Tổ nghề và nghệ nhân của các làng nghề thủ công ở Thăng Long - Hà Nội
Tổ nghề của làng là người đầu tiên đưa nghề về truyền dạy cho họ tộc, dân làng. Từ đó hình thành và phát triển thành nghề, người dân trong làng có công ăn việc làm, có thu nhập chính trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; được dân làng tôn vinh, kính trọng. Ở nhiều nơi, khi mất, Tổ nghề cũng có thể được nhiều làng suy tôn, thờ cúng tùy theo công lao truyền dạy nghề. Tổ nghề thường là người cùng làng, cùng địa phương; cũng có thể là người từ nơi khác đến, thậm chí có trường hợp là những người nước khác với nhiều lý do đến cấy nghề.
Xuất thân của nhiều Tổ nghề thuộc các làng nghề thủ công truyền thống ở Thăng Long - Hà Nội từ giai cấp thượng lưu, có học, sinh thời là các quan lại triều đình, trong thời gian đi sứ sang phương Bắc học được nghề yêu thích mang về làng truyền dạy lại cho con cháu và dân làng. Cũng có nhiều Tổ nghề là người làng đi làm thuê ở nơi khác, học được nghề rồi trở về làng truyền dạy lại. Một số Tổ nghề do thời gian lịch sử quá lâu đời, dân làng không rõ lai lịch, gốc tích, chỉ được biết và được ghi lại qua nhiều giai thoại mang tính chất truyền thuyết cho đến ngày nay. Cho dù xuất phát từ đâu, nhưng Tổ nghề thực sự là người có công lớn, là nhân tố không thể thiếu cho việc tạo lập làng nghề thủ công truyền thống ở Thăng Long - Hà Nội.
Thờ tổ nghề được coi là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung và của Thăng Long - Hà Nội nói riêng, thể hiện sự biết ơn những vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho nhân dân, di dưỡng đạo lý "uống nước nhớ nguồn”. Có thể lập bàn thờ tổ nghề tại gia, nhưng phổ biến hơn cả là các phường nghề, làng nghề lập miếu, đền, đình riêng để thờ tổ nghề riêng của nghề mà phường, làng mình đang làm. Đặc biệt, nhiều vị tổ nghề còn được thờ làm thành hoàng làng. Thờ phụng tổ nghề, người ta cầu mong Ngài phù hộ cho công việc được suôn sẻ, buôn may bán đắt hoặc lúc đi xa tránh được mọi sự rủi ro. Sau khi công việc có kết quả, người ta làm lễ tạ ơn. Ngày kỵ nhật tổ nghề tại các phường còn gọi là ngày giỗ phường.
Có thể kể ra một số Tổ nghề nổi tiếng của đất Thăng Long - Hà Nội như:
· Tổ sư nghề vàng bạc là 3 anh em họ Trần: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền sống tại làng Định Công, huyện Thanh Trì (cuối thế kỷ thứ VI). Sau này thợ làng Định Công di chuyển về Thăng Long, cư trú tại phố Hàng Bạc..
· Nguyễn Sơn Hà, sinh năm 1894 tại Hà Nội, được coi là ông tổ nghề sơn dầu Việt Nam.
· Tổ sư nghề gốm sứ Bát Tràng là Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát (Ninh Bình). Hứa Vĩnh Kiều cùng với Tổ sư hai làng gốm khác là Đào Trí Tiến làng Thổ Hà và Lưu Phong Tú làng Phù Lãng cùng khởi nghề ở Bát Tràng, sau đi học men gốm tại Thiểm Châu, Quảng Đông, Trung Quốc về truyền nghề cho dân làng..
· Nguyễn Đức Tai, tổ sư nghề rèn Hoa Thị (ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Nguyễn Đức Tai, người làng Hoa Thị, học nghề rèn của một người tên là Thanh Hoa không rõ người vùng nào, về truyền dạy lại cho dân làng nghề này sau được dân làng thờ làm tổ sư.
Nghệ nhân là người có tay nghề cao vượt trội trong số các thợ lành nghề chuyên nghiệp được họ tín nhiệm, suy tôn. Là người có được ít nhất một vài bí quyết để tạo ra các sản phẩm đặc sắc, từ đó tạo ra tiếng tăm cho làng nghề. Một làng nghề có thể chỉ có một hoặc nhiều nghệ nhân tùy theo trình độ chuyên môn và phải đạt được những tiêu chí do Nhà nước cấp có thẩm quyền cấp chứng chỉ công nhận. Nghệ nhân và thợ lành nghề có thể là người trong làng hoặc người từ nơi khác đến, giữ vai trò quyết định cho sự tồn tại và phát triển của làng nghề. Một làng nghề được tôn vinh là làng nghề tiêu biểu phải có một đội ngũ nghệ nhân và thợ lành nghề dồi dào, thông thạo công việc chuyên môn, có kinh nghiệm trong sản xuất và chế tác, tạo ra những sản phẩm đặc sắc được người tiêu dùng yêu thích sử dụng.
Thăng Long - Hà Nội luôn là địa phương đứng đầu cả nước với tiềm năng vô giá về văn hóa làng nghề. Với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và trí thông minh được tích tụ hàng nghìn năm, người thợ thủ công các làng nghề nơi đây trong quá khứ và hiện tại đã tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, có giá trị kinh tế, nghệ thuật văn hóa thẩm mỹ, được lưu truyền khắp các châu lục, như: gấm, lụa của làng Vạn Phúc; sa, the của các làng dệt làng La; khảm trai của làng Chuyên Mỹ; thêu ren của làng Quất Động; gốm sứ của làng Bát Tràng; dát vàng, bạc quỳ của làng Kiêu Kỵ…
Duy Anh