Hà Nội - trái tim hồng qua một số tác phẩm của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
Theo sự biến chuyển của thời gian, triều đại nhà Trần tiếp quản quyền lực từ nhà Lý, tiếp tục duy trì kinh đô tại Thăng Long. Với tinh thần khai phóng, 174 năm cai trị của nhà Trần trở thành một trong những giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất trên các lĩnh vực văn hoá, kinh tế, chính trị, quân sự của dân tộc. Nền văn hiến Thăng Long trong giai đoạn này tiếp tục được bồi đắp, không chỉ bởi các công trình kiến trúc văn hoá, mỹ thuật liên tục được mở rộng, các giá trị văn hoá phi vật thể liên tục được sàng lọc, bổ sung mà còn là sự quy tụ, gia tăng mạnh mẽ của các học giả, trí thức, thương nhân, thợ thủ công, bao gồm cả các bộ phận cư dân ngoại quốc tinh tuý. Kinh thành Thăng Long ba lần bị quân Nguyên Mông chiếm giữ nhưng đều kết thúc bằng các chiến thắng oanh liệt của nhà nước Đại Việt là một minh chứng sống động về sức sống mãnh liệt của mảnh đất "rồng thiêng" và tinh thần quật cường của dân tộc.
Cùng dòng chảy của thời gian, từ tác phẩm Thăng Long – Hà Nội thời Mạc – Lê Trung hưng, bạn đọc thấy rõ nét hơn cả một thời kỳ lịch sử đầy biến động trên mảnh đất ngàn năm từ tác phẩm “Thăng Long – Hà Nội thời Mạc – Lê Trung hưng” của tác giả PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ. Năm 1400, Hồ Quý Ly thâu tóm quyền lực, ép vua Trần dời đô về Thanh Hoá, Thăng Long được đổi tên thành Đông Đô. Liền sau đó, nhà nước Đại Ngu của Hồ Quý Ly bị nhà Minh xâm lược, Đông Đô bị ngoại bang chiếm đóng.
Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, Đông Đô lấy lại vị thế kinh thành và được đổi tên thành Đông Kinh. Dưới thời thịnh trị của nhà Lê, với tư tưởng kết hợp giữa đức trị và pháp trị, kinh đô tiếp tục được mở rộng. Sự phức tạp của chính trị với mô hình "lưỡng đầu chế" từ thời Lê Trung hưng đã góp phần làm cho kinh đô mang một diện mạo mới. Bên cạnh Hoàng Thành của vua Lê như là một biểu tượng của nhà nước quân chủ chuyên chế, phủ chúa Trịnh được xây dựng trong hơn một thế kỷ ở phía tây nam Hồ Gươm, là một công trình đồ sộ với nhiều cung điện và các kiến trúc xa hoa lộng lẫy, trở thành biểu tượng của trung tâm quyền lực quốc gia. Cũng chính trong giai đoạn này, nhờ sự phát triển của ngoại thương và nền kinh tế hàng hoá, Thăng Long còn được gọi với một tên khác là Kẻ Chợ, trở thành một đô thị phồn thịnh, sầm uất quy tụ cư dân từ nhiều nơi, bao gồm cả các nhà buôn, nhà truyền giáo, trí thức từ phương tây tới sinh sống. Kinh thành bắt đầu dung nạp và chuyển hoá những giá trị văn hoá hoàn toàn mới, đặt nền móng cho quá trình đô thị hoá toàn diện trong giai đoạn sau. Bạn đọc có thể tìm hiểu sâu hơn về Kẻ Chợ sầm uất qua tác phẩm “Tuyển tập tư liệu công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài (1672 -1697) của tác giả PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn.
Năm 1802, triều đại Tây Sơn đi hết vai trò lịch sử trong việc chống ngoại xâm, thống nhất đất nước sau một thời gian tồn tại ngắn ngủi. Vua Gia Long lên ngôi, bắt đầu nhà Nguyễn, định đô ở Phú Xuân. Trong một cuộc cải cách hành chính năm 1831, tỉnh Hà Nội được thành lập gồm 4 phủ, 15 huyện. Tuy mất đi vị thế kinh đô nhưng ở giai đoạn này, Hà Nội lại phát triển theo một hướng khác biệt với giai đoạn trước. Quá trình tiếp biến văn hoá diễn ra đồng thời với đô thị hoá, tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho Hà Nội, đặc biệt từ thời Pháp thuộc. Năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hà Nội chính thức trở thành thủ đô của một quốc gia độc lập tự do, đồng thời chính thức khoác lên mình một sứ mệnh hoàn toàn mới, sẵn sàng đương đầu với những thử thách to lớn của lịch sử dân tộc. Cuối năm 1946, chiến tranh Đông Dương bùng nổ, Hà Nội lại một lần nữa rơi vào sự kiểm soát của người Pháp. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấm dứt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ngày 10/10/1954, quân đội Việt Nam trở về tiếp quản, từ đây Hà Nội lấy lại vị thế thủ đô của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tuy nhiên, ngay sau đó, lịch sử lại đặt lên vai Hà Nội một trọng trách nặng nề. Đồng thời với vai trò trung tâm chính trị với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội cùng với miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, tiếp bước cho cuộc trường chinh vĩ đại giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước sau khi Mỹ can thiệp vào miền Nam Việt Nam.
Khi cuộc chiến tranh leo thang, Hà Nội phải hứng chịu hàng loạt các cuộc tấn công khốc liệt với tuyên bố "đưa miền bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá" của đế quốc Mỹ mà đỉnh điểm là chiến dịch Linebacker II năm 1972 nhằm thẳng vào trung tâm đầu não của đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tuy nhiên cuộc tập kích có cường độ lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới này không khuất phục được ý chí kiên cường của Hà Nội. Với bản lĩnh và truyền thống cả ngàn năm chống ngoại xâm, Hà Nội đã anh dũng đáp trả bằng chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, đập tan mưu đồ của người Mỹ. Để phác họa sự kiên cường, chiến đấu, chiến thắng oanh liệt của quân và dân Thủ đô PGS.TS. Trịnh Vương Hồng đã thể hiện trong cuốn sách “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không”.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là nơi tụ hội các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; nơi diễn ra các kỳ họp quan trọng, từ đó đưa ra các nghị quyết, đường lối, sách lược quan trọng cho từng giai đoạn xây dựng, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống và bản lĩnh, trong quá trình đổi mới, Hà Nội từng ngày thay đổi diện mạo để hội nhập nhanh chóng vào thế giới hiện đại với các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, các giá trị văn minh của nhân loại, xứng đáng với tầm vóc của một thủ đô ngàn năm văn hiến cũng như niềm tự hào của nhân dân cả nước.
Điểm qua một số tác phẩm có trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II để thấy rõ nét hơn những đặc trưng của văn hóa và con người Thăng Long, những phẩm chất tốt đẹp về đạo đức và lối sống, về trí tuệ và tài năng được nuôi dưỡng từ đời này qua đời khác tạo nên niềm tự hào cho nhân dân Thủ đô và toàn cả nước.
Ngọc Linh