CẦN LẮM NHỮNG CUỐN SÁCH CÔNG CỤ NHƯ “ĐỊA BẠ CỔ THĂNG LONG - HÀ NỘI”
Việc biên dịch và xuất bản những cuốn sách tư liệu này không hề đơn giản. Những công trình đã xuất bản, đôi khi là công sức của nhiều thế hệ trong việc sưu tầm văn bản gốc, đối chiếu so sánh văn bản, phiên âm, dịch nghĩa, chú giải… Giá trị của một công trình thể hiện ở giá trị tư liệu, chất lượng dịch thuật và chú giải. Có thể nói đã có rất nhiều tư liệu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thuộc nhiều ngôn ngữ đã được khai thác và xuất bản. Những tư liệu dành được sự quan tâm và khai thác nhiều thường là các bộ sử, chí, văn bia, thần tích, du ký, các tác phẩm của các tác gia, dòng họ lớn… Những năm gần đây, nguồn tư liệu bằng tiếng Anh, Pháp… được quan tâm hơn, cung cấp những tư liệu đối chiếu, so sánh ở những góc nhìn, quan điểm khác. Tuy nhiên đó mới chỉ là một phần rất nhỏ so với khối tư liệu đang chờ được khai thác.
Với nhiều người, việc dịch những văn bản là công việc có hàm lượng khoa học không cao nhất là những văn bản cung cấp tư liệu đơn thuần như tư liệu địa bạ. Mặt khác đây là công việc đòi hỏi sự đầu tư lâu dài về thời gian và lực lượng. Đặc trưng của tư liệu địa bạ là khối lượng tư liệu rất lớn. Theo thống kê, hiện tại hai kho địa bạ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm và Trung tâm lưu trữ quốc gia I có 10.570 tập với 18.519 địa bạ của các làng (xã/thôn/phường/ ấp/trại...). Số tư liệu đã được khai thác rất ít. Với địa bạ, việc tuyển dịch hay trích dịch là gần như không có giá trị. Việc khai thác tư liệu cần được tiến hành trên cơ sở dịch toàn bộ văn bản của một đơn vị hành chính (từ xã, thôn đến tổng, huyện, tỉnh..). Những con số tưởng chừng như rất khô khan về ruộng đất sở hữu của một người, một thôn, một xã… lại cung cấp trữ lượng thông tin rất lớn. Đó là tình hình sở hữu ruộng công làng xã, ruộng tư…; là quá trình phát triển, mối quan hệ giữa các loại hình sở hữu, là tình hình kinh tế, dân số của làng xã, khu vực… Đi sâu hơn nữa, đây là những tư liệu giúp hình dung được quy mô cấu trúc của làng xã, cung cấp những thông tin khác có liên quan đến các di tích lịch sử - văn hóa, như dấu vết các thành lũy, các xứ đồng, các địa giới hành chính, một số nhân vật lịch sử có liên quan… Có thể nói việc dịch và cung cấp tư liệu mới chỉ là công việc bước đầu trong khai thác tư liệu địa bạ phục vụ nghiên cứu. Nhưng đây chính là công việc “biến cát thành vàng” đòi hỏi một sự kiên trì, nghiêm túc, khách quan, khoa học trong thực hiện.
Ngày nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật khiến chúng ta có điều kiện hơn để tiếp xúc với các nguồn tư liệu khác nhau phục vụ nghiên cứu. Tư liệu tại các Trung tâm lưu trữ, các thư viện được tiếp cận dễ dàng hơn. Tuy nhiên việc dịch văn bản, khảo cứu các vấn đề về địa danh, nhân danh, các thuật ngữ mang tính chuyên ngành… không phải là việc dễ dàng, nhất là trong hoàn cảnh một khối lượng lớn văn bản cần xử lý. Có thể nói giá trị phục vụ nghiên cứu của cuốn sách công cụ như “Địa bạ cổ Thăng Long - Hà Nội” là rất lớn nếu như được xuất bản. Bạn đọc thuộc nhiều đối tượng, tầng lớp có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận, khai thác nguồn tư liệu này. Để tư liệu có thể đóng góp rộng rãi hơn, sâu sắc hơn trong các công trình nghiên cứu rất cần những người làm công việc “biến cát thành vàng” đầu tiên ấy.
Chúng ta đã biết đến một “Địa bạ cổ Thăng Long - Hà Nội” do GS. Phan Huy Lê chủ biên cung cấp những tư liệu địa bạ đã được đối chiếu, khảo cứu của hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận - vùng đất trung tâm của Thăng Long - Hà Nội. Chúng ta cũng đang mong chờ bộ “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu địa bạ” gồm 10 tập do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên, cung cấp nguồn tư liệu địa bạ của 10 quận, huyện: Sơn Minh, Phúc Thọ, Hoài An, Đan Phượng, Thượng Phúc, Thanh Trì, Gia Lâm, Chương Đức, Thanh Oai, Phú Xuyên. Đây sẽ là nguồn tư liệu giúp hoàn thiện hơn bức tranh tổng thể về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Thăng Long - Hà Nội. Chúng ta cũng hy vọng rằng sẽ có những công trình tiếp nối, cung cấp nguồn tư liệu địa bạ ở Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ để có thể hoàn thiện bức tranh về lịch sử nông thôn và đô thị Việt Nam trên nhiều phương diện.
Bên cạnh địa bạ, còn rất nhiều nguồn tư liệu cần được khai thác phục vụ nghiên cứu như tư liệu châu bản, tư liệu lịch sử từ các bộ sử nước ngoài, các phông lưu trữ của chính quyền Pháp… Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần có sự quan tâm, đầu tư từ các cấp, ngành, từ các tổ chức xã hội để tư liệu đi vào cuộc sống, phục vụ cuộc sống.
Thu Trang