PHẠM TỘI NẶNG CÓ THỂ BỊ XÓA TÊN KHỎI TỘC HỌ
Theo các tác giả của sách Tộc ước gia quy Thăng Long - Hà Nội, những nhà nghiên cứu chuyên sâu văn học trung đại, Hán Nôm thì một trong những phương diện thể hiện tính chất luật tục của các văn bản tộc ước, gia quy chính là ở cơ chế vận hành, ở các hình thức chế tài của nó. Khi chế định ra tộc ước, người ta luôn hy vọng chúng được thực thi một cách nghiêm túc và có kết quả. Để các điều khoản được thực thi, người ta đặt ra các mức độ thưởng phạt.
Bên cạnh những mức thưởng thì hình phạt phổ biến nhất được nêu trong các bản tộc ước, gia quy là phạt tiền. Số tiền phạt đối với những người vi phạm một điều ước nào đó, mức trung bình chỉ vài ba quan tiền, nhiều thì năm, mười quan, hoặc thấp nhất chỉ là vài mạch hoặc vài văn. Số tiền phạt chỉ lớn đối với những người làm thất thoát tài sản chung của họ, và số tiền phạt lớn có tính chất bồi thường hơn là phạt. Tiền phạt bao giờ cũng sung vào quỹ chung của họ tộc. Việc quy định hình thức phạt có bản ghi cho từng vấn đề…
Trong các tộc ước gia quy ở đây quy định hình phạt phổ biến thứ hai là phạt bằng hiện vật hoặc đánh vào quyền lợi kinh tế. Việc phạt chỉ có ý nghĩa tượng trưng nhắc nhở là chính. Hiện vật nộp phạt cũng thường nhỏ và giản dị, nhiều là mấy mâm cỗ, buồng cau, chai rượu, đèn nến; nhỏ có khi chỉ vài chục miếng trầu, chai rượu...
Loại hình phạt thứ ba thuộc loại nặng nhất là đánh vào danh dự và quyền lợi tinh thần. Danh dự của thành viên trong tộc chỉ thường là phạt không cho dự tế, không được đến từ đường, không cho giữ quỹ hoặc ruộng tộc.
Hình thức phạt nặng nhất thuộc loại này là truất tên khỏi danh sách tộc họ, cũng tức là đuổi ra khỏi họ. Nhiều bản tộc ước, gia quy có áp dụng hình phạt không cho tới từ đường, không cho dự tế thường cũng chỉ có thời hạn một số năm để nhắc nhở. Hình phạt đuổi ra khỏi họ cũng được nhiều bản tộc ước quy định.
Bản Nguyễn thị khoán ước của họ Nguyễn xã Tương Mai, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng), điều 30 ghi: “Phàm ngày hành lễ mà có mổ lợn, thì thủ lợn kính biếu các viên khoa trường chức sắc trong họ, nọng lợn kính biếu người già trong họ từ 60 tuổi trở lên, lại kính biếu trưởng của các chi mỗi người một cái chân giò. Những người khác không thuộc lệ này, cũng không được buông lời xấc xược. Người nào làm trái thì phạt tiền 05 mạch. Nếu kẻ nào ngang bướng thì xoá tên khỏi sổ họ”.
Tộc ước họ Nguyễn Huy xã Phú Thị, huyện Gia Lâm quy định: “Tông tộc lấy lễ nhượng làm đầu… Nếu ai xưng hô xấc xược không kể thứ bậc trên dưới, hay nói năng bừa bãi, cố tình giả vờ không biết để nói ra những lời xúc phạm đến người khác, đặc biệt là giọng của dân chợ búa... Với loại người như vậy, thì định lệ đuổi ra khỏi họ, vĩnh viễn không bao giờ nhắc tới để răn đe việc tuân thủ nghiêm túc theo tôn ty trật tự. Đối với những kẻ bất hiếu, bất mục và dâm loạn, cho đến những kẻ làm việc sai trái, mắc tội thì phải xóa tên, không cho ghi vào phả”.
Hình phạt đuổi ra khỏi họ, truất tên hoặc truất quyền ghi tên vào gia phả, không cho tham dự cúng tế tổ tiên thường áp dụng cho các lỗi liên quan tới luân lý đạo đức hoặc những điều cấm kỵ thiêng liêng của dòng họ. Đối với xã hội xưa, đây là hình phạt hết sức nặng nề.
Trong số những hình phạt như phải nộp tiền, nộp hiện vật, làm công… có tính răn đe, nhắc nhở để tất cả mọi người có ý thức giữ gìn nền nếp của họ tộc, cùng tương trợ giúp đỡ, tăng tính đoàn kết. Còn đối với những trường hợp vi phạm, làm trái quy định của tộc ước, gia quy hay phạm tội bất hiếu, dâm loạn thì người đó có thể sẽ bị xóa khỏi tên trong dòng tộc. Đây được xem là tội nặng nhất được quy định trong tộc ước, gia quy của mỗi gia tộc, họ tộc. Để nắm rõ hơn những quy định cụ thể được ghi lại trong tộc ước, gia quy của người Thăng Long xưa, Hà Nội nay, bạn đọc tìm hiểu trong cuốn sách Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tộc ước gia quy.
Ngọc Ánh