Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 24/04/2017 04:26
Tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

 Thờ Mẫu là một tín ngưỡng phổ biến của người Việt bắt nguồn từ việc thờ Mẹ Đất vốn đã có trong thời tiền sử. Đặc biệt là với chế độ mẫu hệ người mẹ càng có vị trí quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội nước ta.

 

 

Thờ Mẫu thể hiện sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn thờ những vị thần gắn với các hiện tượng tự nhiên có chức năng sáng tạo, che chở bảo vệ cho sự sống của con người. Các Mẫu được thờ gồm những người tài giỏi, có công với nước, với dân khi mất hiển linh, phù hộ cho người an, vật thịnh được tôn vinh là Thánh Mẫu như Thánh mẫu Liễu Hạnh, Linh Sơn Thánh Mẫu, là Quốc Mẫu (Âu Cơ), là các nữ anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, các vị biểu tượng của đức hạnh, có công dạy nghề như bà tổ dâu tằm Nguyệt Nga…

 

Ở nước ta, do ảnh hưởng của Đạo giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển thành tín ngưỡng thờ Tam Phủ, Tứ Phủ. Người ta cho rằng, trên cơ sở tín ngưỡng thờ Tam Phủ, Tứ Phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào thế kỷ XVI, một tôn giáo bản địa sơ khai đã hình thành - đó chính là đạo Mẫu. Trong các Mẫu, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được coi là vị Thần Mẫu cao nhất. Trong tâm thức dân gian, bà là mẫu người rất gần với đời sống thực. Bà là đại diện cho người phụ nữ hiểu biết, từng trải, vững vàng trước cuộc sống phong phú và phức tạp ở trần gian, là người tưởng như bình thường mà rất phi thường. Hình ảnh bà hư hư thực thực, tiên đấy mà lại người đấy, vừa xa, vừa gần đã làm cho lòng người ngưỡng vọng. Bà đã được triều đình phong kiến tôn vinh là bậc “mẫu nghi thiên hạ”. Rất nhiều nơi có điện thờ Bà như Phủ Dầy (Nam Định), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), Phố Cát, Đền Sòng (Thanh Hóa). Trong đời sống tâm linh người Việt, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được người dân tôn thờ, coi đó là một trong “tứ bất tử” gồm Thánh Gióng, Thánh Tản Viên, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

 

Trong các điện thờ Mẫu tại các đền, chùa, miếu thường có ba tầng: Trên không, trên bệ thờ và tầng trệt. Ở trên không có đôi mãng xã quấn trên xà ngang phía trên bàn thờ tượng trưng cho quan lớn Tuần Tranh. Trên bệ thờ là nơi ngồi của các Thánh Mẫu các chư Thánh. Dưới tầng trệt là tượng hoặc tranh ông Năm Dinh hay thánh Ngũ Hổ tướng quân. Phía trước tượng hoặc tranh đặt một bình hương. Ngoài ra trước các ban thờ Mẫu bao giờ cũng treo các đồ vàng mã và không thể các thứ như nón, hài, thuyền rồng, đèn lồng đủ màu. Lý do là các Mẫu và chư Thánh đều có gốc gác từ chốn núi cao, rừng sâu, nơi sông nước xa xôi như Mẫu Thượng Ngàn tức Bà mẹ núi rừng cai quản khắp núi rừng của đất Nam Giao xưa. Bà là người rất thương yêu dân chúng. Những người thường phải vượt núi cao, rừng sâu, suối khe thường được nàng giúp đỡ, che chở. Nàng còn hai lần linh hiển âm phù cho tướng nhà Lý đánh thắng giặc Tống và tướng nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Vì vậy nhân dân không chỉ gọi bà là Công chúa, là Thần mà còn là Mẹ, là Mẫu Thượng Ngàn. Hay như truyền thuyết về Mẫu Thoải theo Đại Việt sử ký toàn thư là các con gái của Lạc Long Quân và Âu Cơ  (Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra 100 trứng nở ra 100 con, là thủy tổ người Việt) được giao cho việc cai quản sông biển nước Nam: trông coi sông biển, làm mưa, chống lụt, ngoài ra các bà cũng có công âm phù đánh giặc bảo vệ quê hương. Dân gian tôn kính các bà, coi là Thánh Mẫu.

 

Tại các nơi thờ Tứ Phủ, cấu trúc thờ tự thông thường có các phần như: Hậu cung, ban thờ Ngọc Hoàng và Thái Tử, Động Sơn Trang và Đức Thánh Trần, ban thờ Thành hoàng, Thổ Địa. Hâu cung là nơi tôn nghiêm nhất đặt ban thờ Mẫu, thường là Tam tòa Thánh Mẫu. Trong nghi thức thờ Mẫu, có hầu đồng. Khi hầu đồng người ta không thỉnh Ngọc Hoàng mà chỉ thỉnh ba vị Thánh Mẫu trở xuống gồm: Tam tòa Thánh Mẫu; Chư vị Trần triều là Trần Hưng Đạo và hai con gái của Ngài; Tam vị Chúa Mường là người giữ sổ Tam tòa, người có tài xem bói và người bốc thuốc; Ngũ vị Tôn Ông là các vị hoàng tử danh tiếng; Tứ phủ Chầu Bà là mười hai vị nhân tài có công với dân với nước; Tứ phủ Ông Hoàng là sáu ông hoàng tử, danh tướng có tài; Tứ phủ Tiên Cô là các nàng tiên theo hầu Thánh Mẫu, Chúa Mường, Chầu Bà; Tứ phủ Thánh Cậu là các vị chết trẻ, tinh nghịch thường phù hộ cho những người làm ăn buôn bán, học hành muốn phát tài, đỗ đạt.

 

 

Người ta cho rằng, việc thực hành lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫuvới những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa thiêng được kết hợp một cách nghệ thuật có thể coi như một bảo tàng sống lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa người Việt. Việc UNESCO ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

 

Trần Duy tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)