Những lần điều chỉnh địa giới hành chính lớn của Thủ đô Hà Nội trong lịch sử
Lần điều chỉnh thứ nhất (năm 1961)
Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, Hà Nội năm 1954 có diện tích 152,2km2 (nội thành là 12,2 km2, ngoại thành là 140km2), gồm 36 phố nội thành và 4 quận ngoại thành; dân số là 436.624 người. Từ năm 1958, Hà Nội tiến hành cải tạo XHCN công thương nghiệp tư bản tư doanh và từng bước tực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa, vì vậy nhu cầu mở rộng Thành phố trở nên bức thiết. Ngày 12-9-1959, Bộ Chính trị đã họp đánh giá tình hình mọi mặt của Thủ đô, đề ra nhiệm vụ cải tạo và mở rộng Thành phố Hà Nội, xác định quy mô và hướng phát triển của Thành phố. Ngày 04-01-1960, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 98/NQ-TW về quy hoạch cải tạo và mở rộng Thành phố Hà Nội. Nghị quyết khẳng định phải xây dựng Hà Nội trở thành một Thành phố công nghiệp và một trung tâm kinh tế. Phương châm cải tạo, mở rộng Thành phố Hà Nội là phục vụ nhiệm vụ xây dựng Hà Nội nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước, phục vụ sản xuất công nghiệp và đời sống của nhân dân lao động. Ngày 20-04-1961, Quốc hội khóa II đã phê chuẩn quy hoạch mở rộng đồng tâm Thành phố Hà Nội về 4 hướng và phân vạch địa giới mới của Hà Nội mở rộng. Theo đó, Hà Nội sáp nhập các vùng phụ cận vốn có quan hệ với Thành phố Hà Nội và có cơ sở kinh tế xã hội tương đối phù hợp với khu vực ngoại thành của Hà Nội, gồm18 xã, 6 thôn và 1 thị trấn thuộc tỉnh Hà Đông; 29 xã và 1 thị trấn của tỉnh Bắc Ninh; 17 xã và một nửa thôn của tỉnh Vĩnh Phúc; 1 xã của tỉnh Hưng Yên. Sau khi mở rộng, diện tích Hà Nội là 586,13 km2 gồm 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành; dân số là 910.000 người, diện tích gấp gần 4 lần và dân số gấp 1,5 lần so với năm 1960. Với đợt mở rộng này, không chỉ ngoại thành của Hà Nội được mở rộng gấp hai lần khu vực nội và ngoại thành cũ, mà khu vực nội thành mới cũng được nới rộng thêm, đáp ứng nhu cầu phát triển và xây dựng Thủ đô trong quy hoạch dài hạn.
Lần điều chỉnh thứ hai (năm 1978)
Sau chiến thắng giải phóng miền Nam 1975, non sông thu về một mối, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã quyết định lấy tên nước là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Thủ đô là Hà Nội. Ngày 20/9/1976, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về quy hoạch, cải tạo và xây dựng Thủ đô Hà Nội: Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật; đồng thời là một trung tâm kinh tế quan trọng và một trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội phải được xây dựng thành một Thành phố tiêu biểu cho chế độ XHCN trên đất nước ta, vừa có tính hiện đại, vừa có tính dân tộc, làm chỗ dựa cho sự nghiệp cách mạng XHCN của cả nước. Ngày 29-12-1978, Quốc hội khóa VI đã phê chuẩn đề án mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội bằng việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình và tỉnh Vĩnh Phú vào Hà Nội: Huyện Ba Vì (32 xã), huyện Phúc Thọ (22 xã), huyện Thạch Thất (19 xã), huyện Đan Phượng (15 xã và 1 thị trấn), huyện Hoài Đức (27 xã), thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình; huyện Mê Linh (22 xã và 2 thị trấn) và huyện Sóc Sơn (25 xã) của tỉnh Vĩnh Phúc. Hà Nội sau mở rộng năm 1978, có diện tích là 2,123 km2, gồm 4 khu phố nội thành và 12 huyện, thị xã ngoại thành, dân số là 2.500.000 người. Sau đó, Hà Nội tiếp tục có những biến đổi địa giới hành chính ở phạm vi tương đối hẹp. Đến trước ngày 12-8-1991, Hà Nội có diện tích là 2.139km2, dân số là 3.057.000 người, về địa giới: Phía Đông giáp Hà Bắc và Hải Hưng, phía Tây giáp Vĩnh Phú, phía Nam giáp Hà Tây, phía Bắc giáp Vĩnh Phú và Bắc Thái.
Lần điều chỉnh thứ ba (năm 1991)
Trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, bên cạnh thuận lợi, chính quyền Hà Nội nhận thấy có những khó khăn nên đã kiến nghị lên Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng đề nghị điều chỉnh lại địa giới hành chính Thành phố. Trên cơ sở đó, ngày 12-08-1991, Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết điều chỉnh theo hướng thu hẹp địa giới hành chính Thành phố Hà Nội: Chuyển huyện Mê Linh của Thành phố Hà Nội về tỉnh Vĩnh Phúc, chuyển thị xã Sơn Tây và 5 huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì và Thạch Thất về tỉnh Hà Tây. Địa giới Hà Nội sau khi thu hẹp: Phía Đông giáp Hà Bắc và Hải Hưng, phía Tây giáp Vĩnh Phú, phía Nam giáp Hà Tây, phía Bắc giáp Vĩnh Phú và Bắc Thái. Diện tích Hà Nội sau khi thu hẹp còn 921,8 km2, gồm 4 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành; dân số 2.052.000 người.
Lần điều chỉnh thứ tư (năm 2008)
Nghị quyết 15-NQ/TW (ngày 15-12-2000) của Bộ Chính trị xác định phương hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội là: Trong 10 năm tới gắn với chuẩn bị kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành phố phải phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội toàn diện bền vững; bảo đảm về cơ bản xây dựng nền tảng vật chất, kỹ thuật của Thủ đô XHCN giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân; phấn đấu trở thành một trung tâm ngày càng có uy tín trong khu vực; xứng đáng với danh hiệu Thủ đô anh hùng.
Điều đó đòi hỏi Thủ đô Hà Nội cần phải được xây dựng và phát triển một cách toàn diện, xứng tầm là Thủ đô của một đất nước trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện, đại hóa. Ngày 29/5/2008, Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết 15/2008/QH12 về mở rộng Thủ đô Hà Nội, bao gồm cả tỉnh Hà Tây, Huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc Huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Tính đến nay Hà Nội được tổ chức thành 30 quận, huyện, thị xã:
Có thể nói, mở rộng địa giới hành chính là cơ hội để Hà Nội phát triển cao hơn, toàn diện hơn. Đây chính là một trong những điều kiện để quá trình đô thị hóa của Hà Nội đã phát triển mạnh theo chiều rộng và có sức lan tỏa mạnh. Những địa chỉ hấp dẫn, các điểm dân cư ven đô, những quỹ đất rộng rãi tạo nên động lực phát triển đô thị và đã liên tục được khoác lên mình những chiếc áo đô thị ngày một rộng hơn.
Dương Minh (Tổng hợp)