Nét đặc trưng trong đời sống tư tưởng triều Lê sơ
Từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Phật giáo phát triển mạnh, vai trò của tầng lớp tăng lữ (sư sãi) được đề cao trong đời sống chính trị, xã hội. Sang thời Lý, Trần, Phật giáo không những vẫn được duy trì, còn có cơ hội phát triển mạnh mẽ, các nhà sư không chỉ tham chính, bàn định những công việc quốc gia đại sự, mà nhiều thiền sư đã trở thành thầy dạy cho vua, và bản thân các vua cũng đã đi tu thiền (trở thành các thiền sư, sáng lập gia các dòng thiền mới của Đại Việt). Chính vì vậy không những Phật giáo giữ được vai trò là hệ tư tưởng chính thống, quốc giáo trong đời sống xã hội đương thời; mà còn tạo nên một hệ thống thiền phái nổi tiếng gắn liền với các thiền sư: Thảo Đường, Từ Đạo Hạnh… Các thiền sư thời kỳ này thường có trí tuệ hơn người, uyên thâm về học vấn, thông hiểu Phật học (Thiền tông). Hơn thế, do tinh thần “bác ái” của Phật giáo, cũng như nhu cầu của vương triều, các tôn giáo khác như Nho giáo, Đạo giáo cũng đồng thời được khuyến khích phát triển. Nên nhiều sử gia gọi đây là thời kỳ tam giáo đồng nguyên (Phật - Đạo - Nho cùng tồn tại và phát triển) của Đại Việt. Nhưng hình thế/cục diện này chỉ duy trì cho đến nửa cuối vương triều Trần, một mặt tầng lớp nho sĩ bắt đầu phát triển lớn mạnh lên; mặt khác tư tưởng của đạo Phật bộc lộ những hạn chế trong công việc quản lý và cai trị đất nước.
Bởi vậy, khác với các vương triều trước chọn Phật giáo làm hệ tư tưởng chính thống, thì vương triều Lê sơ đã chọn Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống, nền tảng của đời sống xã hội. Có lẽ các vua triều Lê nhận thấy thời cuộc thay đổi, tầng lớp nho sĩ vốn đã phát triển mạnh ở nửa cuối vương triều Trần và vương triều Hồ, đến nay họ tạo thành một tầng lớp, có tiếng nói quan trọng, uy tín hơn trong xã hội. Chính vì vậy mà, ngay sau khi thắng lợi, chỉ trong 2 năm đầu, một loạt các chính sách thi cử theo chuẩn mực Nho giáo được tiến hành để tuyển chọn nhân tài, bổ vào bộ máy hành chính của đất nước. Sử chép: “ngày 28 tháng 11 năm 1428, chỉ huy cho các quan viên quân dân, hẹn đến tháng 5 sang năm đến tại Đông Kinh, quan văn thì thi kinh sử, người nào tinh thông bổ làm quan văn, quan võ thì thi các môn võ kinh, phép lệnh và kỳ thư”. Sang năm 1429, vào “ngày 26, tháng 5 chỉ huy rằng phàm quân nhân ở các phủ lộ và những người ẩn dật ở rừng núi, người nào quả có thông kinh sử, giỏi văn nghệ, hạn đến ngày 28 tháng này, đến sảnh đường trình diện, cho chờ đến kỳ vào trường thi hội, ai đỗ được tuyển dùng. Ngày 28-5, chỉ huy cho các quan văn võ trong ngoài, người nào tinh thông kinh sử, từ tứ phẩm trở xuống, hạn đến ngày 29 tháng này đều đến sảnh đường để vào trường thi hội”. Việc tiến hành thi cử theo kiểu quan trường một mặt cho thấy có sự phát triển của nền giáo dục, nhưng mặt khác nội dung thi cử lại dựa vào kinh sách/điển, tư tưởng của Nho giáo. Hệ tư tưởng Nho giáo của vương triều Lê sơ chủ yếu tiếp thu và chịu ảnh hưởng của học thuyết Tống Nho. Đây là một thuyết đề cao vai trò của quân vương và tinh thần trung quân của bề tôi, ủng hộ xu hướng tập trung quyền lực về tay “Thiên tử”. Chính vì thế, tư tưởng của học thuyết