TỘC ƯỚC, GIA QUY VỚI NHỮNG ĐIỀU ĐƯỢC GHI LẠI
Mặc dù cách gọi tên tộc ước của các dòng họ thường không thống nhất, hoặc là “điều lệ”, “điều ước”, hoặc là “lễ lệ”, “kỵ lễ”… mà ở đây được thống nhất một cách gọi là “tộc ước”. Từ cách gọi đã thấy nội dung được ghi lại trong tộc ước, gia quy được trải rộng trên nhiều mặt gắn liền với đời sống thực tế của các cư dân trong dòng tộc sinh sống trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Để hiểu và nắm bắt được đầy đủ hơn, rõ nét hơn, bạn đọc lần giở các trang tư liệu quý của cuốn sách, ở đây chúng tôi trân trọng giới thiệu sơ lược một số vấn đề có tình tiêu biểu được ghi trong tộc ước, gia quy Thăng Long – Hà Nội.
Qua quá trình tìm và dịch các tác giả thấy rằng loại văn bản tộc ước, gia quy này có những điểm giao thoa với các loại hình văn bản như gia lễ, gia huấn, gia phả và cả hương ước, xã lệ. Những nội dung quy định về tế lễ và nghi tiết thì nó gần gia lễ. Những nội dung về nguồn gốc tổ tiên thì gần gia phả, những điều răn dạy con cháu thì gần gia huấn và nhiều nội dung sinh hoạt trong đời sống gần với hương ước. Tuy nhiên, loại hình này có đặc điểm khác biệt hẳn so với các loại khác kể trên ở chỗ nó có quá trình xây dựng (lập ước) do tập thể các thành viên hoặc nhóm thành viên đại diện lập ra. Nó phân chia điều mục rõ ràng và nhằm tới nội dung điều chỉnh, chế tài mang tính bắt buộc, có thưởng phạt rõ ràng, nó có cơ chế vận hành và giám sát thi hành, nó có nguyên tắc phê duyệt và ban hành, quy chế điều chỉnh có nhiều yếu tố chế tài và khá chặt chẽ có tính chất luật tục.
Theo các tác giả của cuốn sách, trong việc của họ tộc, vấn đề nổi bật hàng đầu là vấn đề tế tự, phụng sự tổ tiên. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các bản tộc ước, gia quy đều đặt lên trước nhất quy định về việc thờ cúng tiên tổ. Một mặt, nó xuất phát từ thứ tình cảm tự nhiên thông thường nhất, từ truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn ngàn đời, nó cũng là sự thể hiện văn hóa Nho giáo trong các gia tộc. Mặt khác nó là cơ sở tập hợp liên hệ mọi người, vừa là dịp họp mặt bàn việc đối với các họ.
Trong cuốn sách, bên cạnh đề cập đến các lễ cúng giỗ tổ tiên quan trọng như: Lễ kỵ nhật hay húy nhật của các vị tổ khảo tổ tỷ, lễ cúng tế Thủy tổ, lễ chạp Tổ, các kỳ tuần tiết, thời gian, địa điểm tế tự, chuẩn bị tế tự, nhóm tác giả cho biết nghi thức tế tự là yếu tố rất quan trọng trong việc cúng tế vì nó thể hiện thái độ tôn kính tuyệt đối của con cháu đối với tổ tiên.
Thông qua các nghi thức tế tự này, mọi người trong tộc có thể ý thức được về tôn vị của liệt tổ, lại vừa có thể tu chỉnh hành vi tế tự của mình. Theo quy định, mọi người đến từ đường làm lễ thì phẩm phục phải chỉnh tề, thái độ phải nghiêm cẩn thành kính, hành lễ phải trật tự nghiêm túc, hướng lên bài vị tiên tổ làm lễ, và phải giữ gìn thái độ trang phục ấy từ đầu cho đến cuối buổi lễ, không được lơ là...
Vấn đề thứ hai là tài sản chung. Đây là vấn đề dễ gây mất đoàn kết nhất trong tông tộc, do đó, các tộc ước, gia quy rất chú ý quy định về việc này. Các quy định thường xoay quanh các trường hợp như: Việc phát canh thu lợi tộc điền, việc cho vay lấy lãi tiền quỹ họ, việc thầu cấy ruộng họ, việc giữ quỹ và sử dụng quỹ, việc mở rộng quỹ...
Về tương trợ trong gia tộc, hầu hết các bản tộc ước, gia quy đều dành riêng một số điều khoản để quy định về việc người trong tộc giúp đỡ lẫn nhau. Những quy định này thường chỉ áp dụng với những đối tượng thực sự cần được trợ giúp, chứ không phải ai họ cũng giúp, đặc biệt là những kẻ rượu chè bê tha thì nhất thiết là không thuộc diện này.
Về giáo dục đạo đức nhân cách cho các thành viên trong tộc họ có được đặt ra, nhưng không quan trọng bằng vấn đề tế tổ tiên và bảo quản tài sản chung của họ. Một số bản tộc ước, gia quy có đề cập tới vấn đề giáo dục đạo đức nhân cách cho các thành viên, thì hầu hết cũng chỉ là những lời giáo huấn, khuyến cáo chung chung…
Ngoài các hoạt động trên, tộc ước, gia quy còn quy định các vấn đề khác như: Khuyến học, cưới xin, lên lão, lệ nhập tộc, khao vọng, mừng sinh con trai, đầy tháng, mừng thăng quan tiến chức...
Các tác giả đã dành nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu dịch các bản tộc ước, gia quy tuy nhiên do giới hạn của thời gian và những khó khăn riêng của công việc tiếp cận tư liệu, những bản tộc ước, gia quy được sưu tầm, giới thiệu trong cuốn sách Tuyển tập Tộc ước, gia quy mới chỉ là một phần trong thực tế.
Lam Giang