Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 04/10/2018 02:39
Chùa Thanh Lâu (Tĩnh Lâu tự) – một cấu trúc nguyên mẫu về chùa cổ Việt Nam

 

Chùa Tĩnh Lâu toạ lạc ở phía tây hồ Tây, thuộc làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Chùa nhìn ra hồ Tây sóng nước mênh mông, mây trời bát ngát. Trước tam quan chùa là cây bồ đề  thiên tạo xanh tốt lạ thường. Cây bồ đề không ai trồng, nó tự sinh ra, lớn lên trên cổng tam quan cũ của chùa. Trên thân của nó vẫn đeo bám những mảng tường gạch rêu phong, như muốn chứng minh: bồ đề nhờ chùa mà sinh trưởng, chùa nhờ bồ đề mà linh thiêng.

 

Cổng tam quan chùa là một công trình mới được xây dựng do công sức của nhân dân địa phương và sư trụ trì. Tuy mới xây dựng, nhưng kiến trúc vẫn giữ được phong cách truyền thống vừa nguy nga và trang nhã. Tam quan càng trở nên trang nghiêm hơn với những hàng đại tự và câu đối đầy ý nghĩa:

                  Tĩnh lý nghênh nhân đăng giác ngạn

                  Lâu trung tống khách nhập huyền môn.

      Tạm dịch:

                  Xóm tĩnh rước người lên bờ giác

                  Lâu đài đón khách đến cửa huyền.

      Câu đối vừa nêu được tên chùa là Tĩnh Lâu, vừa nói lên tôn chỉ của Phật là tự giác giác tha, tự giác ngộ cho mình và giác ngộ cho người, vừa thể hiện được lòng từ bi hỉ xả của tăng ni trụ trì tại chùa, luôn ân cần với phật tử và chúng sinh.

      Qua cổng tam quan vào sân chùa là cả một vườn hoa cây cảnh tuyệt mỹ. Đặc biệt có cây vạn tuế mấy trăm tuổi, vươn thẳng lên trời như một cây tùng.

      Xung quanh chùa là vườn cây trái um tùm, luôn tạo cho chùa cảnh sắc thanh u tĩnh tĩnh. Đúng là:

                  Sơn trung tàng cổ tự

                  Cao các độ bạch vân

      Tạm dịch:

                  Núi non tàng chùa cổ

                  Lầu giác quyện bạch vân

      Núi non ở đây chỉ là ước lệ, sự thực chùa tàng ẩn trong cổ thụ sum suê. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm ba gian bái đường và ba gian hậu cung, bên trong đầy đủ hệ thống tượng pháp như Di Đà Tam Tôn, Thích Ca, Quan Âm, Ngọc Hoàng…

      Trong chùa Tĩnh Lâu còn lưu giữ được những tác phẩm có giá trị mang phong cách nghệ thuật Việt Nam từ thế kỷ XVII. Đáng chú ý là tòa Cửu Long của chùa được làm khác với các các tòa Cửu Long khác, mang dáng dấp của một chiếc lọng che (bảo cái).

      Ba pho tượng Tam thế trong chùa được tạo tác vừa phải gần với kích cỡ của người thật, trong tư thế ngồi kiết già trên đài sen ba lớp với khuôn mặt thon nhỏ, sống mũi thẳng, miệng hơi mỉm cười và đôi mắt khép hờ như đang nhìn xuống. Ngoài ra còn có 38 pho tượng lớn nhỏ khác, trong đó bộ tượng A Di Đà cao 1,34m là bộ tượng lớn nhất trong Phật điện. Tại cửa ra vào còn treo một quả chuông đồng được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), trên chuông khắc dòng chữ Thanh Lâu thiền tự (nghĩa là chuông chùa Thanh Lâu). Trong chùa còn lưu giữ 15 tấm bia đá, khu vườn Tháp mộ cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ đã khiến cho di tích chùa Tĩnh Lâu trở thành một công trình kiến trúc Phật giáo hoàn chỉnh và là một cấu trúc nguyên mẫu về chùa cổ Việt Nam.

      Hiện ở chùa chỉ đề Tịnh Lâu tự hay Tĩnh Lâu tự (Chùa Tịnh Lâu hay chùa Tĩnh Lâu) mà không thấy đề Thanh Lâu tự. Cái tên Thanh Lâu chỉ thấy xuất hiện trong bia đá và trong sử sách.

      Chùa Thanh Lâu là ngôi chùa thuộc phái Lâm Tế, dòng Thiền tông. Nhà tổ còn câu đối:

                  Lâm Tế tông phong lưu tứ phương nhi hàm nhuận

                  Tào Khê pháp phái vẫn vạn thuỷ dĩ trừng thanh.

      Tạm dịch:

                  Tông phong Lâm Tế truyền bốn phương mà thịnh đạt

                  Pháp phái Tào Khê chia vạn nhánh vẫn trừng thanh.

      Lâm Tế thực ra chỉ là một tông trong dòng thiền mà thôi. Kể từ Lục tổ Tuệ Năng trụ trì chùa Tào Khê đến Lâm tế là thế hệ thứ sáu của ngài. Lâm Tế đặt ra Tam huyền, Tam yếu, Tứ liệu để dẫn dắt chúng sinh. Khi dạy học trò ngài thường quát hét để hiểu đại cơ. Do thiền phong mạnh mẽ, Lâm Tế đã trở thành tông riêng. Lâm Tế chính là tên của ngài, cũng là tên một phái của Thiền tông.

      Thật thú vị khi đọc đôi câu đối trong bảo điện:

                  Bảo điện quang minh Ưu Bát hoa khai nghênh thuỵ nhật

                  Thiền quan tịch tĩnh Bồ Đề thụ trưởng phất xuân phong.

      Tạm dịch:

                  Bảo điện quang minh, hoa Ưu Bát nở chào ngày đẹp

                  Cửa thiền tĩnh mịch, cây Bồ Đề lớn đón trời xuân.

      Hoa Ưu Bát là loài hoa sen xanh lá nhỏ gần giống mắt Phật. Cây Bồ Đề chính là cây Tất - Bát - La. Khi đức Phật tạ thế, cây cao vài trăm thước, tuy bị chặt phá, nhưng cây Bồ Đề vẫn cao lớn, cao tới bốn trăm thước. Đức Phật ngồi dưới gốc cây mà giác ngộ nên gọi đó là cây Bồ Đề. Hoa Ưu Bát và cây Bồ Đề trong câu đối này có ý chỉ giác ngộ.

      Chùa Thanh Lâu được trùng tu nhiều lần. Những tấm bia trong chùa đã nói về việc tu sửa đó. Bia Chúc Thánh Thanh Lâu đẳng tự hương hoả điền bi tạo năm 1622 nói về việc trả lại ruộng hương hoả cho chùa. Bia Hậu Phật bi ký tạo năm 1793 nói về việc trùng tu chùa…

      Chùa Thanh Lâu (Tĩnh Lâu tự) được công nhận di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 1460 QĐ/BT ngày 26 tháng 6 năm 1996 của Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam.

 

Phương Hoài tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)