Tống Nho đã chiếm địa vị chi phối trong đời sống chính trị xã hội ở Đại Việt, đáp ứng nhu cầu và xu hướng tập quyền của các vua vương triều Lê sơ. Tư tưởng Tống nho đã được các vua vương triều Lê sơ tiếp thu dùng làm cơ sở cho ý thức hệ, nền tảng luân lý và đạo đức xã hội. Đặc biệt là vua Lê Thánh Tông, một quân vương uyên bác Nho học, ông cũng là vị vua đã áp dụng thành công những nguyên lý của Nho giáo vào công cuộc cai trị đất nước và quản lý xã hội. Bản thân Lê Thánh Tông cũng đã soạn ra 24 điều giáo huấn, bắt các xã trưởng đem đọc và giảng trong những buổi hội hè, đình đám ở làng xã, để phổ biến rộng rãi những nguyên tắc, luân lý đạo đức của theo quan niệm Nho giáo. Trải qua thời gian, những quan niệm, tư tưởng của Nho giáo cũng ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội từ tầng lớp quý tộc cung đình đến tầng lớp bình dân, dân gian. Điều đó cũng giúp cho nhà Lê sơ củng cố được quyền lực của vương triều, các vua Lê đã thâu tóm được quyền lực tuyệt đối, trở thành biểu tượng tối thượng của đất nước.
Cùng với hệ tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo ở thời kỳ này có phần bị hạn chế, không được tự do phát triển như các triều đại Lý, Trần trước đó. Không những thế, nhiều chính lệnh của triều đình được ban bố, cấm đoán “vũ trung tà đạo” mê hoặc dân chúng. Sang đến thời Lê Thánh Tông, vua còn ra lệnh cấm xây dựng chùa quán mới, cấm tự tiện đúc chuông, tô tượng và bắt các địa phương ngăn cấm bọn thầy cúng, cô đồng, bà cốt mê hoặc, lừa dối nhân dân. Chính vì có sự ngăn cấm như vậy, Phật giáo và Đạo giáo không còn được nhà nước bảo hộ, sức ảnh hưởng tới tầng lớp quý tộc cung đình bị hạn chế, nó đã trở về với đời sống ở làng xã nông thôn, hòa mình vào với tín ngưỡng dân gian vừa để tồn tại, vừa để tìm thời điểm để phục hưng, phát triển. Tuy nhiên, việc hạn chế của triều đình không hẳn là cực đoan, triệt bỏ. Một mặt, Phật - Đạo giáo chỉ bị hạn chế những hoạt động có tính chất tiêu cực như mê tín, dị đoan… gây ảnh hưởng xấu đến đời sống sản xuất, xâm phạm đến lễ giáo, đạo đức của Thánh hiền, làm dao động nhân tâm; nhưng mặt khác, các vua nhà Lê vẫn cho tu bổ những chùa bị hư hỏng, phái các triều thần đến cầu cúng, làm ma chay ở các chùa.
Các hệ tư tưởng thời Lê sơ, mặc dù không còn “tam giáo đồng nguyên” như thời Lý Trần, Nho giáo được tôn sùng và trở thành chính thống trong đời sống tư tưởng chính trị xã hội tuy nhiên, có một đặc điểm vô cùng quan trọng trong đời sống tư tưởng của Đại Việt nói chung và vương triều Lê sơ nói riêng là không bao giờ các hệ tư tưởng trở nên cực đoan, triệt phá lẫn nhau. Do các hệ tư tưởng đều tồn tại, phát triển trên nền tảng chung, đó là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc.
Trải qua nhiều thế kỷ dựng nước và giữ nước, cả dân tộc đoàn kết, đồng lòng bảo vệ những thành quả lịch sử và thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn chứng tỏ một bước phát triển cao của chủ nghĩa yêu nước. Triều Lê xây dựng chế độ quân chủ tập quyền theo mô hình Nho giáo, nâng Nho giáo lên vị trí thống trị nhưng trên tinh thần độc lập dân tộc, vận dụng nguyên lý Nho giáo theo yêu cầu xây dựng một quốc gia độc lập, thịnh vượng.
Trà Giang