Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 30/10/2018 02:17
Những ngôi làng cổ quanh hồ Tây

 

Hồ Tây có nhiều tên trong lịch sử như hồ Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, hồ Dâm Đàn, Tây Hồ, Đoài Hồ nhưng tên gọi quen thuộc với người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung vẫn là tên gọi hồ Tây. Phía tây hồ Tây vẫn còn rất nhiều làng. Mỗi ngôi làng ở đây đều ít nhiều gắn với một địa danh, mang đậm giá trị lịch sử - văn hoá của chốn kinh kỳ.

 

Là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, hồ Tây có diện tích hơn 500ha với chu vi là 18.967 mét. Hồ nằm ở vị trí phía tây bắc trung tâm Hà Nội. Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh, hồ Tây là một đoạn của sông Hồng xưa trong quá trình ngưng đọng lại sau khi sông đổi dòng chảy. Về địa lý, Hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo, ngành địa chất lịch sử đã chứng minh được Hồ Tây là một phần của sông Hồng. Hồ Tây được coi là lá phổi của Hà Nội. Các khu vực liền kề xung quanh hồ Tây sẽ được quy hoạch để trở thành trung tâm của Thủ đô Hà Nội mới trong tương lai gần.

           

Phía tây Hồ Tây vẫn còn rất nhiều làng. Dạo quanh hồ Tây, nếu không ghé thăm những ngôi làng cổ, hẳn là một thiếu sót lớn. Mỗi ngôi làng lại có vẻ đẹp văn hóa riêng với nghề truyền thống từ xa xưa. Làng Nghi Tàm được hình thành từ năm 1138, đời vua Lý Thần Tông với tên khai sinh là trại Tầm Tang. Cái tên trại do chính nhà vua đặt. Trại Tầm Tang gắn với tích công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông dời cung về nơi này dạy dân trồng dâu, nuôi tằm tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long về nghề tơ tằm.

           

Nghi Tàm thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận và sau này qua nhiều biến chuyển thời gian, làng Nghi Tàm thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Trong “Bát cảnh hồ Tây” thì Nghi Tàm đã hội tụ tới ba cảnh đẹp, gồm “Bến Trúc Nghi Tàm” là một cây cầu, nơi trước kia các nhà thơ thường ra đó vịnh thơ, vẫn còn lưu lại đến ngày nay; “Đồng bông Nghi Tàm” tức cánh đồng hoa nay bị mất đi do đô thị hóa và “Tiếng đàn Thành Cung” - nơi nhà vua phát ra tiếng đàn vẫy gọi chim muông, dấu tích vẫn còn ngay trong sân chùa Kim Liên.

           

Hơn nữa, Nghi Tàm cũng là quê hương của Bà Huyện Thanh Quan, tác giả của những bài thơ hoài cổ nổi tiếng qua các thế hệ. Ngày nay, ở Nghi Tàm còn một bia đá mà người ta cho là bia ghi danh Bà Huyện Thanh Quan, hiện đang được lưu giữ tại một gia đình thuộc dòng họ.

           

Cũng như nhiều làng khác nằm ven hồ Tây, làng Nghi Tàm có nhiều nghề truyền thống vang danh đất kinh kỳ. Nghề trồng cây cảnh được du nhập vào Nghi Tàm từ năm 1928. Những người sành chơi cây ở Hà Nội đều biết tới cây cảnh Nghi Tàm với những gốc cổ thụ hoặc các loài quý hiếm. Nghi Tàm cũng nổi tiếng là làng nuôi cá cảnh với những tay nuôi cá tài nghệ, biết lai tạo giống mới, vỗ cá đẹp, mau lớn khiến ai cũng nể trọng.

           

Đó là làng Nghi Tàm cổ nghìn tuổi, quanh hồ Tây còn có các làng khác cũng nổi tiếng không kém. Ven hồ Tây còn vang danh làng Quảng Bá, Nhật Tân còn có “thương hiệu” đào và quất cảnh. Dù đất trồng đào - quất đã được di chuyển ra bên kia đê vì quá trình đô thị hóa nhưng với sự tài hoa của con người nơi đây, những cánh đồng mênh mông hoa vẫn tồn tại. Duy chỉ có điều, xưa ở bên mép nước hồ, thì nay ở trên dải phù sa sông Hồng.

           

Làng Nhật Tân với chùa Tào Sách và nghề trồng hoa đào nổi tiếng. Làng Tứ Tổng với chùa Vạn Phúc và nghề trồng dâu nuôi tằm, sau này chuyển sang trồng quất cảnh. Quất cảnh Tứ Liên (tên mới của Tứ Tổng) đẹp nhất trong tất cả các vùng trồng quất cảnh ngày nay. Làng Xuân La với chùa Thiên Niên (Thiên Niên cổ tự) thờ bà tổ nghề dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô thứ phi của vua Lê Thánh Tông. Làng Kẻ Bưởi (An Thái) với nghề làm giấy (giấy dó) cổ truyền, với đền Đồng Cổ (hiện nằm trên đường Thụy Khuê) nơi bách quan hội thề đời nhà Lý.

           

Xưa, xung quanh hồ Tây còn được gọi là Kẻ Bưởi, gồm 6 làng cổ Yên Thái, An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài hợp thành. Với dân cư Hà Nội ngày càng đông, khu vực Hồ Tây gồm các phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La và Phú Thượng dần mất nét ven đô mà thay đổi theo chiều hướng mật độ cao, phố xá dày đặc. Bây giờ, tìm về nơi đây, những làng nghề thủ công nổi tiếng một thời chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của những người già trong làng, nhưng dấu xưa làng cổ vẫn còn hiện hữu qua những chiếc cổng làng cổ như cổng làng Yên Thái, cổng Xanh làng An Thọ, cổng làng Hồ Khẩu, Đông Xã…

Hiện nay, những cảnh đẹp mà người xưa gọi Tây Hồ bát cảnh không còn nhưng hồ Tây vẫn là một thắng cảnh của thủ đô Hà Nội bởi những giá trị về cảnh quan, bởi một hệ thống các làng hoa nổi tiếng bao bọc quanh hồ: Tứ Tống, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Quảng Bá… Tất cả tạo nên một vẻ đẹp của hồ Tây và tạo ra một vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội.

 

Phương Hoài (tổng hợp)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)