Quận Tây Hồ - vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của thủ đô Hà Nội
Quận nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội, có địa hình tương đối bằng phẳng, có chiều hướng thấp dần từ bắc xuống nam. Quận, là một cảnh quan thiên nhiên đẹp của Hà Nội và cả nước, phía bắc và phía đông là sông Hồng chảy từ phía bắc xuống phía nam. Khu vực xung quanh Hồ Tây có nhiều làng xóm tồn tại từ lâu đời với nhiều nghề thủ công truyền thống. Với các công trình di tích lịch sử có giá trị, tập trung xung quanh Hồ Tây, tạo cho Tây Hồ trở thành một danh thắng nổi bật nhất của Thủ đô.
Tây Hồ ngày nay với diện tích khoảng 24km2 có hồ Tây rộng 525,30ha, chu vi 18,6km bao gồm các phường Yên Phụ, Tứ liên, Quảng An, Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La, Thuỵ Khuê và Bưởi. Toàn Quận có trên 60 di tích với nhiều loại hình phong phú: 18 chùa, 18 đình, đền miếu nhà thờ họ và di tích cách mạng. trong số đó có trên 30 di tích đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá và di tích cách mạng.
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ”
Câu ca xưa như một bức hoạ, một bản nhạc đưa người ta vào khoảng không gian bao la vừa xanh tươi, vừa nhộn nhịp, vừa huyền ảo, vừa uy nghiêm của Tây Hồ.
Hồ trong sáng như gương, sóng vỗ dạt dào, tưởng nơi đây là Thuỷ Quốc nên thời Bắc thuộc gọi là hồ Lãng Bạc. Hồ mịt mù khói toả nên thời Lý - Trần gọi là hồ Dâm Đàm. Hồ cong cong như vầng trăng khuyết nên gọi là hồ Nga My. Hồ ở phía tây kinh thành Thăng Long, phong cảnh mỹ lệ nên từ thời Lê đến nay gọi là hồ Tây.
Hồ Tây có từ bao giờ thì cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định. Phần lớn, người ta cho đây là một phần của sông Nhĩ Hà sau khi đổi dòng chảy. Còn các chuyện huyền thoại xung quanh việc diệt trừ cáo chín đuôi ở rừng gỗ lim ấp Long Đỗ thời Hùng vương thì giải thích sự hình thành hồ Tây như một cuộc vận động kiến tạo rất xa xưa.
Dù được hình thành như thế nào thì hồ Tây cũng là một tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho người Long Đỗ, người Đại La, người Thăng Long – Hà Nội. Dưới con mắt của các nhà địa lý học thì hồ Tây là “Động thiên phúc địa”. Thế đất hồ Tây là thế “Long phượng trình tưởng”, “Phượng hoàng ẩm thuỷ”. Trên thì thuận canh tác tàm tang, dưới thì tiện giao thông, chài cá. Cứ theo truyền thuyết và các di tích còn lại ven hồ thì từ thời Hồng Bàng người ta đã biết khai phá vùng này.
Tây Hồ chí chép: “Đền Uy Linh Vương trên bãi Rùa thuộc ấp Tây Hồ. Vương cũng là con vua Diệu Đế do Lạc Phi đẻ ra không thuộc số trăm con trai lên núi xuống bể, không bao lâu Vương hoá thành bảy con rồng bay lên trời. Nhà vua nghe tin bèn ban sắc phong vương tước gia phong mỹ tự và cho lập đền thờ. Đến nay là đền tối cổ. Sau đến đền Yên Phụ, thứ đến đền Quảng Bá đều thờ một vị”.
Các triều Hùng, Thục đều lưu dấu tích xung quanh hồ. Đền Cao Sơn Đại Vương ở Thạch Khối và An Ninh. Cố trạch của thượng sĩ Lý Tiến làng Long Đỗ, Đền Sóc Thiên Vương, ấp Minh Tảo, đền Bạch Ngọc Phu Nhân, thôn An Ninh… là những minh chứng.
Ngay thời đó, người ta đã vạch địa lý của Đạp Hối (hồ Tây): “Theo Hùng triều kỷ, thời cổ (hồ) thuộc làng Long Đỗ, động Lâm Ấp, là bến Lâm Ấp, phía tây bến đến động Già A (Nay là Quán La)… phía đông là động Bình Sa. Họ Lý đời dân Bắc động đến ở đó là giáp Cơ Xá, phía bắc giáp sông. Từ họ Thục, họ Triệu về sau hồ mang tên là Đạp Hối”.
Trên cơ sở này, qua thời Bắc thuộc đến thời Đinh – Lê, vùng Lâm Ấp – Lãng Bạc (hồ Tây) tiếp tục phát triển. Chùa Trấn Quốc, chùa Thiên Niên, đền Thọ Phúc Lộc được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544-548). Quán Khai Nguyên nay là chùa Khai Nguyên, ấp Già La (nay là phường Xuân La) được xây dựng vào những năm Khai Nguyên Đường Minh Hoàng (713-741). Tiếp theo là chùa Bát Tháp làng Trích Sài, chùa An Trì bãi An Hoa, huyện Quảng Đức… cũng được xây dựng.
Đặc biệt từ khi nhà Lý định đô ở Đại La thì khu Dâm Đàm trở thành trung tâm của sự phát triển đô thị hoá. Hàng loạt cung quán, đền đài, chùa tháp được xây dựng xung quanh hồ, Đến các triều Trần – Lê, nơi đây càng trở nên nổi tiếng như nghề dệt ở làng An Thái và ấp Tây Hồ, nghề làm giấy dó ở An Thái và Bưởi, nghề xây dựng ở Yên Phụ, nghề nuôi tằm ở Nhật Chiêu, nghề đúc đồng ở Ngũ Xã, nghề trồng hoa ở Tây Hồ, Nhật Chiêu, Yên Phụ…
Đặc biệt khu buôn bán, đánh cá ở Nhật Chiêu đã được mô tả: “Phường Nhật Chiêu ở bờ Nam sông Nhĩ Hà, xưa có bảy cây gạo nay chỉ còn một. Phía dưới giáp phường Thạch Khối, dưới sông kè đá gọi là mỏ đá. Bến sông có nhiều thương thuyền nước ngoài đến buôn bán, lại có nhiều dân địa phương làm nghề đánh cá”.
Tây Hồ là một vùng địa linh nhân kiệt. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú góp công xây dựng và bảo vệ đất nước. Những người đó chính là Thượng sĩ Lý Tiến - người đã giúp vua Hùng đánh quân Thục, Bạch Ngọc thần Hoàng Uyển Dung giúp vua Hùng diệt trừ cáo chín đuôi, Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt) – người giúp vua Lý phạt Tống bình Chiêm…
Theo định hướng phát triển của thủ đô Hà Nội đến năm 2020, toàn bộ quận Tây Hồ thuộc khu vực phát triển của Thành phố trung tâm, có điều kiện đặc biệt thuận lợi thu hút các nguồn lực vốn tài chính, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội của quận nói riêng và của Hà Nội nói chung.
Phương Hoài tổng hợp