Có một mùa thu Hà Nội ngọt ngào như thế trong âm nhạc
Âm nhạc nói thay tiếng lòng của người nghệ sĩ, của người mộ điệu. Có lẽ vì thế mà mùa thu Hà Nội được ưu ái hơn cả khi trở thành cảm hứng bất tận cho những người viết nhạc. Chính không khí lãng đãng, mơ hồ của mùa thu khiến cho cảm xúc của người nghệ sĩ cứ bất chợt xuất hiện, rồi từ đó những nhạc phẩm nổi tiếng ra đời. Có hàng trăm ca khúc viết về thu Hà Nội với đủ màu sắc, đủ cung bậc cảm xúc. Từ hân hoan, an yên tới dịu dàng tới buồn tận, da diết không nguôi. Tiết trời Hà Nội của mùa thu cứ thế đi vào âm nhạc như một điều tất lẽ.
Có một mùa thu ngọt ngào như thế. Ảnh: Vũ Khanh
Nhắc đến những ca khúc nổi tiếng về thu Hà Thành không thể không nhắc tới “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nghệ sĩ Trịnh Công Sơn. Ông từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm này: “Năm 1985, tôi cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn hóa Liên Xô mời sang thăm. Khi trở về, tôi ở lại Hà Nội một tháng. Mỗi sáng, tôi và Thái Bá Vân (nhà phê bình mỹ thuật) đi loanh quanh Hà Nội gặp bạn bè. Chiều nào cả hai cũng lên Hồ Tây, nằm bên hồ với chai Ararat, uống lai rai và nhìn bầy sâm cầm đáp xuống - bay lên”.
Quả đúng như vậy, có lẽ những thức thu, những vị thu được người nhạc sĩ gói gọn trong ca khúc với “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, với “mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió. Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ”, để rồi tất cả cùng hòa vào với bản hòa tấu của vạn vật trong không gian thu:
“Hồ Tây chiều thu
Mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi
Màu sương thương nhớ
Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”
Chính sự tinh tế tuyệt vời của ca khúc đã đem lại thành công cho nữ ca sĩ Hồng Nhung, người đầu tiên thu âm ca khúc này. Bài hát được thu khi cô còn rất trẻ và Hà Nội trong “video” nhạc cũng chân phương hơn bây giờ. Những con đường trải dài lá vàng, những bờ tường rêu phong màu thời gian, những ban công thời Pháp thuộc là một phần ký ức Hà Nội mà bất cứ ai cũng khao khát tìm về.
Một ca khúc thu Hà Nội nữa được người mộ điệu đặc biệt ưu ái là “Có phải em là mùa thu Hà Nội” của tác giả Trần Quang Lộc và Tô Như Châu. Bài này được nhà thơ Tô Như Châu sáng tác vào tháng Tám năm 1970 và được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc vào năm 1972. Đến đầu những năm 90, bài này bắt đầu trở nên phổ biến qua giọng hát của Hồng Nhung, Thu Phương. Bài hát mở đầu với những ca từ ngọt ngào, sâu lắng:
“Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ?
Từ độ nguời đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa.”
Khi sáng tác ra bài thơ và ca khúc bất hủ này, cả nhà thơ và nhạc sỹ đều chưa từng có dịp đặt chân tới Hà Nội. Nhà thơ Tô Như Châu sinh sống và làm thơ ở một xóm nhỏ cạnh bến đò An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng còn nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1945 tại Quảng Trị, có thời gian học tại Đà Nẵng. Vậy, điều gì đã khiến hai người nhà thơ và nhạc sĩ này viết lên một giai điệu hào sảng như vậy về thu Hà Nội?
Nguyên tác bài thơ mang âm hưởng hùng ca, được viết vào tháng Tám năm 1970, lúc Đà Nẵng còn đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Có lẽ lúc đó nhà thơ đã gặp một người con gái Hà Nội. Và người con gái Hà Nội này có điều gì đó khiến nhà thơ cảm được một hào khí cha ông, một tinh thần anh dũng, hào kiệt từ ngàn xưa đã quay trở về. Chẳng thế mà bài hát có câu “Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát”. Đây cũng là câu hát được nhiều người đưa ra lý giải khi nói về ca khúc này.
Mùa thu Hà Nội từ tinh tế, sâu lắng, đến hào hùng, bi tráng đều được các nhạc sĩ khai thác trong âm nhạc. Không chỉ vậy, mùa thu mang mác buồn còn gợi tới những nỗi buồn, của sự chia tay, của những mối tình dang dở. Những “Thu vàng”, “Thu quyến rũ”, “Mùa thu trong mưa”, “Nhìn những mùa thu đi”… với “Thu nay vì đâu tiếc nhiều. Thu nay vì đâu nhớ nhiều. Đêm đêm nhìn cây trút lá, lòng thấy rộn ràng, ngỡ bóng ai về.”, với “Em nghe sầu lên trong nắng, và lá rụng ngoài song. Nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng” cứ làm xốn xang, khắc khoải lòng người.
Có lẽ mùa thu là mùa của những giai điệu lắng sâu. Ngay cả những sác tác của các nhạc sĩ trẻ cũng dường như “lặng” hơn khi viết về mùa thu Hà Nội. Ta đã từng được thưởng thức một “Không còn mùa thu” của nhạc sỹ trẻ Việt Anh trong thập niên 90 của thế kỷ trước với hình ảnh không thể đẹp hơn: “Anh là mùa thu cho em mơ màng, anh là lời ru quấn quýt bên nàng…”, rồi lại nặng lòng, thiết tha khi nghe những câu hát “Mùa thu sang hàng cây xao xác. Lá rơi đầy đã qua ngày xanh. Ngược thời gian ngược về quá khứ. Có trái tim đã hóa vụn vỡ” trong sáng tác gần đây nhất “Chỉ còn những mùa nhớ” của nhạc sĩ trẻ Minh Min.
Có thể nói rằng, những ca khúc về mùa thu Hà Nội, dù là nhạc trẻ hay nhạc bolero đều dễ yêu, dễ lay thức lòng người nghe nhạc ở mọi lứa tuổi. Mùa thu đã mang đến nguồn thi liệu cho âm nhạc và âm nhạc đã giữ lại cho mùa thu những hình ảnh thơ nhất, tình nhất, đẹp đẽ nhất để từ đó chạm khắc vào lòng người nghe những cảm xúc sâu lắng nhất.
Vũ Khanh