sắc phong qua các triều đại. Nhiều làng có ban nhạc bát âm để phục vụ tế lễ, đình đám, hội hè…
- Lễ hội làng được toàn dân tham gia, tổ chức có thể lệ, kịch bản rõ ràng. Ngày nay, do điều kiện sản xuất nông nghiệp có thay đổi, nên lễ hội làng cũng được rút ngắn thời gian so với thời trước. Ngoài phần lễ (tế rước, diễn xướng) còn có các trò chơi, trò diễn dân gian làm cho không khí làng xã tưng bừng, hồ hởi. Ngay cả những làng đã chuyển thành các tổ dân phố - cụm dân cư, có tên đường phố (theo phường), nhưng nhân dân khi tổ chức lễ hội vẫn quen gọi theo tên làng, như: lễ hội làng Tây Tựu, lễ hội làng Sở Thượng…).
- Việc học tập của con em trong làng được gia đình, ngành giáo dục và các đoàn thể chăm lo. Trình độ học thức, trình độ văn hóa các làng ngoại thành Hà Nội, nhất là các làng ven nội và các làng đã lên phường đều được nâng lên.
- Về sản xuất và phân phối, làng ngày nay không còn chế độ tự cung tự cấp như làng xưa. Hộ gia đình vẫn còn quan trọng, nhưng sức sản xuất và phương thức sản xuất đã có nhiều phát triển. Sản xuất nông nghiệp có hợp tác xã cung cấp dịch vụ về giống, phân bón, thuốc trừ sâu, máy nông nghiệp… Các làng xã đang dần chuyển sang sản xuất lớn tạo giá trị hàng hóa cao: dồn điền đổi thửa, lập nên những cánh đồng mẫu lớn, những trang trại nông nghiệp lớn và trang trại chăn nuôi… Riêng các làng nghề, họ thành lập các công ty tư nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã để giúp nhau mua bán nguyên vật liệu, thu hút lao động vào làm việc, thay đổi mẫu mã, chuyển đổi mặt hàng, tìm nguồn tiêu thụ, đăng ký bản quyền sản phẩm… Một số địa bàn có chợ chung chuyển rau quả, chợ cá (chợ cá Yên Sở…); chợ hàng thủ công truyền thống (chợ gốm Bát Tràng, chợ làng Chuông…).
- Một đặc điểm quan trọng ở các làng Việt Nam, nhất là làng cổ ở Hà Nội, là vấn đề tên làng xã từ khi thành lập đến nay đã qua nhiều lần thay đổi.
Trong hệ thống địa danh các làng cổ Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, những làng có từ “Kẻ” được coi xuất hiện rất sớm. Một số làng mang chữ “Kẻ” như: Kẻ Bưởi: xưa là vùng ven Hà Nội, gồm các làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Trung Nha… Các bậc tiền bối kể lại rằng, xưa kia, bưởi vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về rất nhiều, người ta thấy vậy liền vớt lên bán, dần dần theo thói quen gọi vùng này là vùng Bưởi và chợ nằm trong khu vực này cũng gọi là chợ Bưởi. Kẻ Đơ: Kẻ Đơ hay Đơ Thao là tên Nôm của làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) ngày nay. Kẻ Vẽ: Tên Nôm của làng Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) ngày nay. Kẻ Núc: Tên Nôm của làng Canh Nậu (huyện Thạch Thất). Kẻ Đáy: Tên Nôm của làng Hòa Mục, nép mình ven sông Tô Lịch, nay thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Kẻ Noi: Tên Nôm của làng (xã) Cổ Nhuế xưa, nay là phường thuộc quận Bắc Từ Liêm. Kẻ Than: Tên Nôm của làng Ngọc Than (huyện Quốc Oai).
Các làng của Hà Nội do ở trên đất Thủ đô, gần gũi tiếp nhận văn minh đô thị, đô thị hóa, sản xuất nông sản và hàng thủ công được trao đổi tiêu thụ nhanh hơn làng ở các tỉnh. Ảnh hưởng đó tác động rất mạnh trên mọi mặt của đời sống nông thôn, của làng xã. Vẫn làng xưa, nhưng làng có nhiều đổi mới và phát triển, tuy nhiên nhiều làng vẫn giữ gìn được những nét chủ yếu bản sắc văn hóa làng.
Linh Chi (tổng hợp)