Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 02/10/2018 09:30
Mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn trong diện mạo Thăng Long - Hà Nội

 

Trên thế giới, sự ra đời của đô thị luôn gắn với những điều kiện về vị trí địa lý và dân cư như: giao thông, hàng hóa, phường nghề... Tuy nhiên, trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, các đô thị được hình thành phần nhiều bị chi phối bởi mục đích chính trị của các triều đại quân chủ chuyên chế. Vậy nên, có nhiều đô thị được hình thành trên nền tảng cơ sở là một vùng nông nghiệp lâu đời. Đô thị Thăng Long - Hà Nội cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

 

Là một tụ điểm dân cư được phôi thai từ ngàn hàng ngàn năm về trước, Thăng Long đã chính thức trở thành đô thị tiêu biểu và lớn nhất của cả nước vào đầu thế kỷ XI. Ngay từ những ngày đầu mới thành lậ, Thăng Long do vị trí địa lý thuận lợi của mình, đã trở thành nơi “hội tụ của bốn phương”. Tuy nhiên, dân cư bản xứ tại Thăng Long rất ít. Từ khi Lý Công Uẩn chính thức lấy Thăng Long làm kinh đô nước Đại Việt, cùng với những chính sách phát triển kinh tế - xã hội thì Thăng Long đã thu hút một lực lượng đông đảo dân cư của các vùng lân cận đến làm ăn, sinh sống. Rất nhiều trong số đó là những thợ thủ công có kinh nghiệm, có tay nghề giỏi đến từ các tỉnh Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Giang, Nam Định, Thái Nình... Ban đầu những cư dân này chỉ mở những cửa hàng phục vụ cuộc sống và sản xuất của cư dân đô thị, dần dần hình thành những nhóm hàng, phường hội... Từ đây, các làng nghề, phố nghề được hình thành... Ba mươi sáu phố phường Hà Nội cũng chính thức ra đời: hàng Bạc, Hàng Điếu, Hàng Gà, Hàng Nón, Hàng Vải... Những phố, phường nghề sản xuất những mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống và sản xuất của cư dân, tuy nhiên lâu dần, nhu cầu trao đổi, mua bán ngày càng tăng lên, vì thế xuất hiện những phố, hàng chuyên buôn bán các sản phẩm mà làng khác làm ra. Chính những điều này làm cho diện mạo các phố phường đô thị Thăng Long trở nên đa sắc cạnh hơn.

Cũng từ đây, dân cư các đô thị Thăng Long chủ yếu là những thị dân làm nghề thủ công, buôn bán và một số ít làm nông nghiệp, còn lại là tầng lớp vua chúa, quan lại, quý tộc. Khi làm ăn phát triển, đời sống khấm khá, nhu cầu hưởng thụ cũng tăng lên. Nắm bắt được nhu cầu, những người thợ tài giỏi đã hội tụ lại để sản xuất các mặt mặt hàng yêu cầu độ kỹ xảo cao, chất lượng tốt để cung cấp cho tầng lớp vua chúa, quan lại và thị dân. Các làng nghề này thường được hình thành ở vùng ngoại ô hoặc ven đô Thăng Long để dễ dàng vận chuyển vào trong thành. Một yếu tố quan trọng của các làng nghề ven đô là quá trình diễn tiến tự sinh của người dân sở tại. Từ sự khéo léo tạo ra những sản phẩm tinh xảo cộng với điều kiện thuận lợi về vị trí, đất đai mà sản phẩm của làng trở nên nổi tiếng không chỉ trong vùng mà còn trở thành lễ vật tiến vua. Không những thế, dù có những người thợ thủ công tài giỏi nổi tiếng về lập nghiệp nhưng sản phẩm của họ làm ra dần không đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp vua quan và thị dân mới nổi, do đó, đã xuất hiện những đầu mối kinh tế giữa các cụm làng ven đô trước khi hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng. Một số làng tiêu biểu làng như làng dệt Hồ Tây, lĩnh Bưởi, gấm Trích Sài, Giấy Yên Hòa, Yên Thái, Nghĩa Đô.... 

Về đời sống văn hóa xã hội, những người dân đến sinh sống làm ăn ở Thăng Long vốn từ các vùng quê khác nhau, nên những vẫn mang theo những phong tục, lối sống, ý thức về làng xóm nông thôn. Trong đó thể hiện rõ nhất ở tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, thờ tổ họ. Những cư dân gắn bó với nhau, hỗ trợ nhau trong cuộc sống theo tinh thần “láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau”, chính vì thế, các tổ chức bộ máy của các phường được hình thành giống như bộ máy của các làng quê.

Có thể nói, đô thị Thăng  Long - Hà Nội là trung tâm chính trị của các triều đại phong kiến kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra Đại La. Trải qua các thời kỳ lịch sử, cùng với sự biến đổi của chính trị, diện mạo đô thị Thăng Long cũng có sự biến đổi. Tuy nhiên, sự  đan xen giữa phố và làng trong đô thị Thăng Long vẫn còn tồn tại. Chính hệ thống kinh tế làng xã và nhà nước quân chủ chuyên chế đã kìm hãm sự phát triển của đô thị Thăng Long, làm cho thủ công nghiệp không tách khỏi nông nghiệp, thành thị không tách khỏi nông thôn. Do vậy, suốt một thời kỳ dài lịch sử, cấu trúc đô thị của Thăng Long khá rõ ràng: một thành phần cốt lõi mang tính chất quan liêu - chính trị, cùng với một phần đô thị bổ sung cho phần thành mang tích chất dân gian. Bên ngoài thành là những khu chợ, những làng ven đô với hoạt động buôn bán sầm uất. Nhìn chung, văn hóa làng xã vẫn luôn gắn liền với văn hóa dân gian tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử Thăng Long, thể hiện trong tín ngưỡng, phong tục. Trong khi đó, văn hóa đô thị chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, biến đổi nhanh chóng, tạo ra nhiều nét mới phù hợp với cuộc sống thị dân.

Dương Minh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)