Nhìn lại sự phát triển kinh tế Hà Nội những năm 1975 - 1980
Những năm tháng này, quân và dân Hà Nội một mặt tích cực khôi phục các cơ sở kinh tế, văn hóa bị chiến tranh tàn phá, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng; mặt khác, cùng cả nước thảo gỡ khó khăn từng bước đi lên.
Sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp đã khắc phục nhiều khó khăn về nguyên liệu, phụ tùng, năng lượng tạo ra những vật tư thay thế và tiết kiệm vật tư để thực hiện các kế hoạch sản xuất. Trong những năm này, công nghiệp địa phương Hà Nội đã sản xuất được một số mặt hàng mới như nước quả giải khát, nước chấm từ bột mì, kính, các loại sơn bóng, phụ tùng đồng hồ, các loại áo len xuất khẩu, một số mặt hàng thủy tinh cao cấp, máy ép dập trục 100 tấn và 160 tấn, máy tiện T615A, động cơ điện nhỏ… Một số xí nghiệp được mở rộng như: Cơ khí Giải phóng, Len mùa đông, May 10, các xí nghiệp làm gạch… Đầu năm 1978 đã đưa vào sản xuất xí nghiệp đóng xe ca, xí nghiệp nước đá mở rộng, xí nghiệp gạch Phúc Thịnh, bê tông Thịnh Liệt…
Giai đoạn này kinh tế ngoại thương được chú trọng. Năm 1980, tổng giá trị sản lượng hàng xuất khẩu của Thành phố Hà Nội đạt 169 triệu đồng, thu hút 15.000 lao động vào các ngành xuất khẩu.
Công tác xây dựng cơ bản cố gắng đáp ứng những yêu cầu cấp bách cho sản xuất và đời sống. Rất nhiều các khu đô thị mới được xây dựng như Bắc Thanh Xuân, Kim Giang, Quỳnh Lôi, Bách Khoa, Nghĩa Đô. Trong ba năm từ năm 1977 đến năm 1979 Hà Nội đã xây dựng mwois 26 vạn mét vuông nhà ở và năm 1980 xây thêm 5 vạn mét vuông… Những năm này đã giải quyết cho trên 1 vạn gia đình tới nơi ở mới. Cũng trong giai đoạn này, Thành phố đã xây dựng mới Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Cung văn hóa thiếu nhi, Bệnh viện phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương, xây mới hàng nghìn phòng học; triển khai xây cầu Thăng Long, cầu Chương Dương; đưa một số công trình giao thông được hoàn thành vào sử dụng như cầu Đuống, cảng Phà Đen, sân bay Nội Bài…
Nông nghiệp được khôi phục và phát triển theo hướng chính là sản xuất thực phẩm. Sản xuất địa phương đã bảo đảm phần lớn nhu cầu về rau, 40% trứng, 30% thịt theo tiêu chuẩn tem phiếu cung cấp cho nhân dân Hà Nội. Vùng rau chuyên canh được xây dựng theo hướng tập trung ở các huyện ngoại thành Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì… Mặc dù trong năm 1978 diễn ra liên tiếp các trận bão lũ nhưng năng suất lúa ở nhiều nơi của Hà Nội vẫn đạt 5 tấn/ha. Các công trình thủy lợi được khôi phục, mở rộng.
Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa thể thao liên tục được phát triển. Ngành mẫu giáo năm 1978 đã thu nhận 40% số cháu trong độ tuổi, năm 1979 là 43% và năm 1980 là 54%. Sự nghiệp giáo dục phổ thông và bổ túc văn hóa đều có bước phát triển, phong trào thi đua hai tốt được giữ vững. Công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân được coi trọng. Mạng lưới cơ sở y tế được tăng cường. Công tác cấp cứu, khám chữa bệnh được cải tiến. Phong trào thể dục thể thao trong trường học, nhà máy, xí nghiệp và các địa phương được đẩy mạnh. Các nhành văn hóa thông tin, bưu điện truyền thanh, phát hành sách báo được tăng cường, cổ vũ cho các phong trào thi đua lao động sản xuất, bảo vệ tổ quốc.
Trong lúc đảng bộ và nhân dân Hà Nội cùng cả nước đang khắc phục hậu quả chiến tranh và tình hình lạc hậu, kém phát triển của nền kinh tế thì những khó khăn mới lại ập đến. Chiến tranh ở hai đầu biên giới phía Bắc và Tây Nam đã gây ra cho nhân dân cả nước và Thủ đô Hà Nội nhiều khó khăn, thử thách, đồng thời đặt ra nhiều yêu cầu rất lớn đối với đời sống, phát triển kinh tế và quốc phòng. Hà Nội lại phải chuyển hướng tập trung củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu. Trên 4 vạn người Hà Nội đã đi xây dựng phòng tuyến bảo vệ Thủ đô, tăng cường hàng ngàn lao động trẻ, khỏe, bổ sung cho các nông, lâm trường ở biên giới làm nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Hà Nội vừa lo xây dựng khu phố, huyện, làng, xã… thành pháo đài chiến đấu, vừa lo giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vừa phải đẩy mạnh sản xuất bảo đảm đời sống, tiếp tục xây dựng cơ sở, vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
Giai đoạn từ sau giải phóng đất nước đến đầu những năm 1980 thật sự là giai đoạn đầy khó khăn, song Hà Nội đã đĩnh đạc, bản lĩnh, vượt qua thử thách để vừa tiếp tục xây dựng, vừa bảo vệ vững chắc Thủ đô xã hội chủ nghĩa.
Trần Duy