Phụ nữ là người thày của con trong gia đình
Gia đình là một trong những thiết chế giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng. Trước hết, gia đình là trường học đầu tiên của con người. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, đứa trẻ đã được cha mẹ và những người thân trong gia đình chăm sóc dạy cho cách làm người. Gia đình chính là nơi rèn luyện cho trẻ những thói quen tốt – mầm mống của những nét nhân cách tốt. Thứ hai, thời thơ ấu sống trong gia đình là thời kỳ quan trọng phát triển tâm hồn trẻ thơ. Tâm lý học hiện đại xác nhận từ sơ sinh đến 5 tuổi, đứa trẻ đã đặt xong nền móng cho tính cách của nó. Thời kỳ này, phần lớn thời gian trẻ gắn bó với bố mẹ. Chính bố mẹ và các thành viên trong gia đình đã giúp trẻ hình thành nhân cách. Thứ ba, tình thương yêu ruột thịt trong gia đình đã nuôi dưỡng tình cảm trong sáng và hành vi đạo đức tốt đẹp của con người. Tình thương yêu ruột thịt có sức cảm hóa mạnh mẽ đến đứa trẻ, khiến trẻ làm theo những điều mà cha mẹ mong muốn.
Gia đình là môi trường hình thành nhân cách của mỗi con người; trong đó, mỗi thành viên đều có vai trò nhất định. Người phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng. Trong gia đình, người mẹ là người thày đầu tiên của mỗi con người, giáo dục, theo dõi sự trưởng thành của con. Người Việt Nam với các quan niệm “cha sinh không tày mẹ dưỡng”, “phúc đức tại Mẫu” đã tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong việc nuôi dạy con cái; dân gian ta thường truyền miệng câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, tuy rất bất công khi quy kết trách nhiệm giáo dục con cho người phụ nữ trong gia đình, nhưng nó cũng phản ánh phần nào vai trò dạy dỗ trẻ em của người phụ nữ trong gia đình. Thực tế cho thấy, ngay từ khi còn trong bụng mẹ đứa trẻ đã chịu sự giáo dục, rèn luyện của người mẹ: Từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đến những thói quen sinh hoạt, những suy nghĩ, niềm vui, nỗi buồn của người mẹ đều ảnh hưởng đến đứa con. Khi con cất tiếng khóc chào đời, người mẹ là người đầu tiên dạy con biết lắng nghe, biết biểu lộ cảm xúc khi giao tiếp với mẹ theo kiểu con người. Lớn hơn một chút, mẹ dạy con cách đứng và chập chững bước đi, dạy con cách cầm thìa và sử dụng các đồ vật, các công cụ theo kiểu người. Khi con lớn hơn nữa, mẹ là người dạy cho con các hành vi đạo đức, các cách ứng xử theo các chuẩn mực của xã hội:
Mẹ là người thầy giáo ban đầu,
Con như trang giấy trắng phau bên đèn.
Mẹ là tấm gương phản chiếu cho con, người mẹ đức độ vị tha thường có con sẽ ngoan ngoãn, lễ phép. Người mẹ luôn gần gũi con, hiểu rõ con để dạy bảo, uốn nắn những sai lầm của con. Những phẩm chất quý báu của người mẹ như: tần tảo, dịu hiền, bao dung, thương yêu con hết mực có sức thuyết phục, cảm hóa lớn đối với đứa con. Sự hy sinh vô bờ bến, tấm lòng bao dung, độ lượng, tính nhẫn nại, thái độ hòa nhã với mọi người... là tấm gương sáng cho con noi theo.
Người mẹ có vai trò to lớn trong việc nuôi dạy con trở thành những người tốt. Không chỉ kèm cặp con về kiến thức, người mẹ còn là người bạn lớn của con; chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giúp con giải quyết những khúc mắc từ đáy lòng, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Có thể nói họ đều là chỗ dựa về tâm lý và tinh thần của con. Con cái thường tìm đến mẹ để giãi bày, thổ lộ, và họ đều biết lắng nghe con tâm sự, tìm hiểu ngọn nguồn để đưa ra những lời khuyên nhủ ân tình, thấu đáo, giúp con tháo gỡ vấn đề.
Trong gia đình, người phụ nữ không chỉ là người thày của con mình mà còn là người thày của các thành viên khác, trong đó có cả người chồng. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Trai khôn dạy vợ, gái ngoan bảo chồng”. Trong mọi thời kỳ của lịch sử Việt Nam, luôn có những người phụ nữ thông minh, tài giỏi, có nhiều mưu lược đã giúp chồng tề gia, trị quốc và cũng không ít người đàn ông là “công tử bột” hay “cậu ấm nhà giàu” chỉ biết ham chơi, sống sa hoa, không nghĩ đến công danh, sự nghiệp… nhờ sự kiên trì thuyết phục, khuyên răn cùng với tình yêu thương và lòng bao dung, độ lượng của người vợ đã từ bỏ được các thói hư, tật xấu, từ bỏ các tệ nạn xã hội, thay đổi lối sống… trở về làm ăn lương thiện.
Để làm tốt vai trò người thày đầu tiên của con trong gia đình, người phụ nữ hôm nay vẫn luôn cần hội tụ đủ tứ đức công - dung - ngôn - hạnh, biết chủ động cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ để bắt kịp với sự phát triển của xã hội. Bởi người phụ nữ bên cạnh người chồng của mình, họ là những người lái đò chèo lái con thuyền đưa mỗi con người đến bến bờ của tri thức, của tình người, không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cách sống sao cho phải đạo. Họ cũng chính là người luôn dang rộng vòng tay, bao dung cho mọi lỗi lầm, nâng đỡ khi vấp ngã, mẹ xứng đáng được gọi là 'thày', người thày đầu tiên của mỗi chúng ta.
Khôi Nguyên tổng hợp