Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 13/03/2017 03:39
Phụ nữ và vai trò người chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình

 Chăm sóc sức khỏe, lao động nội trợ, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tái sản xuất sức lao động – là những hoạt động nhằm bảo đảm cho những người người già, trẻ em, người đau ốm và tất cả các thành viên trong gia đình có được sức khỏe tốt. Thiếu sự chăm sóc và nuôi dưỡng, trẻ em sẽ không thể phát triển được các năng lực. Người cao tuổi sẽ không sống lâu, sống khỏe mạnh. Thiếu sự chăm sóc, bao hàm cả chăm sóc về thể chất lẫn tinh thần,  người lớn sẽ không đủ sức khỏe để học tập và lao động tốt. Nhiều nhà nghiên cứu và quản lý xã hội đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của chức năng tái sản xuất sức lao động, coi đây là một yếu tố rất thiết yếu đối với sự phát triển bền vững.

 

Như vậy, phụ nữ ngoài trách nhiệm xây dựng gia đình phát triển về mặt kinh tế, đảm bảo cuộc sống hàng ngày, họ còn có vai trò và trách nhiệm đặc biệt trong đảm bảo sự bền vững của gia đình. Kết quả từ nghiên cứu này cũng cho thấy, người vợ vẫn là người đảm nhiệm chính hầu hết các công việc nội trợ: đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, lau dọn nhà. Với những gia đình có con nhỏ thì người vợ cũng là người đảm nhiệm nhiều hơn chồng các công việc liên quan đến trẻ. Thậm chí việc đưa đón con đi học, không đòi hỏi kiến thức hay kỹ năng gì cũng chỉ có rất ít người chồng chia sẻ. Riêng hoạt động chăm sóc người già, người ốm thì tỷ lệ vợ làm chính tương đương với tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng thực hiện bởi hoạt động này không chỉ đơn thuần là trách nhiệm, mà hơn thế, nó là biểu hiện của sự hiếu thảo của con cháu với đấng sinh thành.

         

Với việc gánh vác chính hầu hết các việc nội trợ, phụ nữ phải dành cho các công việc gia đình trung bình mỗi ngày 4,2 giờ, nhiều hơn chồng 2,2 giờ/ngày. Thêm vào đó, người phụ nữ thường phải “vận trù” để có thể cùng một lúc làm được nhiều việc như vừa đi chợ, nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, vừa trông con, kèm con học hoặc chăm sóc người già, người ốm… khiến họ luôn luôn thiếu thời gian và mệt mỏi.

         

Mặc dù thời gian tham gia lao động sản xuất, tỉ lệ đóng góp cho thu nhập gia đình, được coi là bằng chứng chứng tỏ vai trò ngày càng lớn của phụ nữ trong việc thực hiện chức năng kinh tế của gia đình, thì việc phụ nữ đóng vai trò chính trong lao động gia đình vẫn được coi là biểu hiện rõ rệt nhất của bất bình đẳng giới trong gia đình. Bởi tổng thời gian lao động trong ngày của phụ nữ bao gồm cả lao động sản xuất và lao động không được trả công cho việc nhà cao gần gấp đôi nam giới. Tính riêng thời gian làm việc nhà, nếu 50,4% người vợ cho biết họ làm từ trên 2 tiếng đến 4 tiếng một ngày thì tỷ lệ này ở người chồng là 28,2%. Thực tế cho thấy, sự chia sẻ của nam giới trong thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe, tái sản xuất sức lao động vẫn rất mờ nhạt. Mặc dù ai cũng biết công việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên và giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ và thể hiện sự chăm sóc lẫn nhau của các thành  viên - điều đặc biệt quan trọng trong đời sống gia đình. 

         

Thời gian lao động sản xuất và làm việc nhà một cách quá tải của phụ nữ dẫn đến tình trạng khá phổ biến là thời gian nghỉ ngơi của phụ nữ luôn hạn chế hơn nam giới. Trên thực tế và qua nghiên cứu cho thấy ở tất cả các nhóm có thời gian nghỉ ngơi từ 2 tiếng trở lên một ngày, tỉ lệ nam giới đều cao hơn nhiều so với phụ nữ, và ngược lại ở các nhóm có thời gian nghỉ dưới 2 tiếng một ngày, tỉ lệ phụ nữ cao hơn hẳn nam giới.

         

Cách phụ nữ sử dụng thời gian rảnh rỗi cũng thể hiện vai trò của họ trong gia đình. Mặc dù trong điều kiện kinh tế hiện nay tỷ lệ các hộ gia đình có ti vi -  phương tiện truyền thông phổ biến và hiệu quả nhất để phụ nữ cập nhật thông tin chiếm đến  90% và phụ nữ cũng sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình nhiều nhất vào việc xem ti vi, nghe đài, có điều họ thường kết hợp làm việc nhà trong khi xem ti vi. Ngoài ra, theo quan niệm của phần đông phụ nữ Việt Nam, khi có thời gian rỗi là họ tranh thủ dọn dẹp, bài trí nhà cửa; đi thăm hỏi người thân, họ hàng, dành cho con cái hoặc cải thiện bữa cơm gia đình... Điều này cho thấy, phụ nữ không có thời gian thực sự rảnh rỗi. Với nhiều người, rỗi rãi là được thư giãn, xem tivi, truyền hình, nghe nhạc, vui chơi giải trí, du lịch, thể thao thì với đa phần phụ nữ Việt Nam, rỗi rãi chính là có thời gian thực hiện các công việc chăm lo cho cuộc sống gia đình.

           

Rõ ràng là, với vị trí và vai trò là người vợ, người mẹ, là con dâu trong gia đình người phụ nữ đã dành nhiều thời gian, tâm sức, tình cảm của mình cho các thành viên trong gia đình từ bữa ăn đến giấc ngủ, đặc biệt là khi trong nhà có người bị bệnh thì phụ nữ Việt Nam là người tham gia đảm trách chính trong việc chăm sóc người bệnh. Cũng bởi phụ nữ chống nửa trời nên họ đảm đang, tần tảo một nắng hai sương để lo cho gia đình, cho chồng, cho con có được những bữa cơm ngon đảm bảo dinh dưỡng, nhà sạch mát để có sức khoẻ tốt. Đối với người đàn ông, bên cạnh những đứa con sạch sẽ, ngoan ngoãn, họ cũng cần có những bữa cơm ngon, cần thấy nhà cửa ngăn nắp, gọn sạch và nhất là người vợ dịu dàng, ân cần chăm sóc cho cha mẹ chồng cũng như xử sự tế nhị với gia đình bên chồng sẽ làm cho tan biến đi những lo toan, vất vả. Tóm lại, tất cả những công việc trên phụ thuộc vào tính cách của người phụ nữ. Để điều hòa được các mối quan hệ gia đình, nó đòi hỏi những đức tính đảm đang, dịu dàng, biết thông cảm, chịu khó và sự tinh tế ở người phụ nữ.

 

Như Hà tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)