Nhìn lại chặng đường sau 10 năm, ta sẽ bắt gặp một Hà Nội văn minh, giàu đẹp, năng động, trẻ trung qua hình ảnh những tòa nhà cao tầng rực rỡ đèn màu, các khu đô thị mới hiện đại ngang tầm khu vực. Về giao thông, trong 10 năm qua Hà Nội đã có thêm 223km đường xây mới, hoàn thành nhiều công trình ghi dấu ấn 1.000 năm Thăng Long; 09 cầu vượt nhẹ trực thông tại các điểm giao thông phức tạp, xây dựng mới 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới, 68 hầm chui phục vụ dân sinh. Đồng thời Hà Nội xây dựng hàng loạt tuyến đường giao thông quan trọng liên thông nội đô, kết nối với các tỉnh thành cả nước như đường vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên… các cầu vượt sông như cầu Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Đông Trù, Thanh Trì… Cùng với đó, Hà Nội tăng cường đáng kể việc đầu tư kết cấu hạ tầng khu vực ngoại thành; các vùng huyện, thị tỉnh Hà Tây (cũ) như trục đường 32 nối liền vùng lõi Hà Nội với miền đất di sản Sơn Tây; đại lộ Thăng Long kết nối đô thị hạt nhân với tổ hợp khu đô thị vệ tinh Hoà Lạc - trung tâm khoa học, công nghệ cao để chuẩn bị lực lượng đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình).
Diện mạo mới của Hà Nội không chỉ ở cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ, hiện đại mà còn vì nơi đây tập trung nguồn lực lao động chất lượng cao nhất của cả nước, các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề và các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu, cùng với nhiều chính sách và cơ chế đặc thù về kinh tế, tài chính... Đó là những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của Hà Nội. Kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng ổn định ở mức cao, không gian kinh tế được mở rộng: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,41%/năm, trong đó, dịch vụ tăng 7,52%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 8,17%, nông nghiệp tăng 2,68%. Quy mô (GRDP) năm 2017 (theo giá cố định 2010) đạt 519.568 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so năm 2008; Thu nhập bình quân đầu người theo đó tăng lên, năm 2017 đạt 86 triệu đồng (3.910 USD/người), gấp 2,3 lần so với năm 2008 (1.697 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp), trong đó, tại thời điểm 31/12/2017, dịch vụ chiếm 57,6%; công nghiệp, xây dựng 29,7%, nông nghiệp 2,9%, thuế sản phẩm 9,8% (cơ cấu kinh tế năm 2008 tương ứng là 56,6% - 28,7% - 4,3% - 10,4%). Chỉ số Năng lực cạnh tranh năm 2017 đứng ở vị trí 13/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Cải cách hành chính năm 2017 đứng vị trí 2/63 tỉnh, thành phố. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên (năm 2017, tổng vốn đầu tư xã hội đạt hơn 308 ngàn tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với thời điểm 10 năm trước đó). Hiện Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI, một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ cao, như du lịch, tài chính, ngân hàng,... phát triển mạnh. Theo đánh giá của tổ chức kinh tế tài chính quốc tế JLL, Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới. Từ những con số tăng trưởng, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt, an ninh quốc phòng được đảm bảo, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu, là động lực phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế cả nước.
Song song với đầu tư phát triển đô thị hiện đại, tính đến giữa năm 2018, Thành phố đã thực hiện cơ bản chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh, cơ giới hóa mạnh mẽ công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến hết năm 2017, đã có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) và 294/386 xã (đạt 76,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Về y tế đã có 100% số xã có trạm y tế, có bác sĩ và nhiều trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng lên, năm 2017 trên 38 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2008.
Công tác văn hóa - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc phát huy các giá trị của văn hóa xứ Đoài góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. An sinh xã hội được đảm bảo; đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,69% theo chuẩn mới.
Những kết quả và thành tựu Hà Nội đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII là minh chứng của một quyết sách đúng đắn mang tầm chiến lược, có ý nghĩa lịch sử của Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ, tạo tiền đề, xây đắp niềm tin, quyết tâm hành động của các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về một Thành phố - Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.
Đàm Ly