Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 08/11/2019 01:25
Bát Tràng với những đặc trưng tiêu biểu của một làng công thương chuyên nghiệp

Là một trong số những làng cổ tiêu biểu của Hà Nội được giới thiệu trong bộ sách Làng cổ Hà Nội do TS. Lưu Minh Trị chủ biên, thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, nhưng Bát Tràng lại được biết đến là làng công thương chuyên nghiệp. Cách trung tâm Hà Nội chừng 15km, làng có lịch sử hình thành từ thời Lê, là một làng cổ có từ lâu đời nhưng làng không mang đặc trưng tiêu biểu như các làng quê Việt Nam khác. Đây là làng gốm lâu đời nổi tiếng nhất ở Việt Nam, chuyên sản xuất những loại gốm sứ đa dạng về chủng loại và kiểu dáng cùng với chất lượng bền đẹp. Không chỉ nổi tiếng với gốm sứ, Bát Tràng còn có vị trí thuận lợi gần trung tâm thủ đô Hà Nội, nằm ven sông Hồng nên thuận tiện cho giao thương đường thủy. Bên cạnh nghề gốm, làng còn có hoạt động buôn bán từ rất sớm, tiêu biểu là nghề buôn nước mắm và buôn cau khô. Vậy nên, Bát Tràng không đơn thuần là một làng cổ của Hà Nội mà còn là làng công thương chuyên nghiệp với nhiều đặc trưng khác biệt so với làng Việt.

 Lũy tre làng gắn với đặc trưng tiêu biểu của làng quê Việt thì với làng Bát Tràng lại không hề có lũy tre bao bọc. Cùng với đó bên trong làng, không thấy bất kỳ cái ao nào, vốn có nhiều công dụng đối với người dân quê xưa như để giặt giũ, tắm rửa, điều hòa, lưu thông nước… lý giải cho việc không có ao trong làng có lẽ một phần bởi làng nằm ven sông Hồng. Một điều lạ ở Bát Tràng ấy là ngoại trừ tại khuôn viên các đình chùa, đền miếu, còn trong làng gần như không có bóng cây cổ thụ. Bao quanh làng không có cánh đồng lúa, các loại hoa màu phủ lên cánh đồng theo mùa vụ. Làng như một “ốc đảo” bị bao bọc bởi sông Hồng về phía tây và tây nam, đầm về phía đông, các làng Giang Cao và Kim Quan về phía nam và phía bắc. Nếu như hình ảnh lũy tre xanh, đồng ruộng mênh mông thẳng cánh cò bay hoặc như “cây đa, bến nước” gắn với người nông dân Việt thì người Bát Tràng lại là hình ảnh bến sông thuyền bè ra vào tấp nập, thợ sản xuất gốm nhộn nhịp suốt ngày bên các lò gốm tỏa khói.

Một trong những nét tiêu biểu của một làng công thương chuyên nghiệp Bát Tràng đó là đường trong làng rất nhỏ hẹp, hai bên đều bị tường nhà án ngữ. Chỉ đường chính có bề mặt rộng, song cũng chỉ khoảng 4m, còn các ngõ chỉ rộng 3m, rất nhiều ngõ chỉ 2m, thậm chí có những con ngõ rộng chỉ chừng hơn mét. Đường đã hẹp, lại có nhiều đoạn bị gãy thước thợ nên việc vận chuyển thường gặp nhiều khó khăn. Người gồng gánh muốn trở vai phải lựa vào quãng đường có góc thước thợ. Xưa khi có hai người gồng gánh đi ngược chiều nhau hay như nay chỉ cần 2 người đi xe máy hoặc xe đạp ngược chiều nhau là một người phải lùi vào cổng khuất hoặc lối rẽ nào đó để nhường cho người kia đi.

Với các làng nông nghiệp xưa của Việt Nam, nhờ vào tục nộp cheo, đường làng được lát gạch ở những xóm, khu vực trung tâm, song phần lát gạch chỉ rộng khoảng 1,2m (hai bên phần lát gạch vẫn là đường đất) còn Bát Tràng, bởi gạch nhiều do sản xuất được, nên đường làng ngõ xóm đều được lát gạch kín đến sát tường nhà của các gia đình, có cống thoát nước nên không hề bị ngập và lầy lội. Khác với cách nghĩ đã là làng thì các gia đình phải có vườn tược rộng rãi hoặc đường làng ngõ xóm rợp mát bóng cây, dân cư đông đúc, đất thổ cư hẹp nên phía ngoài khuôn viên mỗi gia đình không có hàng rào cây bao bọc, mà thay bằng tường quây xung quanh, trong làng không có một vườn cây; không một nhà nào có một cái ao, hay ít nhất là một khoảnh vườn.

Là một làng cổ, nhưng Bát Tràng lại không có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, không có ao sâu vườn rộng như các làng nông nghiệp vốn đặc trưng tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ mà ở đây là những lò sản xuất gốm sứ, những hộ gia đình kinh doanh buôn bán, một làng nghề sản xuất, thương nghiệp, vậy nên kinh tế của làng cũng trở nên giàu có hơn. Nếu ở các làng nông nghiệp, trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong làng chủ yếu là nhà tranh vách đất, chỉ “điểm xuyết” không đầy chục ngôi nhà ngói (thường chỉ là nhà thờ các dòng họ hoặc nhà của một số người thuộc tầng lớp trên, như chánh tổng, lý trưởng, hoặc quan lại về hưu) thì Bát Tràng phần lớn là nhà mái ngói. Trong làng san sát là nhà gạch, lợp ngói trông như khu phố. Điều này không chỉ do làng sẵn gạch, các gia đình đều khá giả, có đủ tiền để mua thêm một ít ngói lợp, mà còn do yêu cầu phòng hỏa của một làng luôn có các lò nung gốm đỏ lửa.

Bát Tràng vốn đất thổ cư hẹp, gần sông vậy nên làng có một đặc trưng cũng khá khác biệt với làng Việt ấy là không có những giếng làng, giếng xóm mà phần lớn các hộ gia đình tự đào giếng lấy nước dùng. Kết cấu và bố trí khuôn viên, nhà cửa của các gia đình cũng có nhiều khác biệt so với các làng nông nghiệp khác trong vùng như không có sân trước vườn sau, cau trước chuối sau...

Là một làng công thương chuyên nghiệp, Bát Tràng hôm nay dẫu có sầm uất hơn, nhà tầng san sát nhưng vẫn còn đó những ngôi nhà lưu lại dấu tích thời xưa như nhà cổ Vạn Vân. Là ngôi nhà gỗ có tuổi đời hơn 200 năm. Ngôi nhà không chỉ có tuổi đời cao mà nhà cổ Vạn Vân còn là tuyệt tác kiến trúc bao gồm các họa tiết gốm sứ, ấm men lam, lọ rồng, bộ khuôn bản dập làm gốm… từ trước thế kỷ XV.

Bát Tràng hôm nay mang trong mình một diện mạo mới đi cùng năm tháng đó là những đặc trưng tiêu biểu của một làng công thương chuyên nghiệp nằm ven sông Hồng, gần trung tâm Hà Nội với nghề gốm truyền thống vẫn luôn được lưu giữ và ngày một phát huy mạnh mẽ.

Ngọc Linh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)