Nghĩa Dũng linh từ thờ Tứ vị Mẫu Cờn
Xưa, nơi đền toạ lạc thuộc phường Yên Hoa, tổng thượng, huyện Vĩnh Thuận, kinh thành Thăng Long thời Lê. Đến đầu thời Thiệu Trị (1841), đổi Yên Hoa thành Yên Phụ, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội.
Kiến trúc của đền hiện nay bao gồm các hạng mục: Cổng sân, tiền tế 5 gian, hậu cung 3 gian tạo thành hình chữ đinh. Tất cả đều được làm bằng gỗ lim khá chắc chắn.
Cổng đền được làm dạng chồng diêm hai tầng 8 mái ngói giả ống, trên cổng đề 4 chữ Hán: “Nghĩa Dũng linh từ”, hai bên cổng có đắp câu đối bằng chữ Hán.
Tiền tế gồm 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời. Nhà có khoảng hiên rộng, phía trước mở 3 cửa ra vào, nền lát gạch hoa. Bộ khung gồm 4 bộ vì dạng chồng rường giá chiêng, mặt bằng gồm bốn hàng chân cột. Tại các gian đều treo hoành phi, câu đối, cửa võng, cuốn thư tạo sự linh thiêng và trang hoàng cho di tích.
Hậu cung đền gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái ngói ta. Bộ khung gồm 2 vì gỗ kiểu vì kèo quá giang. Gian giữa xây bục gạch cao đặt 4 bộ ngai và tượng cửa 4 đức Thánh, hai gian bên có đặt các tượng nhỏ cùng nhiều đồ thờ tự khác nhau…
Hiện di tích còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị lịch sử nghệ thuật cao: như một tấm bia đá cùng 9 đạo sắc phong niên đại nghệ thuật thời Nguyễn, nhiều hoành phi, câu đối, cửa võng, tượng mẫu, khám thờ được sơn thếp lộng lẫy góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hoá dân gian vùng ven hồ Tây trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Tấm bia hiện còn trong di tích cho biết đền do ông Nguyễn Văn Khang đứng ra hưng công xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) để thờ Tứ vị Mẫu Cờn (Còn gọi là Tứ vị Thánh nương). Đây vốn là những vị thần được thờ gốc ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sự tích về Tứ vị Thánh nương đã được ghi chép trong các sách dã sử cùng nhiều truyền thuyết dân gian ở những nơi có thờ mẫu Hải Cờn. Có thể thấy, sự có mặt của Tứ vị Thánh nương tại đền Nghĩa Dũng là một hiện tượng tương đối đặc biệt bởi Mẫu Hải Cờn chủ yếu được thờ ở vùng dọc theo bờ biển từ Móng Cái - Quảng Ninh đến các tỉnh Nam Bộ và được coi là thần hộ mệnh của cư dân đi biển. Theo thống kê thì ở Hà Nội Mẫu Hải Cờn được thờ ở Cơ Xá - Bắc Biên (Long Biên), đền Đại Lộ huyện Thường Tín… như một sự dịch chuyển của văn hoá miền biển vào đồng bằng tạo nên sự đa dạng, đan xen giữa các lớp tín ngưỡng miền biển và miền châu thổ Bắc Bộ trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Thúy Hạnh