Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 05/11/2019 09:52
Nhà thờ họ Chu - một trong những nhà thờ họ nổi tiếng ở Nhật Tân

 Giữa thôn Tây phường Nhật Tân có nhà thờ họ Chu. Nhà thờ họ Chu là nhà thờ của một trong những dòng họ lớn đã góp phần tạo nên sự phồn vinh cho vùng đất Nhật Tân với nghề trồng hoa Đào và trồng dâu nuôi tằm kéo sợi. “Địa chí vùng Tây Hồ” do Nguyễn Vinh Phúc chủ biên, là công trình thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến của Nhà xuất bản Hà Nội, khắc hoạ toàn cảnh về nhà thờ họ Chu. Đây là nhà thờ nổi tiếng ở Nhật Tân.

Phường Nhật Tân ngày nay xưa là phường Nhật Chiêu vào đầu thời Nguyễn khoảng (1840-1845) mới đổi là Nhật Tân. Toàn bộ phường Nhật Tân nằm trên gò Hý Mã (ngựa hý) phía Tây của hồ Tây. Cư dân Nhật Chiêu đã khai phá vùng đất này từ thời Hùng Vương. Người Nhật Chiêu - Nhật Tân trải qua các triều đại với hàng ngàn năm lịch sử vẫn bám trụ ở vùng đất đầy sóng gió hiểm nguy này để tạo dựng cuộc sống phồn vinh cho chính bản thân và góp phần tô đẹp cho văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Nói đến Nhật Tân người ta nghĩ ngay đến nghề trồng hoa mà nổi tiếng là hoa Đào. Tuy nhiên nghề trồng dâu nuôi tằm kéo sợi mới là nghề của Nhật Tân.

            Sở dĩ Nhật Tân trở nên nổi tiếng như vậy vì có các dòng họ sinh tụ ở đây đã lâu đời như dòng họ Chu, họ Đỗ, họ Nguyễn, họ Trần, họ Vũ… Mỗi dòng họ đã gắn bó, đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khăn để bám trụ và tạo dựng được cơ ngơi như hôm nay cho con cháu và góp phần tạo dựng nên những làng nghề nổi tiếng của vùng Nhật Tân. Xin giới thiệu dưới đây nhà thờ họ Chu. một tỏng những nhà thờ họ khang trang của Nhật Tân.

            Nhà thờ họ Chu nằm giữa thôn Tây phường Nhật Tân. Từ cổng vào là một sân nhỏ, xung quanh những cây hồng xiêm xoè tán rợp mát. Ngoài vườn có tường hoa xây lửng bao bọc nhà thờ. Từ sân bước lên là hiên nhà thờ. Nhà thờ được xây 5 gian tường hồi bít đốc. Mái lợp ngói ta và còn lại một ít ngói mui hoài cổ. Hiên được lát gạch Bát Tràng, rộng tới 1m20, được làm các kẻ ở giữa, gian bên là các trụ xây. Trên các kẻ hiên chạm hoa văn lá hoá rồng, đỡ các kẻ là một hàng cột gỗ tròn.

            Cửa ba khoang giữa là các cánh hình chữ nhật. Lòng nhà thờ chia 5 gian không đều nhau, 3 gian giữa rộng, 2 gian bên hẹp. Kết cấu vì nóc dạng chồng rường. Mái phân thượng tứ hạ ngũ. Trên thượng lương còn ghi năm tháng trùng tu và những câu được trích từ Kinh dịch để chỉ sự tốt đẹp bình an của ngôi nhà. Đỡ khung nhà với 12 cột gỗ dạng đòng đòng, cột có đường kính 25cm, được đặt trên các chân tảng đá xanh vuông 40cm. Trong nhà thờ, từ ngoài vào gian giữa được tôn cao 40cm làm nơi hành lễ, bệ xây với kích thước 0,55 x 2 x 0,4m. Trên cao của 3 gian là 3 bức đại tự sơn son thếp vàng, viền quanh được chạm những vân lá. Cửa võng ở chính giữa với 2 bên là 2 câu đối gỗ cũng sơn son, chạm trổ. Cửa võng được chạm rồng chầu mặt trời, 2 tai là 2 phượng vũ, diềm dưới chạm một dàn hoa đào, chạy xuống 2 bên là 2 lẵng hoa. Dưới cửa võng là nhang án có kích thước 1,8 x 1,6 x 0,6m. Chính giữa nhang án chạm mặt hổ phù ngậm chữ thọ. Hai bên những gờ nổi như sóng, lá dây rủ xuống. Chân nhang án là kim tòng kép. Cấp phía trên hổ phù chạm những đường gờ nổi, rồi một khoang chạm thủng các rồng lá, hoa chanh… Diềm trên một mảng chạm nổi với 3 khoang là hoa đào, cành lá, 2 đường diềm cánh sen chạy ngang thân nhang án. Trên lá 2 tai với 2 rồng lá được chạm nổi, chạm bong. Nhang án mang nghệ thuật nửa đầu thế kỷ XIX. Các nét chạm bay bướm, phóng khoáng. Mặt nhang án được đặt các đồ thờ tự với bát hương gốm sứ 20 x 25cm ở chính giữa, hai bên là độc bình men trắng hoạ tiết mây lam, một cây đèn, ống hương, ỷ thờ và các đài gỗ đều sơn son.

