Đô thị Thăng Long - Hà Nội giai đoạn 1010 đến 1873
Phần lớn các đô thị cổ đều bắt đầu hình thành từ chỗ là trung tâm chính trị - hành chính, bên cạnh hạt nhân chính là kinh thành có thêm các yếu tố cấu trúc như “thị” (chợ), “phố”, “phường”. Do chính sách của các triều đại phong kiến và bản chất của nền kinh tế tiểu nông Việt Nam nên hầu hết các đô thị cổ đều chậm phát triển. Đô thị Thăng Long - Hà Nội giai đoạn 1010 - 1873 cũng không ngoại lệ.
Thăng Long ngay từ khi mới xây dựng đã được kiến trúc ba vòng thành. Vòng ngoài là thành Đại La, có nhiều cửa ra vào, có lính canh gác. Thành Đại La phân cách kinh thành và ngoại thành. Kinh thành là khu vực của dân cư ở, có cả dân thường, quan lại và binh lính; có các khu phố phường, chợ, bến, lại có cả các làng xóm nông nghiệp; có các cung, phủ của cậc hoàng tử, thái tử. Vòng thành thứ hai là Thăng Long thành (Hoàng thành) là khu vực triều đình làm việc. Vòng thành thứ ba (Cấm thành) là nơi ở của vua, hoàng hậu, cung tần mỹ nữ. Mặc dù qua các triều đại, triều đình đều chăm lo xây dựng các công trình kiến trúc cung đình và kiến trúc tôn giáo - văn hóa.
Cấu trúc không gian đô thị của Thăng Long thời phong kiến về cơ bản gồm có 5 yếu tố quy hoạch, theo quan điểm phân khu chức năng như sau:
- Khu hành chính - chính trị - quân sự, mà đại bản doanh chính là Hoàng thành, được bảo vệ cẩn mật.
- Khu cư trú, thủ công và thương nghiệp, là vùng đất ở phía đông, đông bắc và lan xuống đông nam của Hoàng thành, điển hình là khu vực ven hồ Tây và khu vực phố cổ ngày nay.
- Khu cư trú, nông nghiệp, tập trung ở khu vực phía nam và phía tây kinh thành.
- Khu văn hóa - giáo dục và sinh hoạt cộng đồng khác, tiêu biểu là quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các đền chùa, cảnh đẹp hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm…
- Giao thông (đối nội và đối ngoại).
Trong lịch sử đô thị hóa của Thăng Long thời phong kiến, nhiều cuộc binh lửa, do xâm lược ngoại bang, do tranh chấp giữa các tập đoàn phong kiến đã làm kinh thành bị thiêu rụi, dân cư li tán. Trong lịch sử đã ghi lại hai lần quân Chiêm Thành đánh đến kinh thành (năm 1371 và 1378). Khi đó kinh thành đều bị thiêu trụi trước khi quân Chiêm Thành rút lui. Thời Lê - Trịnh, vào cuối thế kỷ 18, tình hình ở Thăng Long hết sức hỗn loạn. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã ba lần đưa quân ra Thăng Long “phù Lê diệt Trinh” (1786, 1787, 1788). Phủ chúa Trịnh đã bị thiêu hủy hoàn toàn trong thời gian dưới thời vua Lê Chiêu Thống.
Thời kỳ từ cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19 là giai đoạn tiến trình đô thị hóa Thăng Long có vị trí đặc biệt do thời kỳ này kinh tế hàng hóa đã phát triển vượt bậc, giao lưu buôn bán giữa các vùng trong và ngoài nước với Thăng Long được tăng cường. Sông Hồng đã phát huy vai trò là một tuyến vận tải thuận lợi cho các thuyền buôn từ các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng đến, từ Thanh Nghệ Tĩnh ra, từ nước ngoài tới. Ở hạ du sông Hồng thời bấy giờ có một cảng – thị nổi tiếng là Phố Hiến( nay là thành phố Hưng Yên). Vào thời kỳ này, phần “đô” của Thăng Long được mở rộng. Cung vua ở trong Hoàng thành, còn Phủ chúa nằm ngoài ở phía nam Hoàng thành. Sự hậu thuẫn của phần “đô” - chính trị đã thúc đẩy phần thị - kinh tế phát triển. Đây chính là thời kỳ Thăng Long trên bến dưới thuyền, có hoạt động thương mại rất sầm uất. Kinh thành có hơn 10 chợ lớn nổi tiếng và hàng loạt các chợ nhỏ hơn, chính vậy Thăng Long mang tên Kẻ Chợ. Đây là thời kỳ giảm đi tính cách biệt giữa phần “thành” và phần “thị” do Phủ Chúa đặt trong kinh thành, và tầng lớp quan lại ở đông hơn xen vào các khu dân cư.
Bình luận về đô thị hóa ở đồng bằng sông Hồng, một nhà đô thị học nổi tiếng, GS. Đàm Trung Phường đã viết: Cho đến cuối thế kỷ 19, trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chỉ có Thăng Long xứng đáng là đô thị thực sự với khu dinh thự của các vua quan, những phố phường của thợ thủ công và người buôn bán. Nhưng Thăng Long thời bấy giờ bên cạnh và xen kẽ với các khu kinh thành và thủ công vẫn còn các làng nông nghiệp. Công nghệ của thành thị chủ yếu vẫn là nghề phụ thủ công của người tiểu nông trong các làng trồng lúa nằm ngay giữa đô thị. Cho đến thế kỷ 18 - 19 Thăng Long vẫn mang tính chất là một chợ phiên lớn nhất mà thôi. Các thị dân vẫn gắn bó với làng quê của mình, vẫn xây đình, xây cổng làng trong đô thị, chưa có hẳn một đời sống thành thị thực thụ tách biệt hẳn với đời sống nông thôn.
Trong cuốn sách Dân cư Thăng Long - Hà Nội của hai tác giả GS. TS Đỗ thị Minh Đức và Nguyễn Viết Thịnh, cuốn sách được giới thiệu ở Dự án Tủ sách ngàn năm văn hiến giai đoạn 2 đã giới thiệu rõ nét về đô thị Thăng Long - Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử. Các bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về mảng đề tài này tại cuốn sách Dân cư Thăng Long - Hà Nội.
Duy Anh