Giấy - Nguyên vật liệu không thể thiếu của ngành công nghiệp xuất bản và in
Trước khi phát minh ra giấy, con người đã ghi chép bằng hình vẽ trong hang động hoặc khắc lên bia đất sét, và sau đó da đã đựơc sử dụng. Vào năm 105, giấy đựợc phát minh và dùng rộng rãi sau đó ở Trung Quốc. Mãi tới thế kỷ thứ 12, giấy mới phổ biến tại châu Âu. Sự phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, và nghề in, chính là Tứ đại phát minh danh tiếng của ngừơi Hoa.
Theo Wikipedia, Người phát minh ra nghề làm giấy là hoạn quan Thái Luân. Ông đã dùng ruột thân cây dâu tằm và xơ tre giã nát ra, rồi trộn với nước. Hỗn hợp đó đựơc đổ lên một tấm vải căng phẳng và trải mỏng, để ráo nước rồi phơi khô. Sau này ngừơi ta dùng thêm nhiều loại cây khác, sợi gai, vải rách… để chế tạo ra giấy. Thực ra trước Thái Luân, đã có nghề làm giấy ở Trung Quốc, có thể là từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Cho nên Thái Luân chỉ được coi là người có công cải tiến kỹ thuật làm giấy ở Trung Quốc. Còn trước đó, cách nay khoảng 5.000 năm, người Ai cập cổ đại đã biết làm ra giấy từ cây Papyrus.
Vùng Puli thuộc Đài Trung vốn nổi tiếng là nơi có nguồn nước trong nhất Đài Loan, một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất trong nghề làm giấy, vì thế nghề làm giấy đã rất phát triển ở nơi đây qua nhiều thế kỷ. Chúng ta cùng ghé thăm một trong hàng chục các xưởng làm giấy truyền thống tại làng nghề Tieshan - Đài Loan. Có tận mắt chứng kiến qui trình làm giấy thủ công tại đây mới thấy hết đựợc sự kỳ công để có được những tấm giấy mỏng manh, hoàn toàn là sản phẩm của thiên nhiên.
Thành phần chính của giấy là các sợi cellulose. Theo lời người hướng dẫn, ngày nay người ta dùng rất nhiều loại thực vật khác nhau ( và cả da và phân động vật, phế liệu) để lấy sợi cellulose chứ không chỉ là tre, trúc ( làm giấy trúc chỉ, xuyến chi) hay sậy và cỏ voi nữa. Nhưng tại đây, nguyên liệu chính để sản xuất giấy vẫn là thực vật.Trước tiên tinh bột, nhựa cây và các thành phần khác của cây được tách ra khỏi cellulose. Sau khi tách ra, cellulose được pha loãng trong nước và giã thành sợi. Khi chế thứ bột loãng này (95% là nước) lên một cái rây, phần lớn nước thoát đi. Lắc đều rây nhiều lần, các sợi sẽ nằm chồng lên nhau và tạo thành một tấm giấy. Nếu trên lưới rây có làm một hình mẫu, sợi sẽ nằm chồng ở các chỗ đó ít hơn và khi soi tấm giấy trước ánh sáng có thể nhận thấy được hình chìm trên giấy. Kế tiếp đó những tấm giấy đựơc hong và sấy khô. Ngừơi ta cũng dùng nhiều màu tự nhiên từ cây cỏ để nhuộm màu cho giấy. Trong quá trình rây bột, lớp bột càng mịn thì chất lựơng giấy càng cao. Lựơng bột dư, ngừơi ta dùng làm loại giấy thô hơn hoặc phân bón cho cây hoặc để ủ các loại hạt giống.
Người Hoa ( cũng như người Nhật, Hàn quốc và một số quốc gia Đông Nam Á) thường sản xuất nhiều loại giấy có các hoạ tiết bên trong là các vật liệu tự nhiên. Tuy nhiên nguyên liệu sử dụng thì lại khác nhau. Thật là thích thú khi được biết thêm về những nguyên liệu lạ mà người Đài Loan sử dụng tại đây: phân voi, vỏ hành tây, bẹ thân chuối, bẹ hoa chuối, thân sậy và xơ mía. Nhờ sự trộn lẫn của những sợi này mà các loại giấy trơn bỗng trở nên đẹp hơn rất nhiều. Nhiều hoạ sĩ còn đi xa hơn với chất liệu giấy trúc chỉ và can thiệp vào quá trình hình thành của giấy để tạo hình trên chất liệu phong phú này. Những tác phẩm này khi được kết hợp với ánh sáng tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cũng như mang tính ứng dụng rất cao.
Những loại giấy sản xuất kiểu thủ công này, ngày nay chủ yếu là để phục vụ cho giới hoạ sĩ, nhưng cũng còn là nguyên liệu để "chế biến" ra vô số các sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày như đèn, các loại đồ decor, souvernir, lót bàn ăn, lót ly, khay, quần áo, túi xách, đồng hồ..., bên cạnh những sản phẩm giấy truyền thống như thiệp, sổ, sách, tập viết ... Ở làng nghề làm giấy thủ công Tieshan này có một showroom nhỏ bán những sản phẩm kể trên. Trong các xưởng làm giấy tại đây còn có hai khu vực rộng lớn là nơi du khách có thể tự tay làm giấy và in mộc bản. Rất nhiều gia đình tới đây cùng các em bé và ai ai cũng được hướng dẫn thăm quan và nghe thuyết minh rất tận tình.
Được tận mắt thăm quan làng nghề truyền thống Tieshan ở Đài Loan chúng ta càng khâm phục và hiểu rõ thêm về cách thức mà con người tạo nên những sản phẩm từ giấy. Đúng là để tạo nên những tác phẩm của ngành công nghiệp xuất bản và in thì một nguyên vật liệu cơ bản không thể thiếu chính là giấy.
Linh Trần