            Trên bệ cao và sâu nhất của nhà thờ đặt một khám trong đó có bài vị cụ tổ dòng họ. Bài vị dạng lá đề, xung quanh viền rồng lá chạy dọc, dưới chân bài vị chạm phượng vũ. Phía ngoài của bài vị chạm hình vòng tròn rồng lá phượng vũ lá sen… Phía trên chính giữa khám chạm một bông cúc mãn khai thay cho mặt trời, hai tai là rồng xung quanh là giàn hoa đào. Chạy dọc 2 phía dưới của khám với hình cuốn thư rồi 2 long mã được chạm thủng. Tiếp xuống là đào, hoa lá sen… Lớp trong của khám chạm đào hoa lá. Chính giữa diềm phía dưới chạm hổ phù xung quanh các hoa, lá sen chạm nổi. Khám chân quỳ có niên đại nửa đầu thế kỷ XIX. Trước cửa là đôi câu đối, ở hai gian bên về hai phía là bệ thờ đều được đặt khám thờ, khám được làm 2 lớp với những nét chạm rồng chầu, hoa lá… Bên cạnh khám là 3 tấm bia hậu ghi:

            Hậu tộc bi ký (Thành Thái 13/1901) ghi việc họ Chu xây từ đường, con gái trong dòng họ đã cung tiến, cúng ruộng.

            Bia Khải Định 10 (1925) ghi ông Chu Văn Giáp gửi giỗ.

            Tấm bia ghi Khải Định (không rõ năm nào) về việc gửi giỗ của bà Nguyễn Thị Sửu, con dâu họ Chu.

            Tấm bia Thành Thái 3 (1901) ghi người con gái là Chu Thị Chắt công đức…

            Nội dung những tấm bia này cùng một phần xác định những năm tháng trùng tu, tôn tạo nhà thờ của dòng họ.

            Hai gian đầu hổi được đặt hai bia lớn, có câu đối. Bia kích thước 1 x 0,5m.

            Để nói thêm về nhà thờ của họ Chu, các cụ kể lại khu này trước đây ruộng lớn, nay đã bị thu hẹp lại cũng là do con cháu trông coi rồi chia ra để ở nên hiện trạng chỉ còn lại như ngày nay.

            Nhà thờ họ Chu mới xây dựng lại nhưng rất khang trang, bề thế, có đủ long ngai, bài vị, cửa võng, hoành phi câu đối, nhang án, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đáng chú ý là bức hoành phi Ngã Chu không dương (Họ Chu ta to lớn thịnh vượng).

            Và câu đối:

            Công đức nhật lưu quang nhất bản tư bồi thành viễn ấm

            Thụ hoa tân diễm phát tứ chi bằng tạ ái dư hương

            Nghĩa là:

            Công đức cùng năm tháng, một gốc đắp bồi con cháu tốt

            Cây hoa càng tươi đẹp, bốn chi nhờ cậy phúc ấm hoà

            Trong nhà thờ còn giữ được các bia nói về các lần trùng tu nhà thờ họ.

            Từ những giới thiệu chi tiết về nhà thờ họ Chu ở Nhật Chiêu - Nhật Tân là hình ảnh cho chúng ta hình dung về những dòng họ lớn ở vùng Nhật Chiêu xưa, những dòng họ đã gắn bó lâu đời trên mảnh đất nổi tiếng về trồng hoa Đào và trồng dâu nuôi tằm kéo sợi, thể hiện một vùng đất, làng nghề, với những con người tần tảo vì cuộc sống đầy đủ, phồn vinh, góp phần tô thắm thêm những nét đẹp của văn hoá Thăng Long – Hà Nội.

Thúy Hạnh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)